Provincial Green Index

Chỉ Số Xanh Cấp Tỉnh

English

Bình Thuận nỗ lực cải thiện Chỉ số Xanh

Cùng với việc công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vừa qua lần đầu tiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022. Theo đó nhằm hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chỉ số PGI năm 2022 bao gồm 4 chỉ số thành phần, được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đo lường chất lượng quản trị môi trường tại các tỉnh, thành phố theo hướng gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế. Đó là: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường… Chỉ số PGI cũng là sự cảm nhận của các doanh nghiệp đánh giá về chất lượng quản trị môi trường cấp tỉnh hướng tới định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đây sẽ trở thành một công cụ chính sách hữu ích cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp Trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như tính bền vững của doanh nghiệp.

shutterstock_87317728-min-1.jpg
Tới đây, Bình Thuận nỗ lực cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng PGI (Ảnh minh họa).

Theo bảng xếp hạng PGI năm 2022, Bình Thuận đạt 12,75 điểm và đứng thứ 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, vì là năm đầu tiên VCCI giới thiệu do vậy chưa có số liệu để so sánh, đánh giá cụ thể từng chỉ số thành phần. Tuy nhiên với kết quả này, địa phương sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nỗ lực cải thiện thứ bậc xếp hạng PGI năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các sở ngành, địa phương tăng cường công tác bảo vệ môi trường, kiểm tra giám sát chặt chẽ cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn Bình Thuận. Nhất là tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Cụm công nghiệp Chế biến hải sản Phú Hài, các trang trại chăn nuôi heo, khu vực sông Giêng giáp ranh giữa Bình Thuận - Đồng Nai. Ngoài ra còn tích cực đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của chủ dự án sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.

Cùng với đó thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra, rà soát, hướng dẫn doanh nghiệp, đảm bảo tất cả dự án thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường phải được cấp giấy phép đúng thời điểm theo quy định của pháp luật và kịp thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tiếp tục cập nhật thông tin, dữ liệu về các hồ sơ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên - Môi trường để làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đặc biệt trên lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Kiểm tra, xử lý kịp thời đối với điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép, khu vực mỏ thực hiện khai thác không đúng quy định, nhất là các mỏ titan và trường hợp mỏ chưa thực hiện đầy đủ hồ sơ thủ tục theo quy định… Mặt khác còn quan tâm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách, quy định về môi trường để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin.

Trong khi đó, Sở Khoa học - Công nghệ sẽ xúc tiến phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với đơn vị sản xuất các sản phẩm lợi thế ở địa phương và hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, doanh nghiệp. Đối với sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thì tập trung triển khai đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp bảo vệ môi trường. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường và kiểm tra, giám sát chặt chẽ những điểm nóng có nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn Bình Thuận. Song song đó cũng cần quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải, chất thải…

Với mục tiêu xuyên suốt “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” cùng với không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành, Bình Thuận phấn đấu cải thiện Chỉ số PCI lẫn PGI năm 2023 của địa phương nằm trong nhóm 30 của cả nước.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2022, Bình Thuận đứng thứ 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cụ thể các chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu xếp thứ 30/63 tỉnh, thành; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu xếp thứ 63/63 tỉnh thành; Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường xếp thứ 56/63 tỉnh, thành.

Theo Báo Bình Thuận