Provincial Green Index

Chỉ Số Xanh Cấp Tỉnh

English

Chỉ số xanh cấp tỉnh – PGI: Mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại các địa phương

Cùng với câu chuyện thành công về sự phát triển vượt bậc của kinh tế tư nhân tại Việt Nam, những năm gần đây vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi có sự chuyển đổi dần sang mô hình phát triển xanh hơn. Áp lực một phần cũng đến từ các xu hướng toàn cầu, nơi mà Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải. Cùng với đó là nhận thức và mối quan tâm của xã hội đối với các vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nạn phá rừng cũng ngày càng nâng cao. Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo Việt Nam bắt đầu nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết phải chuyển đổi sang mô hình phát triển mới

Để góp phần hiện thực hóa định hướng cấp thiết này, VCCI đã tìm kiếm cách tiếp cận mới trên cơ sở thành tựu của PCI nhằm hỗ trợ và thúc đẩy chính quyền các tỉnh, thành phố quan tâm hơn tới mục tiêu kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh xanh. Do đó, điều tra PCI 2022 sắp tới sẽ tích hợp một bộ câu hỏi mới được thiết kế để đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về những nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh trong khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững, thúc đẩy đầu tư xanh và đổi mới có chất lượng cao.

Tại Hội thảo tham vấn Xây dựng chỉ số xanh cấp tỉnh do VCCI tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, mục tiêu của VCCI là xây dựng một hệ thống xếp hạng cấp tỉnh mới, được gọi là Chỉ số xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index- PGI), nhằm khuyến khích và thúc đẩy nỗ lực của chính quyền các tỉnh hướng đến sự phát triển khu vực tư nhân theo tinh thần Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và Chiến lược quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu. Trong phần phương pháp luận này, VCCI khái quát hóa dự kiến nội dung chính của Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI và dự báo những thách thức đối với việc xây dựng, phát triển bộ chỉ số này.

“Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương về môi trường kinh doanh xanh dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh: mức độ thích ứng với biến đổi khí hậu; mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp; mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký-Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ.

Tương tự PCI, PGI nhất thiết phải có tính kết nối rõ ràng với các chính sách của địa phương và trên cơ sở này thúc đẩy sự cải thiện chính sách và thực thi chính sách phát triển xanh ở cấp tỉnh. Về cơ bản, cách tiếp cận của VCCI về phát triển xanh của khu vực tư nhân là cách tiếp cận dựa vào thị trường, trong đó các yếu tố cạnh tranh sẽ được định hình lại. Cụ thể là nâng cao các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu cần thiết để tham gia và cạnh tranh trên thị trường; và tăng cường các ưu đãi và hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh thực sự mang lại lợi ích ròng cho môi trường tự nhiên. Phù hợp với các nguyên tắc cốt lõi của PCI, chính quyền cấp tỉnh sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập và duy trì các quy tắc của hệ sinh thái này; và để đạt được các mục đích mong muốn, cần phải có cách tiếp cận chính sách đảm bảo các nguyên tắc minh bạch, công bằng và chính đáng.

Theo PGS.TS Markus Taussig, Chuyên gia của Quỹ Châu Á tại Việt Nam, để đo lường được chính sách phát triển hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam, dự kiến 4 nhóm nội dung bộ chỉ số PGI được đưa ra. Đó là: giảm thiểu tác hại của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc cung cấp hạ tầng và dịch vụ công hiệu quả của chính quyền cấp tỉnh; giảm thiểu các tác hại môi trường do các doanh nghiệp gây ra thông qua việc nâng cao thực thi các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu. Bên cạnh đó là tối đa hoa lợi ích môi trường từ các hoạt động quan trọng của chính quyền địa phương, bao gồm hoạt động đầu tư, kinh doanh của DNNN cấp tỉnh và các hoạt động đầu tư và chi tiêu công khác; Tối đa hóa lợi ích môi trường từ các DN thông qua các chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ hiệu quả của chính quyền tỉnh.

Bên cạnh 4 nhóm nội dung trên sẽ được tổng hợp thành chỉ số PGI, việc thu thập dữ liệu thường xuyên về thái độ và hành vi của DN cũng như các sáng kiến đổi mới về bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng. Mặc dù dữ liệu này sẽ không được đưa vào điểm đánh giá chất lượng quản trị môi trường cấp tỉnh, song các phân tích tổng hợp ở cấp địa phương như vậy vẫn sẽ là thông tin đầu vào có giá trị cho các cấp lãnh đạo địa phương, các nhà hoạch định chính sách cấp quốc gia và các nhà nghiên cứu.

“Bằng việc xây dựng và công bố Chỉ số Xanh, chúng tôi mong muốn khuyến khích, cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, chọn lọc được các dự án đầu tư thân thiện với môi trường; thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường; định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường; thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn...”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Hi vọng rằng trong thời gian tới, Chỉ số xanh sẽ đóng góp trực tiếp và có ý nghĩa vào quá trình phát triển kinh tế bền vững của tất cả các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.