Provincial Green Index

Chỉ Số Xanh Cấp Tỉnh

English

Chỉ số xanh cho địa phương: giải bài toán phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường

Bộ chỉ số xanh cấp tỉnh được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ điều hành hiệu quả cho chính quyền địa phương cũng như giúp doanh nghiệp có nguồn thông tin tham khảo về những ưu tiên của địa phương trong xây dựng môi trường kinh doanh gắn với tăng trưởng xanh. Đây được xem là giải pháp cho bài toán phát triển kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo bền vững về môi trường…
Các đại biểu tham dự hội thảo hôm nay, 9-5, tại tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Trung Chánh
Tại hội thảo “Vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI)” được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh vào hôm nay, 9-5, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Ban pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam đang tạo ra những thách thức rất lớn đến vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là với mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và đến 2045 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập cao trên thế giới.
Trong khi đó, đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng đã chỉ rõ, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. “Đồng thời, chúng ta cũng đứng trước các thách thức khác liên quan đến quản trị về mặt môi trường”, ông Thạch cho biết và dẫn chứng, đã có một loạt những sự cố ô nhiễm môi trường đã xảy ra thời gian qua.
Chủ trương phát triển của Việt Nam đã được Trung ương đề ra, đó là hướng đến phát triển xanh, bền vững về môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào thực thi ở cấp địa phương, bao gồm cả cơ quan chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
Từ những vấn đề nêu trên, VCCI đã có sáng kiến xây dựng PGI- bộ chỉ số xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam nhằm hỗ trợ chính quyền các địa phương có thể xử lý được các thách thức đang gặp phải về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Đồng thời, góp phần vào xây dựng mô hình tăng trưởng bền vững ở Việt Nam trên cơ sở tạo ra cơ chế hợp tác giữa chính quyền cùng các bên có liên quan, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Thạch, PGI là bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng quản trị môi trường của các doanh nghiệp địa phương dưới góc nhìn sản xuất kinh doanh từ phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp. Bộ chỉ số này được thiết kế theo hướng các địa phương có thể dễ dàng lựa chọn, xác định và triển khai các biện pháp cải cách để nâng cao chất lượng quản trị môi trường tại các địa phương.
Các chỉ tiêu cấu thành PGI được thiết kế theo hướng dễ hành động tương tự như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI tiến hành nghiên cứu công bố từ năm 2005 đến nay.
Theo đó, PGI bao gồm các chỉ tiêu cụ thể cho phép chính quyền các địa phương, cán bộ công chức khi nghiên cứu, xem xét những chỉ số này có thể xác định được các mục tiêu phấn đấu, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện cũng như có thông tin phục vụ cho các quá trình thực thi trên thực tế.
PGI sẽ cung cấp thông tin, dữ liệu hữu ích về các nổ lực cải cách ở các địa phương và có thể xác định được các thực tiễn tốt ở địa phương để lan toả sáng kiến trong quá trình thực hiện.
Câu hỏi được đặt ra, đó là 1 địa phương được đánh giá chất lượng quản trị môi trường tốt sẽ như thế nào qua PGI?
Theo ông Thạch, thứ nhất, địa phương đó phải có các nổ lực phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (sẽ được đo lường đánh giá); thứ hai, địa phương đó cần xây dựng và thực thi tốt các quy định và biện pháp hợp lý để bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường, nhưng không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp; thứ ba, địa phương đó cần hướng dẫn, phổ biến thực hành xanh, chú trọng các yêu cầu về mua sắm xanh; cuối cùng là có chiều cạnh đo lường, đánh giá việc xanh hoá các mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể tại địa phương.
Với cách tiếp cận và lĩnh vực đo lường, đánh giá như trên, ông Thạch kỳ vọng PGI sẽ trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích cho chính quyền địa phương trong các hoạt động chỉ đạo điều hành, bao gồm nhận diện được điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần khắc phục liên quan đến lĩnh vực phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, PGI sẽ cung cấp các tham khảo hữu ích trong quá trình sản xuất kinh doanh tại địa phương, giúp họ nắm bắt được các chủ trương hoặc những ưu tiên của chính quyền trong tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với tăng trường xanh và phát triển bền vững.
“PGI có phương pháp xây dựng như thế nào?”, ông Thạch nêu câu hỏi và cho rằng, việc xây dựng được kế thừa từ chỉ số PCI theo quy trình 3 bước liên quan, bao gồm thu thập dữ liệu từ khảo sát doanh nghiệp kết hợp với số liệu thống kê của các cơ quan liên quan (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Sau đó, sẽ tính toán các chỉ số thành phần và chuẩn hoá theo thang điểm 10 của từng chỉ tiêu và cuối cùng là tiến hành tổng hợp điểm số cho PGI.
Cụ thể, PGI có 4 chỉ số thành phần, trong đó, có nhiều chỉ tiêu để đo lường, đánh giá. 4 chỉ số thành phần, bao gồm (1) giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; (2) đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; (3) vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh và (4) chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Trước đó, phát biểu tại hội thảo này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, phát triển theo hướng xanh là xu hướng chung của thế giới hiện nay và Việt Nam cần chung tay trong bảo vệ môi trường. “Đây là vấn đề quan trọng toàn cầu cũng là trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, người dân”, ông nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo gợi ý của ông Tuấn, việc kêu gọi thu hút đầu tư, kể cả trong và ngoài nước của Việt Nam cần phải xanh hơn, chất lượng hơn, công nghệ cao hơn để mang lại giá trị gia tăng tốt hơn. “Đặc biệt, vốn tín dụng cũng cần ưu tiên cho các dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường”, ông cho biết.
Đứng ở góc độ địa phương, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, PGI sẽ là công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ chỉ số PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng trong thời gian tới.