Provincial Green Index

Chỉ Số Xanh Cấp Tỉnh

English

Gia Lai: Vực dậy chỉ số xanh cấp tỉnh

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index, viết tắt là PGI) năm 2022 của Gia Lai đạt 13,52 điểm, thấp hơn 1,18 điểm so với điểm trung vị, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành và xếp cuối cùng trong 5 tỉnh Tây Nguyên.
Cùng với việc tụt hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì đây được xem là “cú sốc” đối với những người sinh sống, làm việc trên mảnh đất đại ngàn hùng vĩ; nhất là trong bối cảnh Pleiku đang hướng đến mục tiêu thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”!
Theo VCCI, PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, bao gồm mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. PGI có 4 chỉ số thành phần gồm: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Phân tích các chỉ số thành phần trong kết cấu PGI của Gia Lai, chúng ta nhận thấy: Ngoại trừ chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thì 3 chỉ số còn lại được xếp rất thấp trên bảng xếp hạng. Cụ thể: chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu chỉ đạt 4,48 điểm (xếp thứ 54/63 tỉnh, thành); chỉ số về vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường chỉ đạt 3,6 điểm (xếp thứ 53/63); chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường chỉ đạt 1,59 điểm (xếp thứ 59/63).
Vực dậy chỉ số xanh cấp tỉnh ảnh 1

Diện mạo đô thị Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Phan Nguyên

Rõ ràng, nguyên nhân căn bản dẫn đến việc Gia Lai mất điểm trong quá trình đánh giá, xếp hạng PGI là do các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Cùng với đó là hệ thống chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường chưa thực sự phát huy hiệu quả. Thực tế xảy ra các vụ việc gây ô nhiễm môi trường từ một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã phần nào minh chứng điều đó. Nếu ngành chức năng của tỉnh và các địa phương theo dõi, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ từ khi doanh nghiệp triển khai dự án chăn nuôi thì làm gì có tình trạng gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong quần chúng nhân dân? Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp bị xử phạt hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng và buộc phải có biện pháp khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Đó là quy định của pháp luật nên doanh nghiệp phải chấp hành. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra bức xúc vì không được ngành chức năng hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ đến nơi đến chốn.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đối với nền kinh tế. Theo đó, trong những năm tới, tỉnh sẽ tạo lập môi trường sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường. Điều này hoàn toàn phù hợp với các yếu tố cấu thành chỉ số PGI. Chính vì vậy, ngày 17-8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long chủ trì hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2022 và kế hoạch khắc phục chỉ số PCI, PGI năm 2023.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và chính quyền các địa phương cần nhận thức đúng đắn và hành động quyết liệt để cải thiện các chỉ số, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Về chỉ số xanh cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố phụ trách các chỉ số con và xây dựng kế hoạch khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Để vực dậy chỉ số PGI của tỉnh, bên cạnh việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, theo chúng tôi, các ngành, địa phương cần thật sự quan tâm đến một số lĩnh vực như: trồng rừng; xử lý rác thải; giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm từ các dự án đầu tư… Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương và người dân, Gia Lai sẽ tạo lập được môi trường sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường.