Provincial Green Index

Chỉ Số Xanh Cấp Tỉnh

English

Huế: Thu hút đầu tư “xanh”

Tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất sau Hội nghị COP26 khi Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từ đây, câu chuyện thu hút đầu tư theo hướng “xanh hóa” cũng được chú trọng hơn.
Thừa Thiên Huế ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ
Xu hướng chung
Xu hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đã định hình luật chơi mới trong hoạt động xuất, nhập khẩu và cả hoạt động đầu tư. Khi hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt ra những quy định khắt khe hơn với hàng nhập khẩu. Có thể kể đến chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các chương trình như CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), Farm to Fork (từ trang trại đến bàn ăn), kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn...
Để không bị bỏ lại phía sau, nội tại các quốc gia, các địa phương và cả doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một chiến lược riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, để tâm hơn đến các tiêu chí xanh trong chuỗi cung ứng, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường.
Lấy ngành dệt may làm ví dụ. Hiện, tiêu chí xanh không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Nếu doanh nghiệp chậm chân đồng nghĩa sẽ thu hẹp thị trường.
Thừa Thiên Huế khuyến khích doanh nghiệp công nghệ về Huế đầu tư
Tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp FDI do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần đây, đại diện một doanh nghiệp dệt may đã chia sẻ, ngoài đáp ứng các nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp dệt may hiện nay còn phải đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu khắt khe của thế giới. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ hiện đại, thay thế dần các thiết bị lạc hậu tiêu hao nhiều điện năng, sức lao động và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Doanh nghiệp còn thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường, hạn chế phát thải ra môi trường, an toàn vệ sinh lao động...
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đa dạng hóa đối tác thương mại; đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; đầu tư vào đổi mới sáng tạo công nghệ và tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp. Và khi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chú trọng hơn đến tính xanh trong sản xuất cũng đồng nghĩa sẽ có những đòi hỏi nhất định về môi trường đầu tư tại địa phương.
Xanh hóa hoạt động thu hút đầu tư
Để giúp chính quyền nhìn nhận đúng hơn về góc nhìn của doanh nghiệp trong môi trường đầu tư, cũng như công tác hỗ trợ xây dựng môi trường đầu tư xanh, từ năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) tiến hành công bố chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Chỉ số này được công bố như một phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố hàng năm. Theo đó, mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác sẽ được đánh giá.
Các doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của thị trường xuất khẩu
Thông qua việc đánh giá chỉ số này giúp doanh nghiệp tiếp cận và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong hoạt động xuất khẩu. Chỉ số này cũng góp phần không nhỏ giúp Thừa Thiên Huế cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế thành điểm đến của các dự án xanh đúng như định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Và thực tế, Thừa Thiên Huế đang có những định hướng rõ ràng hơn trong thu hút đầu tư “xanh”. Câu chuyện không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng cũng được nhắc đến nhiều hơn khi Thừa Thiên Huế từ chối khá nhiều dự án lớn tạo đột phá trong thu ngân sách nhưng lại tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là minh chứng cho quyết tâm của Thừa Thiên Huế trong đảm bảo tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.
Hay tại buổi đối thoại doanh nghiệp gần đây, ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã khẳng định, chương trình xúc tiến đầu tư của Thừa Thiên Huế đang gắn liền với chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và định hướng xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, tăng trưởng xanh luôn là mục tiêu cốt lõi. Thừa Thiên Huế quyết tâm thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, đảm bảo sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền. Tỉnh cũng ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp, thu hút lao động từ các địa phương và nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Thừa Thiên Huế.
Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án logistics và cảng biển; ưu tiên kêu gọi đầu tư các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện khí. Tỉnh cũng định hướng phát triển du lịch xanh trong những năm gần đây. Ưu tiên thu hút đầu tư các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám, chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm check-in du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá. Hình thành các điểm vui chơi giải trí mới, các điểm dịch vụ về đêm, các tour du lịch với tiêu chí xanh - bền vững, bảo tồn di sản văn hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, có trách nhiệm với cộng đồng.
“Trên nền tảng thương hiệu xanh, thành phố “văn hóa ASEAN”, thành phố “bền vững môi trường ASEAN”, thành phố “du lịch sạch ASEAN”, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phát triển trên nền tảng xanh, sinh thái, thân thiện môi trường, là điểm dừng chân cho các doanh nghiệp “xanh”, ông Lê Văn Cường khẳng định.