The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

2016 - “Chờ một Nghị quyết 19 nữa"

Nghị quyết 19 năm 2016 sẽ tập trung vào cải thiện thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành theo Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK. Trong ảnh: Trụ sở quản lý của cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu Hải Phòng. Ảnh: T.BÌNH.

Tình hình chung đang tốt dần lên, song còn nhiều vấn đề phải tiếp tục phấn đấu. Vậy năm 2016 có cần thêm một Nghị quyết 19 nữa hay không, và nếu có, Nghị quyết 19 “phiên bản 2016” có gì đặc biệt?

Cải thiện rồi nhưng còn trăn trở

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, một trong những công tác trọng tâm thời gian tới của Chính phủ đã được Thủ tướng chỉ đạo là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Chúng ta khẳng định rằng trong năm qua và trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng trước mắt còn rất nhiều việc phải làm và chúng ta còn cần phải tiếp tục cải thiện nữa” – ông Định nói.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hai năm thực hiện Nghị quyết 19, thứ hạng năng lực cạnh tranh của nước ta tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90 (theo cách tiếp cận của Doing Business 2016), và có sự cải thiện ở 5 chỉ số. Đó là: Khởi sự DN (tăng 7 bậc), Tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc), Tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc), Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (tăng 4 bậc), và Giải quyết phá sản DN (tăng 2 bậc).

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2010, Việt Nam đứng thứ 75/139, năm 2015 xếp thứ 56/140, tăng 19 bậc. Chỉ số sáng tạo toàn cầu theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới và một số đại học có uy tín, xếp hạng của Việt Nam năm 2010 là 71/125, năm 2015 đạt 52/141 và trong ASEAN-6, Việt Nam chỉ xếp sau Singapore và Malaysia. Như vậy các chỉ số của chúng ta về môi trường cạnh tranh, đầu tư kinh doanh đều tốt, có nhiều tiến bộ.

Những tín hiệu tích cực trên đã được cộng đồng DN trong và ngoài nước ghi nhận. Song, điều đó là chưa đủ. Cộng đồng DN vẫn mong mỏi “liều thuốc” này tiếp tục được duy trì với cường độ mạnh hơn, quyết liệt hơn. Việc ban hành thêm một Nghị quyết 19 của năm 2016 là điều nhiều DN trong đợi.

Chưa có thông tin về việc có thêm Nghị quyết 19 nào nữa không, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Nếu có thêm một Nghị quyết 19 nữa thì phần nào đó nghị quyết ấy thể hiện quyết tâm của Chính phủ, buộc các bộ, ngành phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ đó là hiệu ứng tốt nên việc ban hành thêm Nghị quyết 19 năm 2016 nếu kèm được các giải pháp thực hiện quyết liệt, thực chất thì tốt.

Nghị quyết 19 năm 2016 sẽ có nhiều điểm mới?

Cũng không phải ngẫu nhiên, vị chuyên gia của VCCI lưu ý đến yếu tố “thực hiện quyết liệt, thực chất thì tốt”. Bởi vì dưới góc nhìn của ông Đậu Anh Tuấn, môi trường kinh doanh sau 2 năm thực hiện các Nghị quyết 19 còn không ít trăn trở.

Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ: “Nhiều văn bản vẫn can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN. Đơn cử như việc quy định cơ sở in không được hợp tác với cơ sở in khác mà phải tự thực hiện từ A-Z. Điều này khiến DN in “lắc đầu ngao ngán” vì trái với thông lệ. Mặt khác, quy định (của Bộ Thông tin Truyền thông) nhận hợp đồng in không được chuyển cho DN khác là can thiệp vào quyền kinh doanh rất lớn. Bên cạnh đó, một số quy định không hẳn là điều kiện kinh doanh như cấm đặt tên DN trùng với tên danh nhân (của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)…

Những điều ông Tuấn trăn trở ở trên, thực chất đã được ghi nhận rõ ràng trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 nói chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo tình hình thi hành Luật DN, Luật Đầu tư nói riêng.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra rằng nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của Chính phủ. Chẳng hạn, theo yêu cầu của Nghị quyết, trước ngày 30-4-2015, các bộ, cơ quan, địa phương ban hành Kế hoạch hành động, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, kết quả dự kiến đạt được và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp. Thế nhưng, đến cuối năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nhận được Kế hoạch hành động của 15 bộ, cơ quan và 25 UBND các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Nghị quyết 19 nêu rõ yêu cầu đối với các bộ, cơ quan, địa phương: “Định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp”. Tuy nhiên số lượng các báo cáo gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn rất hạn chế. Cụ thể là: 6 Bộ, cơ quan; và 3 tỉnh, thành phố gửi Báo cáo 3 tháng; 9 Bộ, cơ quan; và 6 tỉnh, thành phố gửi Báo cáo 6 tháng. Tính đến ngày 22-12-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nhận được báo cáo cuối năm của 15 Bộ, cơ quan, và 5 địa phương.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, vẫn còn tình trạng “đá” nhau giữa luật mới và luật cũ, giữa luật nọ và luật kia. Đặc biệt đáng lưu ý là sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành từ 1-7-2015, một số Bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh. Ví dụ: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13-7-2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp…

“Các bộ không được ban hành điều kiện kinh doanh nhưng một số luật chuyên ngành lại giao cho các bộ trưởng được ban hành những điều kiện này. Tinh thần này trái với Luật Đầu tư. Phải dứt khoát từ bỏ lề lối cũ, nếu không luật mới vô hiệu” – ông Cung nhấn mạnh.

Những vấn đề bất cập nói trên đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, dự thảo Nghị quyết 19 năm 2016 đã được gửi sang Văn phòng Chính phủ xem xét, dự kiến vào phiên họp Chính phủ tháng 3 tới đây sẽ được đưa ra thảo luận.

Là đơn vị “chắp bút” cho Nghị quyết 19 năm 2016, đại diện CIEM cũng tiết lộ thêm rằng: Nghị quyết 19 năm 2016 sẽ tập trung vào cải thiện thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành. Kế đó là vấn đề đăng ký sở hữu tài sản… Một điểm mới khác của Nghị quyết 19 lần này là sẽ không chỉ tập trung vào các chỉ tiêu của Doing Business của Ngân hàng Thế giới, mà còn đề cập đến các chỉ số của Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra.

Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP (2014 và 2015), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Những lĩnh vực có sự cải thiện về thứ hạng chủ yếu là do các Bộ, cơ quan liên quan đã thực hiện các giải pháp theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 19 (ngày 18-3-2014). Những cải cách trên cũng đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.

Kết quả khảo sát các Hiệp hội DN và Liên minh hợp tác xã cho thấy: 3 lĩnh vực nhận được đánh giá tích cực nhất là Thành lập DN (84%); Nộp thuế (75%); và Hải quan (68%).

Do xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới năm nay ghi nhận những thay đổi trong năm 2014, trong khi một số văn bản như Luật DN và một số quy định về thuế có hiệu lực sau thời điểm đó, vì vậy dự kiến sang năm 2016, các chỉ số này của nước ta sẽ có thứ hạng tốt hơn.

Lương Bằng