An Giang: Cải cách hành chính theo hướng Trách nhiệm- một cửa-thân thiện
Đảng bộ tỉnh An Giang xác định, cải cách hành chính (CCHC) là một trong 3 khâu đột phá nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Nội dung CCHC trọng tâm từ nay đến năm 2020 là tập trung thực hiện theo phương châm "Trách nhiệm- một cửa-thân thiện", lấy cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) là khâu then chốt, thủ tục hành chính (TTHC) là khâu đột phá, xã hội hóa dịch vụ công và hướng tới xây dựng chính quyền điện tử tỉnh An Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh cho biết: "Quan điểm xuyên suốt trọng tâm tỉnh hướng tới CCHC được tiến hành đồng bộ trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch, tạo mọi sự thuận lợi và hài lòng đối với mọi tổ chức, cá nhân. Bộ máy hành chính của tỉnh được tổ chức thống nhất, thông suốt, chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan. Xây dựng đội ngũ CB, CC,VC có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận đội ngũ CB, CC,VC. CCHC phải hướng tới xây dựng một nền hành chính hiện đại, trong sạch, ứng dụng có hiệu quả những thành tựu phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử".
6 nội dung trọng tâm CCHC tỉnh thực hiện là cải cách thể chế; cải cách TTHC và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC,VC; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Tỉnh tiếp tục xây dựng nền hành chính trong sạch, minh bạch, thông suốt, chuyên nghiệp, tiến tới hiện đại; nâng cao chất lượng dịch vụ công, không gây phiền hà, tốn kém cho tổ chức, cá nhân. TTHC được đơn giản hóa, giảm chi phí, thời gian người dân, doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện. Bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến xã hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đội ngũ CB, CC,VC có đủ phẩm chất đạo đức, thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, dân chủ ở cơ sở trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính, TTHC và CB, CC,VC đạt trên 85%.
Sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt trên 80%. 100% cơ quan hành chính Nhà nước có cơ cấu CB, CC theo vị trí việc làm. Các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), quản trị hành chính công (PAPI) tỉnh An Giang trong top 10/63 tỉnh, thành cả nước. Hầu hết văn bản của cơ quan Nhà nước các cấp được trao đổi trên môi trường mạng bằng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy. 80% các cuộc họp của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh với UBND cấp huyện được thực hiện trực tuyến. Cung cấp trên 50% dịch vụ công mức độ 3 và trên 90 dịch vụ công mức độ 4 (kết hợp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC bằng dịch vụ bưu chính) phục vụ người dân và doanh nghiệp. "Phấn đấu giảm ít nhất 30% tổng thời gian giải quyết TTHC trên cơ sở giảm bớt giấy tờ, rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết, thông qua mạng, bưu chính, phân cấp thẩm quyền giải quyết cho cơ sở. Tỷ lệ hồ sơ các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, đầu tư, đăng ký kinh doanh, tư pháp, Công an, giao thông, xây dựng, nhà ở, thuế, bảo hiểm xã hội, lao động - thương binh và xã hội trễ hạn dưới 10%"- Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh thông tin.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trình Lam Sinh cho biết: "Giải pháp xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh là sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Vai trò quan trọng của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chỉ đạo triển khai, thực hiện nhiệm vụ CCHC. Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ, đưa vào kế hoạch để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Xác định CB, CC-VC tiếp tục là khâu then chốt thực hiện thắng lợi CCHC, để từ đó có chế độ chính sách đãi ngộ, thu hút và đào tạo, bồi dưỡng.
Tiếp tục thực hiện thật sự có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC, từng bước nâng cấp Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp hướng đến hiện đại, kết hợp với mô hình nhận và trả kết quả TTHC qua internet, qua dịch vụ bưu chính. Thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC tỉnh An Giang; nâng cấp Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC tỉnh, huyện thành Trung tâm Hành chính công tỉnh, huyện theo quy định của Chính phủ. Đào tạo và có chế độ, chính sách hợp lý đối với đội ngũ CB, CC thực hiện chuyên trách về CCHC các cấp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin quản lý cơ quan hành chính các cấp, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án công nghệ thông tin, các đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, hướng đến xây dựng nền hành chính điện tử, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn".
Bên cạnh tăng cường kiểm tra công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tỉnh kết hợp CCHC với tăng cường công tác dân vận của chính quyền, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để CB, CC,VC luôn rèn luyện phẩm chất, thay đổi lối làm việc chuyên nghiệp, giản dị, gần gũi với Nhân dân. "Cải cách TTHC tiếp tục là khâu đột phá, TTHC mọi lĩnh vực đời sống phải đơn giản, thông suốt, công khai minh bạch, không còn gây phiền hà người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, nâng cao mức độ hài lòng của người dân với cơ quan hành chính Nhà nước và CB, CC, VC"-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng quyết tâm.
HẠNH CHÂU