The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

An Giang: Đột phá triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương

Với quyết tâm giữ vững thứ hạng cao và cải thiện hơn chỉ số PCI so với năm 2019, An Giang đẩy mạnh thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI). Đây là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh một cách đồng bộ, bền vững và nâng thứ hạng PCI của tỉnh trong năm 2020.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất - kinh doanh
Lần đầu tiên, tỉnh thực hiện DDCI An Giang sẽ tập hợp tiếng nói của các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) tại tỉnh, đưa gần hơn đến với các sở, ban, ngành và lãnh đạo địa phương một cách hệ thống, có sự đối chiếu nhất định. Thông qua kết quả trên, các đơn vị, địa phương sẽ có những đánh giá, điều chỉnh thích hợp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) phát triển bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, cùng với các địa phương trong cả nước, An Giang có nhiều hoạt động nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh theo quan điểm của Chính phủ. Những năm gần đây, nâng cao năng lực cạnh tranh đã mang lại nhiều thành công trong phát triển kinh tế của tỉnh. Vai trò của cải thiện môi trường kinh doanh trở thành nhiệm vụ, động lực cải cách mạnh mẽ và thiết yếu. Tiếp nối sự thành công của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh đã có nhiều hành động thiết thực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh một cách thực chất. Tuy nhiên, thời gian qua, kết quả năng lực cạnh tranh của An Giang (đo lường thông qua PCI còn khá khiêm tốn), có cải thiện nhưng chưa đạt được hiệu quả mang tính bền vững.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, An Giang vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết những tiềm năng để có thể bứt phá và phát triển, khi tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao; kết cấu hạ tầng KTXH, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dẫn đến môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh giảm sút. Để có thể bứt phá vươn lên, phát triển bền vững, An Giang cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, đổi mới sáng tạo trong thu hút đầu tư phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thực trạng này đặt ra các vấn đề cần giải quyết đối với An Giang.
Một là khó có thể có những cải thiện bền vững và mang tính lan tỏa giữa các huyện, thành phố nếu không có tính kết nối và tinh thần “thi đua” giữa các huyện. Chưa có kết quả cải thiện môi trường kinh doanh mang tính đối chiếu nào giữa các huyện, thị xã, thành phố. Hai là, tỉnh sẽ không thể hoàn thiện được các mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư nếu không có động thái cải cách thực sự từ các sở, ban, ngành - chính là các đơn vị trực tiếp liên quan đến các doanh nghiệp (DN).
Để tận dụng tối đa tiềm năng, đưa địa phương tiếp tục phát triển, thu hút đầu tư từ các DN, khuyến khích sự phát triển của khối hộ kinh doanh và hợp tác xã thì nâng cao năng lực cạnh tranh là nội dung quan trọng. Bởi DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã... là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ sở SXKD tại An Giang. Các cơ sở SXKD này một mặt góp phần gia tăng giá trị GRDP của tỉnh, mặt khác đây là các tác nhân chính tạo việc làm cho người dân, trong đó có một tỷ lệ lớn các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như: phụ nữ, dân tộc thiểu số…
Với quyết tâm chính trị cao và mong muốn tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng chỉ số PCI, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc đánh giá PCI, trước thực tiễn nhu cầu cần đánh giá hiệu quả hoạt động của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố cũng như bài học kinh nghiệm hiệu quả của việc đánh giá DDCI trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh và tăng cường tính trách nhiệm, minh bạch, cải tổ của các sở, ban, ngành của các địa phương như: Lào Cai, Quảng Ninh… An Giang đã thực sự bắt tay vào đánh giá môi trường kinh doanh một cách sâu sắc hơn. Trên cơ sở chỉ số PCI áp dụng cho cấp tỉnh, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt nhiều kế hoạch thực hiện, nhằm đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đây được coi là bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách của tỉnh hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh một cách toàn diện.
Mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích cho các cơ sở SXKD, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng, minh bạch hơn cho các chủ cơ sở sản xuất, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền, tăng động lực phát triển kinh tế tại tỉnh. Hơn thế nữa, điểm đổi mới và toàn diện hơn so với cách đánh giá DDCI cũ là cách tiếp cận toàn diện tới các nhóm đối tượng yếu thế và các vấn đề phát triển bao trùm (giới, môi trường sinh thái…) để có những giải pháp toàn diện với mục đích “không ai bị bỏ lại phía sau” nhằm phát triển KTXH bền vững.