The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

An Giang: Làm sao nâng chỉ số PCI?

Doanh nghiệp phản ánh khó khăn với lãnh đạo tỉnh

Doanh nghiệp than

Từng làm ăn hiệu quả với nhà máy xay xát lúa thuê lại của Nhà nước nhưng giờ đây, ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Hưng (xã An Hòa, Châu Thành), phải làm đơn xin cứu xét gởi lãnh đạo tỉnh, các ngành và địa phương. Ông Hưng trình bày, năm 1995, khi mới thuê nhà máy xay xát lúa, nguồn vốn hạn hẹp nên được giới thiệu vay tín chấp 25 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Châu Thành. Từ đây, ông làm ăn có lãi, có vốn mua lại nhà máy và đầu tư nâng công suất lên 75 tấn/ngày, ký được hợp đồng cung ứng gạo cho các công ty lớn, tích vốn khá. "Gạo tiêu thụ tốt nhưng tấm, cám giá "bèo". Qua học hỏi nhiều nơi, tôi đã mạnh dạn đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, mua 50 con heo nái giống hậu bị về nuôi, tận dụng nguồn tấm, cám có sẵn. Heo nái sinh sản đông, thiếu hụt vốn nên tôi thế chấp tài sản vay 3 tỷ đồng của Agribank An Giang và xoay vòng vốn tốt. Liên tục từ năm 2000 – 2009, tôi được nhận nhiều Bằng khen của Tổng cục Thuế, UBND tỉnh và đóng góp tích cực cho công tác xã hội từ thiện tại địa phương" – ông Hưng nhớ lại.

Đến năm 2010, nhận thấy thị trường xuất khẩu gạo gặp khó do đòi hỏi về mẫu mã và chất lượng gạo sạch, ông Hưng quyết định đầu tư nâng cấp lại nhà máy để đáp ứng yêu cầu. Ông đến liên hệ Agribank An Giang xin vay vốn bổ sung, được lãnh đạo Phòng Tín dụng hướng dẫn lập phương án đầu tư để vay 3 tỷ đồng. Tin tưởng được vay tiền nên ông vay bên ngoài 700 triệu đồng đặt cọc mua máy lau bóng gạo và xát trắng gạo, tranh thủ lắp đặt xây dựng để kịp vụ lúa đông xuân. "Đang tháo dỡ xây dựng nửa chừng thì lãnh đạo mới của Phòng Tín dụng gởi thông báo từ chối cho vay, tôi như sống dở chết dở. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng tập trung xây dựng xong nhà máy đạt công suất 100 – 120 tấn gạo/ngày. Lúc này, hy vọng đàn heo cả ngàn con sắp xuất bán sẽ có tiền trả nợ và xoay vòng vốn lại nhưng giữa năm 2010, dịch heo tai xanh bùng phát, tôi gần như mất trắng, trong khi nợ ngân hàng đến hạn không trả được, chuyển sang nợ xấu" – ông Hưng than.

Trong tình thế khó, lãnh đạo Phòng Tín dụng - Agribank An Giang hướng dẫn con trai ông lập công ty mới, thuê lại tài sản của ba để tăng vốn tín dụng từ 3 tỷ lên 4 tỷ đồng. "Cứ tưởng có vốn mua lúa về xay xát để trả nợ nhưng cuối cùng ngân hàng lại không giải quyết cho vay thêm. Tôi kêu bán tài sản trả nợ nhưng đến nay vẫn chưa bán được, trong khi không có vốn mua lúa xay xát, thiệt không còn cách nào..." – ông Hưng giãi bày.

Lãnh đạo tỉnh quyết tâm

Nỗi khổ của ông Hưng về khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay cũng là vấn đề của nhiều DN khác trong bối cảnh kinh tế còn gặp khó khăn chung. "Nhiều DN hoạt động cầm chừng, một số phải đóng cửa khi thị trường cạnh tranh khốc liệt. Các DN hoạt động trong lĩnh vực chủ yếu của tỉnh là lúa gạo, thủy sản vẫn còn khó khăn về thị trường, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất, khả năng tiếp cận vốn tín dụng..." – bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội DN An Giang, nhận xét và đưa ra hàng loạt kiến nghị nhờ tỉnh tháo gỡ.

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh cho rằng, sở dĩ DN còn gặp nhiều khó khăn một phần do các sở, ngành, địa phương chưa kịp thời xây dựng kế hoạch hành động, tháo gỡ kịp thời cho DN. "Nhìn lại chỉ số PCI của An Giang, 8 năm trước chúng ta nằm trong nhóm "rất tốt", 5 năm trước còn nằm trong nhóm "tốt" thì giờ rơi xuống nhóm "khá". Nếu không tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN là không ổn. Niềm tin của DN giảm, coi chừng An Giang rơi vào nhóm "trung bình". Tôi đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần xây dựng chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI theo kế hoạch của UBND tỉnh. Trong kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao các đầu công việc cụ thể, rõ ràng nhằm thực hiện 10 chỉ số thành phần với 110 chỉ tiêu cụ thể" - Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh yêu cầu.

Để nâng cao chỉ số PCI, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh đề nghị đưa tiêu chí xây dựng kế hoạch hành động của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố vào phân loại tổ chức Đảng cuối năm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi không quyết liệt hành động. "UBND tỉnh sẽ tăng cường đối thoại với DN, phấn đấu tối thiểu mỗi quý 1 lần. Trong đó, mời lãnh đạo các sở, ngành cùng lắng nghe để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Sắp tới, tỉnh sẽ thành lập Văn phòng "một cửa" cấp tỉnh, tăng cường vai trò của Tổ phản ứng nhanh, lập đường dây nóng xử lý kịp thời phản ánh của DN, người dân chứ không để chậm trễ. Đồng thời, đưa thông tin công khai lên website về các chủ trương, chính sách, thay đổi trong quy hoạch... để DN có cơ sở tham khảo, đề ra kế hoạch sản xuất – kinh doanh phù hợp" - Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Theo báo An Giang ngày 27/07/2015