The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

An Giang: Phát huy vai trò doanh nghiệp – Kỳ II: Luôn lắng nghe doanh nghiệp

Với sự ra đời của Ban Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) An Giang, lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp nhận ý kiến, yêu cầu của DN qua đường công văn, email hay điện thoại. Còn với mô hình điểm hẹn “Cà phê doanh nhân”, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành lại muốn trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe phản ánh, góp ý chân thành của DN theo cách đơn giản, ấm cúng và gần gũi nhất.

Tự hào khi An Giang tốt hơn

Việc chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh từng đứng thứ 2 cả nước rồi liên tục giảm điểm, rớt xuống hạng 39 không chỉ khiến lãnh đạo tỉnh, các đơn vị liên quan khó chấp nhận, nỗ lực tìm giải pháp cải thiện mà chính cộng đồng DN cũng cảm thấy… quê. “Tuy quê tôi ở Đồng Tháp nhưng tôi đã đến An Giang lập DN hơn 15 năm nay. Thời gian trước, làm việc với các sở, ngành, địa phương thấy dễ chịu lắm, luôn được hỗ trợ rất nhiệt tình. Khi về Đồng Tháp, tôi cảm thấy tự hào khi kể về việc đầu tư sản xuất – kinh doanh ở An Giang. Tuy nhiên, vài năm gần đây, việc giải quyết thủ tục cho DN hơi chựng lại, nhiều DN tỏ ra chưa hài lòng. Tôi nghĩ, chủ yếu do con người thôi. Nếu yêu cầu cán bộ, công chức làm việc gắn với trách nhiệm, gắn với khen thưởng, kỷ luật rõ ràng thì khi DN tới, buộc phải giải quyết nhiệt tình, đúng quy định, DN sẽ lại tự hào về An Giang” – ông Nguyễn Văn Tấn, DN quê Đồng Tháp, chia sẻ. TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, đặt vấn đề: “An Giang có hơn 5.300 DN hoạt động, gấp đôi Đồng Tháp, Vĩnh Long. Điều này cho thấy tỉnh có tiềm năng, lợi thế rất lớn. Nếu tỉnh làm tốt công tác hỗ trợ DN, rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số PCI thì sẽ có thêm rất nhiều nhà đầu tư tìm đến”.

“VNPT sẽ hỗ trợ An Giang xây dựng chính quyền điện tử. Khi đó, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho DN, người dân sẽ được công khai, minh bạch trên website để người nộp hồ sơ theo dõi” – ông Trần Thái Tuyên, Giám đốc VNPT An Giang, gợi ý giải pháp. Tuy nhiên, bản thân ông lại chưa hài lòng trong công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan. “Khi thuê trụ điện treo cáp, VNPT An Giang thỏa thuận giá thuê với Điện lực An Giang là 50.000 đồng/cây. Tuy nhiên, khi dời trụ điện, giá thuê lại nâng lên 110.000 đồng. Như vậy, VNPT vừa tốn chi phí di dời, vừa đội thêm chi phí trả tiền thuê hơn gấp đôi. Trong thực hiện viễn thông công ích về vùng nông thôn, dù phục vụ người dân là chính nhưng giá thuê trụ điện treo cáp vẫn bằng thành thị. Thẩm quyền của UBND tỉnh có thể can thiệp vấn đề này, có thể yêu cầu Điện lực giữ giá ổn định, hợp lý” – ông Tuyên đề nghị.

Góp ý chân thành

Là một doanh nhân có tâm huyết đầu tư tại An Giang, ông Lâm Dủ Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Chí Công, cho rằng, tỉnh cần tạo quỹ đất sạch để DN thuận tiện đầu tư. “Trong các khu công nghiệp có đất sẵn nhưng diện tích cho thuê quá lớn đối với DN vừa và nhỏ (ít nhất 10.000m2/dự án). Nếu DN tự thỏa thuận mua đất của người dân thì thường bị vướng do đòi giá cao. Tỉnh nên chủ động mua đất của dân để cho DN thuê hoặc giao đất với giá hợp lý” – ông Hùng đề xuất. Đối với bà Phạm Kim Hoa, Giám đốc Công ty Du lịch Nam Du, tình trạng các công ty xe khách tự tổ chức du lịch không xin phép, không mua bảo hiểm cho khách, không đóng thuế đang gây ra lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực du lịch, cần siết chặt quản lý vấn đề này. “Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tôi thấy An Giang có lợi thế phát triển du lịch rất lớn, đặc biệt là sức hút của Bà Chúa Xứ núi Sam. Tuy nhiên, việc thu phí du khách vào Khu du lịch núi Sam đang gây ra rất nhiều phiền toái. Ngoài việc tốn tiền, du khách còn phải xuống xe đi bộ một quãng đường dưới trời nắng. Trong khi đó, đơn vị vận chuyển trong khu du lịch lại không nhiệt tình đưa rước khách. Do thấy bất tiện nên thời gian gần đây, nhiều đơn vị lữ hành và du khách chuyển sang đi viếng Mẹ Nam Hải (Bạc Liêu) thay vì viếng Bà Chúa Xứ núi Sam. Tôi thấy việc thu phí không bao nhiêu nhưng ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, sức hút của du lịch An Giang, nên bỏ việc thu phí này” – bà Hoa nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết, các ý kiến góp ý của DN, dù là phản ánh khó khăn hay hiến kế để tỉnh hoạt động tốt hơn, đều được lãnh đạo tỉnh trân trọng ghi nhận. “Ở An Giang, nông – công – thương – trí, những yếu tố tạo động lực phát triển đều có đủ nhưng chưa được phát huy đúng mức. Thông qua việc lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho DN, điều chỉnh hoạt động của bộ máy công quyền, lãnh đạo tỉnh mong muốn DN sẽ đồng tâm hiệp lực với tỉnh để hoàn thành các mục tiêu đề ra” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

NHÓM PV KINH TẾ

VFPRESS

Phát huy vai trò doanh nghiệp - Kỳ cuối: Tạo động lực phát triển

(AGO) - Những nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, cầu thị lắng nghe doanh nghiệp (DN) của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành thời gian qua như tiếp thêm động lực để DN trong tỉnh mạnh dạn mở rộng sản xuất – kinh doanh, DN ngoài tỉnh đầu tư vào các dự án lớn. Đó là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của An Giang phát triển, góp sức hoàn thành những mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.

Hỗ trợ tối đa

Trở lại câu chuyện của ông Trần Thái Tuyên, Giám đốc VNPT An Giang, phản ánh về việc Điện lực An Giang tự ý thu phí thuê treo cáp sau khi dời trụ điện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết, sắp tới, lãnh đạo tỉnh sẽ “rủ” người đứng đầu VNPT An Giang và Điện lực An Giang cùng tham dự một buổi “Cà phê doanh nhân” để tìm tiếng nói thống nhất chung, tháo gỡ vướng mắc.

Việc cho các đơn vị liên quan gặp nhau, trao đổi thẳng thắn là một trong những chủ đề nội dung, được Ban Tổ chức điểm hẹn “Cà phê doanh nhân” lựa chọn cho mỗi buổi cà phê với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương vào sáng thứ 6 hàng tuần. Theo anh Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, tùy theo nội dung đăng ký của DN mà đơn vị cùng với Hiệp hội DN tỉnh chọn chủ đề cụ thể cho mỗi buổi “Cà phê doanh nhân”. “Điểm hẹn cà phê không chỉ đơn thuần là nơi DN phản ánh khó khăn, cần tháo gỡ của lãnh đạo tỉnh mà có thể góp ý những hạn chế, tồn tại trong bộ máy Nhà nước, thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ, những bất cập trong chủ trương, chính sách… Việc trao đổi trên tinh thần gần gũi, thoải mái, cởi mở, đúng tính chất của cà phê trò chuyện. Qua mô hình này, DN có thể hiến kế cho tỉnh hoạt động tốt hơn, nhất là rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính, tạo động lực thu hút đầu tư…” – anh Việt gợi ý.

Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Thanh Sử, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Nhật Minh Việt Nam, cho rằng, khi ngồi bàn cà phê nhỏ khoảng 10 người chọn chủ đề cụ thể cho mỗi buổi “Cà phê doanh nhân”, DN sẽ dễ tâm tình, chia sẻ cùng lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành hơn. Qua đó, những thắc mắc, băn khoăn, kiến nghị của DN sẽ được lắng nghe, thấu hiểu. Đây là động lực để DN đóng góp cho tỉnh nhiều hơn, hiến kế cho tỉnh tích cực hơn. Ông Tô Vạn Khắc, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Kiến Phúc, thêm vào: “Ví dụ như khi chọn chủ đề về đầu tư xây dựng, những DN quan tâm lĩnh vực này sẽ tham gia. Cùng với đó là các sở, ngành, đơn vị trung gian có liên quan để cùng thảo luận, thống nhất hướng giải quyết vấn đề. Muốn vậy, việc tổng hợp ý kiến DN qua hộp thư, chọn chủ đề cho mỗi buổi cà phê hàng tuần là rất quan trọng”.

Giải quyết tích cực

Là những DN hoạt động chân chính, không chỉ mong muốn bán được sản phẩm, tăng doanh số kinh doanh mà bản thân DN cũng hy vọng người tiêu dùng được cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt, quyền lợi được đảm bảo. “Sự hài lòng của người tiêu dùng chính là thước đo thành công của DN. Cùng với hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển cho DN, An Giang cần phục hồi Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Khi DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ không tốt, người tiêu dùng có thể khiếu nại lên hội để quyền lợi được đảm bảo, đồng thời có cơ sở kiến nghị xử lý DN làm ăn không đàng hoàng. Đó là cách để DN nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến dịch vụ, giữ uy tín với khách hàng sử dụng” – ông Lê Bình Nguyên, Giám đốc Công ty Bảo Minh An Giang, đề xuất.

Có thể thấy, những chỉ đạo, cam kết hỗ trợ DN của lãnh đạo tỉnh trong thời gian qua không phải là hô hào, chạy theo phong trào mà đã đi vào thực chất. Còn nhớ tại buổi ra mắt điểm hẹn “Cà phê doanh nhân”, ông Trần Hữu Đỉnh, Giám đốc Cơ sở nước mắm Đỉnh Hương, đã phản ánh về tình trạng TP. Long Xuyên giải phóng mặt bằng nhưng bồi hoàn giá trị đất chưa thỏa đáng. “Cơ sở tôi có miếng đất nằm trong dự án Khu đô thị Tây Sông Hậu. Khi UBND TP. Long Xuyên có chủ trương thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư triển khai dự án, gia đình tôi cũng nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, giá bồi thường Nhà nước đưa ra quá thấp so với giá thị trường. Tôi yêu cầu được hoán đổi vị trí đất nơi khác có giá trị, diện tích tương đương để đầu tư làm ăn nhưng chính quyền thành phố cho rằng, đất phải thu hồi nhưng hoán đổi thì không có” – ông Đỉnh giãi bày.

Là người bỏ tâm huyết nghiên cứu, xây dựng thương hiệu nước mắm Đỉnh Hương – một trong những thương hiệu nước mắm nổi tiếng hiện nay, tâm tư của ông Đỉnh là có cơ sở. Ngay sau buổi “Cà phê doanh nhân”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Đặng Đức đã gặp riêng ông Đỉnh, thông báo sở đã tiếp nhận vụ việc, sẽ tiến hành xác minh và có buổi làm việc cụ thể với ông.

Không riêng gì vụ việc của Giám đốc Cơ sở nước mắm Đỉnh Hương, nhiều vụ việc khác khi được DN phản ánh, có liên quan đến sở, ngành nào đều được lãnh đạo đơn vị quan tâm, chỉ đạo giải quyết trong thời gian sớm nhất.

NHÓM PV KINH TẾ

Báo An Giang