The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

An Giang: Quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh

Xem PCI là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của tỉnh, nhiều năm qua tỉnh An Giang quyết tâm thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang xung quanh nội dung này. Duy Anh thực hiện.
PCI là chỉ số được các địa phương và nhà đầu tư rất quan tâm hiện nay. Tỉnh An Giang nhìn nhận như thế nào về vai trò của chỉ số này?
Xem PCI là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của tỉnh, nhiều năm qua tỉnh An Giang quyết tâm thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang xung quanh nội dung này. Duy Anh thực hiện.
PCI là chỉ số được các địa phương và nhà đầu tư rất quan tâm hiện nay. Tỉnh An Giang nhìn nhận như thế nào về vai trò của chỉ số này?
Chỉ số PCI là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, thông thoáng, thân thiện; minh bạch chính sách, xóa hết rào cản, tạo thuận lợi nhất cho mọi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Vậy những kết quả mà tỉnh An Giang đã đạt được qua nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng hạng chỉ số PCI là gì, thưa ông?
Trong các năm qua, tỉnh An Giang luôn đặt mục tiêu chỉ số PCI năm sau cao hơn năm trước, từng bước cải thiện điểm số PCI và phấn đấu trở thành địa phương có chất lượng điều hành khá hoặc tốt. Chính vì vậy, tỉnh An Giang đã có nhiều sáng tạo, đổi mới và quyết liệt trong thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, điều đó đã được thể hiện ở điểm số PCI của tỉnh liên tục tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2016 đạt 57,79 điểm, xếp 38/63 tỉnh thành; năm 2017 đạt 62,16 điểm, xếp 32/63 tỉnh thành, thuộc nhóm điều hành “trung bình” (tăng 4,37 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2016) thì đến năm 2018, PCI tỉnh An Giang đạt mức 63,65 điểm; xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố và trở lại nhóm điều hành “khá” (tăng 1,49 điểm và tăng 4 bậc so với năm 2017); so với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang đứng thứ 6/13 và tăng 1 bậc.
Có thể thấy, mặc dù kết quả nêu trên chưa đạt như mức kỳ vọng nhưng phần nào đã khẳng định lại niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao và sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong những năm qua.
Theo ông, nguyên nhân nào khiến PCI của An Giang chưa có được thứ hạng cao?
Ngoài các điểm sáng như: doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn; chi phí không chính thức được cải thiện đáng kể; môi trường kinh doanh của tỉnh bình đẳng hơn; cải cách thủ tục hành chính có bước tiến đáng kể; chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có chiều hướng cải thiện thì vẫn còn đến 5 vấn đề đang gây khó khăn và làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, như: (1) Các “giấy phép con” sau khi thành lập doanh nghiệp vẫn còn nhiều; (2) Việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, hoặc cần có “mối quan hệ” mới được tiếp cận các tài liệu của tỉnh; (3) Tình trạng “thỏa thuận” về các khoản thuế phải nộp vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt; (4) Đào tạo lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, dịch vụ giới thiệu việc làm chưa phát huy hiệu quả cao; (5) Vẫn còn tình trạng ở cấp sở ngành, huyện, thị, thành chưa thực hiện tốt những chủ trương đúng đắn cũng như những sáng kiến hay của cấp trên, thậm chí còn thụ động, tâm lý đợi chờ chứ chưa chủ động mạnh dạn đề xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Với sự nhìn nhận thẳng thắn như thế, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành cần tập trung, tháo gỡ những rào cản, giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từng bước cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, để có thể cải thiện PCI và trên hết là tạo môi trường kinh doanh ngày một thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tỉnh An Giang có chương trình hành động, giải pháp gì?
Để tiếp tục tạo những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa nhằm tạo môi trường kinh doanh ngày một thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cải thiện nhanh và bền vững Chỉ số PCI, tỉnh An Giang đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt giải pháp đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, hiệu quả trong từng khâu, từng nhiệm vụ, có sự liên thông, liên kết, đan xen, hỗ trợ nhau giữa các ngành, lĩnh vực, cụ thể như sau:
Một là: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 460/KH-UBND ngày 29/7/2019 triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ; gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) của tỉnh An Giang.
Hai là: Xây dựng và triển khai Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh An Giang. Đây có thể được xem là giải pháp mang tính động lực và ổn định nhằm thúc đẩy và duy trì phong trào thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế xã hội giữa các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố để từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Ba là: Tiếp tục chủ động mời gọi, thu hút các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, du lịch đồng bộ, hiện đại. Giải quyết khẩn trương các thủ tục đầu tư để nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án đầu tư lớn, có đẳng cấp cao về du lịch, dịch vụ; cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Công khai quỹ đất trong các khu, cụm công nghiệp và thông tin đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp biết, tiếp cận, nghiên cứu thực hiện các dự án đầu tư.
Bốn là: Kiện toàn thành viên, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc về năng lực cạnh tranh của tỉnh An Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo PCI) theo hướng tinh gọn, tập trung, giảm đầu mối nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả, phát huy tính linh hoạt, kịp thời trong giải quyết công vụ.
Bên cạnh những giải pháp cụ thể vừa nêu, tỉnh An Giang sẽ triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần thuộc Khung Đề án “An Giang điện tử”...
Với những giải pháp như trên, tỉnh An Giang kỳ vọng sẽ có bước đột phá mới trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và Chỉ số PCI trong thời gian tới, đồng thời thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy với nhà đầu tư như trong khẩu hiệu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018, “An Giang - Kết nối cơ hội, hợp tác thành công”.

Theo VCCI News