The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

An Giang tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng

Nằm ở vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang vừa có đồng bằng, vừa có vùng đồi núi với cảnh quan tươi đẹp; có tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia với các cửa khẩu quốc tế, quốc gia, thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ.

Vùng đất giàu tiềm năng

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế biên giới, thương mại - du lịch; sản xuất nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm...

Về mặt địa - kinh tế, An Giang được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: TP.HCM, TP. Cần Thơ và Thủ đô Phnompenh của Vương quốc Campuchia. Đây còn là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, của các tỉnh, thành phố trong vùng Ðồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN.

Lúa là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh An Giang. Ảnh: Quảng Ngọc Minh

Lúa là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh An Giang. Ảnh: Quảng Ngọc Minh

Với vị trí nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm… An Giang là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Lúa là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của An Giang, với diện tích canh tác trên 250.000 ha, sản xuất 3 vụ, sản lượng khoảng 4 triệu tấn/năm, gồm 35 giống lúa, trong đó giống có chất lượng cao chiếm 70 - 80%.

Rau màu là loại cây trồng có thế mạnh của An Giang, với diện tích đạt gần 38.000 ha, sản lượng thu hoạch trên 900.000 tấn, đã hình thành các vùng chuyên canh trồng đậu bắp, đậu phộng, đậu xanh, đậu nành, mè đen, khoai môn…

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với sản lượng nuôi trên 300.000 tấn/năm, gồm các loài cá tra, cá ba sa, cá lóc, cá rô, tôm càng xanh, lươn... trong đó, cá tra, cá ba sa được xác định là sản phẩm chiến lược của tỉnh.

An Giang còn là vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch, với các loại hình du lịch phong phú, đa dạng như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tín ngưỡng - hành hương. Các khu di tích, văn hóa lịch sử, các khu du lịch nổi tiếng của tỉnh là: Núi Sam (TP. Châu Ðốc), núi Cấm (huyện Tịnh Biên), văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn), Khu du lịch Tức Dụp (huyện Tri Tôn), Khu du lịch Núi Dài, Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên)…

Du lịch An Giang hấp dẫn du khách bởi các tour, tuyến tham quan “lên núi, xuống đồng bằng”, các lễ hội văn hóa như: Lễ Dolta và đua bò của người Khmer ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Tết Ramadan của người Chăm; Lễ hội Vía bà chúa xứ Núi Sam…

Trong thời gian qua, ngành du lịch của An Giang đã và đang từng bước xây dựng hình ảnh thân thiện với du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ và đầu tư đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch kết hợp bảo vệ môi trường. Ngành du lịch đạt tốc độ xã hội hóa cao, thu hút vốn đầu tư khá lớn; các doanh nghiệp du lịch không ngừng đầu tư nâng cấp các loại hình dịch vụ, mở rộng kết nối tour - tuyến du lịch và quảng bá tại các thị trường du lịch trọng điểm trong và ngoài nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh An Giang đã và đang đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Từ nhiều năm qua, Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ĐT) An Giang đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương, tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, đề án, kế hoạch, quyết định về tăng cường các biện pháp cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo công khai minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh…

Ông Phạm Thành Nhơn, Phó giám đốc Sở KH&ĐT An Giang cho biết, trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, Sở KH&ĐT đều xác định thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là ưu tiên hàng đầu để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Với quyết tâm cao độ, hiện nay, các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã rút ngắn đáng kể. Ông Phạm Thành Nhơn cho biết, nếu như trong năm 2015, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp của tỉnh từ 1,5 - 3 ngày làm việc, thì nay chỉ còn trong 1 ngày làm việc. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Sở KH&ĐT An Giang đã triển khai đăng ký doanh nghiệp qua mạng, trả kết quả qua đường bưu chính khi doanh nghiệp yêu cầu.

"Tiềm năng dồi dào, cùng với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, An Giang thật sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn."

Về thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang, theo Quy chế phối hợp trong giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh An Giang (ban hành kèm theo Quyết định số 32/2016/QÐ-UBND ngày 30/6/2016 của UBND tỉnh An Giang), đối với dự án do UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, sẽ được thực hiện theo quy trình 6 bước (trước đây là 8 bước), tổng thời gian giải quyết các thủ tục hành chính là 90 ngày, kể từ khi nhận hồ sơ đề xuất dự án đầu tư đến khi nhà đầu tư chính thức khởi công đầu tư xây dựng dự án, không kể thời gian nhà đầu tư hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ, thủ tục (trước đây từ 148 - 201 ngày).

Quy chế cũng quy định thời gian giải quyết cho từng thủ tục cụ thể như: Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư thực hiện trong 16 ngày làm việc; thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư là 1 ngày làm việc, đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, trong thời hạn 5 ngày…

Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng là việc mà lãnh đạo tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm. Ngày 2/3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký Quyết định thành lập Ban Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh An Giang và Tổ giúp việc. Ban này do một Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Thường trực Ban là Chánh văn phòng UBND tỉnh, các giám đốc sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố làm thành viên.

Nhiệm vụ của Ban là thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh điều phối các sở, ngành và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận dự án đầu tư, cơ chế chính sách và quy định của Nhà nước; chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp xúc và tổ chức triển khai dự án của nhà đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh An Giang và xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, công khai, minh bạch. Tổ giúp việc có nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận thông tin, phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư để tổng hợp báo cáo và tham mưu Trưởng ban Hỗ trợ doanh nghiệp xử lý.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh An Giang trong thời gian qua đã được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Ông Trịnh Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú - doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất, chế biến lúa gạo xuất khẩu tại huyện Tri Tôn, có tổng vốn đầu tư là 10 triệu USD, cho biết: “Trong quá trình làm thủ tục đầu tư, cũng như đến khi đưa dự án vào hoạt động, chúng tôi nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo chính quyền địa phương từ cấp huyện đến tỉnh và các sở, ngành chức năng, đặc biệt là Sở KH&ĐT. Khi doanh nghiệp cần gì và vướng chỗ nào thì được các anh hướng dẫn, giúp tháo gỡ ngay chỗ đó, thủ tục đã đơn giản rất nhiều. Sự hỗ trợ của tỉnh chính là động lực để Công ty tiếp tục triển khai đầu tư nâng công suất nhà máy chế biến gạo xuất khẩu từ 40.000 tấn/năm lên 80.000 tấn/năm”.

Tiềm năng dồi dào, cùng với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, An Giang thật sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Hoàng Nghị