The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

An Giang thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao PCI

Những tháng cuối năm 2023, các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh An Giang tập trung triển khai chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đặc biệt, các cấp, ngành chú trọng xây dựng hình ảnh lãnh đạo, chính quyền tỉnh cởi mở, năng động và sáng tạo, luôn đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp (DN) để DN yên tâm đầu tư sản xuất - kinh doanh, phát triển.

Những “điểm nghẽn”

Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của An Giang đạt 62,37 điểm, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 4,11 điểm và 37 bậc so năm 2021). So các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, An Giang đứng thứ 10/13, giảm 6 bậc so năm 2021; xếp trên tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Quan sát kết quả PCI nhiều năm cho thấy, điểm số và thứ hạng PCI tỉnh An Giang chưa đồng đều, thể hiện môi trường kinh doanh chưa thật sự ổn định, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm, hơn 2 năm qua, một số lĩnh vực đầu tư về nông nghiệp, năng lượng sạch, khu cụm công nghiệp còn khó khăn. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản không thể triển khai thủ tục để chấp thuận nhà đầu tư, do một số quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, xã hội hóa còn chồng chéo, chưa được tháo gỡ triệt để. Một số dự án đã cấp chủ trương đầu tư trước đây không thể thực hiện thủ tục tiếp theo, buộc phải thu hồi hoặc chấm dứt hiệu lực dự án.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh

Mặt khác, việc khảo sát đánh giá PCI là đo lường cảm nhận và mức độ hài lòng của DN đối với chính quyền địa phương. Đối tượng khảo sát chính là DN, có cảm nhận “chưa hài lòng” vì dự án, khó khăn của mình chậm được giải quyết, hoặc giải quyết không thỏa đáng. DN phải tiếp tục kiến nghị cấp thẩm quyền cao hơn, mất nhiều thời gian hơn. Điều đó làm cho tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng, thậm chí có khả năng gây thiệt hại lớn về tài chính.

Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, nên chưa tích cực tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN. Việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn chậm so quy định.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính

Để cải thiện Chỉ số PCI trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu sở, ban, ngành và địa phương cần tập trung bám sát, triển khai hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh.

UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh Kế hoạch 33/KH-UBND theo hướng giao sở, ban, ngành (chủ trì phụ trách từng chỉ số thành phần, từng chỉ tiêu) phải chủ động phối hợp đơn vị có liên quan đề xuất, triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện từng chỉ số thành phần, từng chỉ tiêu, hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu và làm hài lòng DN. Định kỳ hàng quý, cuối năm, tiến hành rà soát, đánh giá mức độ hài lòng của DN đối với từng chỉ số, chỉ tiêu do mình phụ trách, để phát huy hoặc điều chỉnh phù hợp.

Cùng với đó, phát huy tốt vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh (được ban hành tại Quyết định 785/QĐ-UBND, ngày 1/6/2023), góp phần nuôi dưỡng niềm tin của DN. Đồng thời, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm cách làm hay, mô hình tốt về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại các địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI để áp dụng tại địa phương.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số

“Vấn đề đặt ra là cùng cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục hành chính được quy định thống nhất trên cả nước, nhưng có tỉnh giải quyết tốt, được người dân, DN đánh giá cao. Nhưng có địa phương làm chưa tốt, người dân và DN chưa hài lòng, trong đó có tỉnh An Giang.

Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ cán bộ, công chức và bộ máy hành chính các cấp. Do đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước, thực hiện nghiêm Công điện 280/CĐ-TTg, ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương” - đồng chí Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm hơn nữa của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành và thực thi công vụ của bộ máy chính quyền, nhằm tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng phục vụ, hỗ trợ DN và nhà đầu tư sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, cân đối nguồn lực triển khai Chương trình chuyển đổi số, thực hiện mô hình chính quyền số và chính phủ điện tử, đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của nhà nước, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và DN.

Theo Báo An Giang