APEC 2017 là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư
Sáng 7-11, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) thuộc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, tại phiên thảo luận với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến thân thiện của doanh nghiệp", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có bài phát biểu về "Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh - Góc nhìn của địa phương". Sau đây là toàn văn bài phát biểu.
Xem thêm: Đoàn đại biểu Hà Nội tham dự các hoạt động bên lề APEC
Qua hơn 30 năm đổi mới, Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị, phát triển nhanh, năng động của khu vực và thế giới; là điểm đến thân thiện, là nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp bởi những tiềm năng và lợi thế riêng, đó là:
- Hà Nội luôn là địa chỉ đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định và luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương. Một thành phố đang phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng 8,2% năm 2016 và dự kiến 8,5% năm 2017, đồng thời, nằm trong một khu vực đang phát triển sôi động nhất thế giới, là thị trường đầy tiềm năng với rất nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư. Hà Nội đang trở thành một điểm đến hấp dẫn du lịch với các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử và bản sắc văn hóa riêng; với hơn 3.000 cơ sở lưu trú và các tiện ích tiêu chuẩn với mức chí phí hợp lý nhất thế giới; là trung tâm kết nối thuận lợi với các điểm du lịch đặc sắc như Vịnh Hạ Long, Tràng An, Sapa,...
Thành phố đang phát triển hạ tầng du lịch với các công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế như: trung tâm triển lãm, công viên, bảo tàng, nhà hát, xây dựng đồng bộ các làng nghề truyền thống trở thành các điểm đến du lịch hấp dẫn. Năm 2016, khách du lịch quốc tế tăng 23%; dự kiến năm 2017 tiếp tục tăng 21,8% đón 23,6 triệu lượt khách, trong đó có 4,3 triệu lượt khách quốc tế. Hà Nội đứng thứ 7 trong nhóm 10 thành phố tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới. Phục vụ doanh nghiệp sản xuất, tại Hà Nội đang hình thành các dịch vụ chất lượng cao như ngân hàng, bệnh viện, trung tâm y tế chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng. Là trung tâm có nguồn lực đã qua đào tạo, nơi có nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành của cả nước.
- Hà Nội hiện có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín. Các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn Ngoại giao, các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại Hà Nội đã tạo cho các nhà đầu tư một mạng lưới liên lạc tốt nhất để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm.
- Chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư và cam kết tiên phong về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thành phố xác định rõ: Luôn lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ. Lãnh đạo thành phố luôn sẵn sàng tiếp đón và trả lời yêu cầu của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Tại hai hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” năm 2016 và 2017, thành phố đã giới thiệu 231 dự án, với tổng mức đầu tư trên 80 tỷ USD để thu hút các cộng đồng doanh nghiệp đến tham gia vào các lĩnh vực phát triển. Thành phố đã có nhiều sáng kiến chuyển đổi mô hình đầu tư, như: xã hội hóa trong cấp nước khu vực nông thôn; hạ ngầm đường dây cáp, viễn thông, thay đổi cách thức quản lý hạ tầng bưu chính - viễn thông, chuyển từ cơ quan quản lý nhà nước sang các doanh nghiệp; quy hoạch cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ; các khu nhà ở xã hội tập trung; các dịch vụ công được xã hội hóa nhằm tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia.
+ Thành phố chỉ đạo quyết liệt về xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ cho doanh nghiệp. Đã cắt giảm, liên thông các thủ tục hành chính. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; đầu tư giảm 40%, quy hoạch, đất đai giảm 30%; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 14 ngày,... Thành lập Tổ công tác liên ngành của thành phố để giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt, đề xuất dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng, giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục các dự án lên đến 43%. Đến nay, đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng 98%, kê khai và nộp thuế điện tử 97%, hải quan 100%, bảo hiểm xã hội 97% đối với các doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên,… Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 được triển khai đến 584/584 xã, phường, đến cuối năm 2017 sẽ đạt 55%. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng trong các cơ quan nhà nước đạt trên 94%. TP Hà Nội đã được Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương trao giải thưởng ASOCIO về chính phủ số năm 2017.
+ Trong thời gian qua, thành phố đã triển khai mạnh mẽ việc công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, các thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi đầu tư.
+ Thành phố cũng tăng cường đối thoại doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn; thường xuyên tiếp xúc và quan tâm chăm lo đời sống của công nhân lao động.
Từ các giải pháp đồng bộ như trên, năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 310 dự án ngoài ngân sách trong nước với tổng mức đầu tư 11 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, bằng cả giai đoạn 2010-2015. Tổng cộng đến nay đã và đang triển khai 128 dự án PPP, với số vốn đăng ký 14,26 tỷ USD. Điều đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ các nước thành viên APEC đã có đóng góp rất quan trọng; tính đến nay, đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp nền kinh tế APEC vào Hà Nội đạt 3.500dự án với tổng vốn trên 20 tỷ USD, chiếm trên 85% số dự án và 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố.
Các dự án đầu tư không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách mà còn tạo ra nhiều việc làm, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao góp phần cải thiện, nâng cao mức sống cho người dân, đồng thời tạo diện mạo đô thị hiện đại của Hà Nội. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 tăng 18%, năm 2017 tăng 11% và trong 2 năm ước tăng thêm gần 48,3 nghìn doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trên thế giới đã hiện diện và thành công tại Hà Nội. Theo kết quả điều tra, năm 2016 là năm các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động kinh doanh hiệu quả: 67% doanh nghiệp kinh doanh có lãi; 92% doanh nghiệp FDI có ý định giữ nguyên và tăng quy mô kinh doanh.
Những nỗ lực của thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng liên tiếp trong 4 năm qua, năm 2016 thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt, tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14/63 tỉnh thành. Chỉ số Cải cách hành chính tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Theo đánh giá của VCCI: Hà Nội là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước được các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ưu tiên lựa chọn.
Bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức. Đó là vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị; sự gia tăng dân số; quá tải cơ sở hạ tầng, quá tải dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, nước sạch, ùn tắc giao thông, thủ tục hành chính; thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường; mâu thuẫn giữa phát triển với bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, đặc biệt là sự tác động của biến đổi khí hậu với các yêu cầu để phát triển đô thị bền vững,...
Để đưa Hà Nội trở thành một đô thị “Xanh - Văn Hiến - Văn minh - Hiện đại”, trong thời gian tới, thành phố xác định các mục tiêu như sau:
1- Tiếp tục giữ vững danh hiệu Thành phố hòa bình, văn minh, xanh, sạch đẹp, nơi hội tụ các giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu của người Việt Nam; vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn, phát huy các giá trị tinh hoa văn hoá của Đông Đô Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, đặc biệt giữ gìn nét đẹp văn hóa thanh lịch của người Hà Nội, bảo tồn các di sản văn hóa di tích lịch sử, khu phố cổ. Hướng phát triển thành một đô thị thông minh với cơ sở hạ tầng hiện đại được quản lý dựa trên nền tảng công nghệ số. Có một môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh doanh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, minh bạch, môi trường đầu tư hướng đến các chuẩn mực của OECD; xã hội gắn kết và rộng mở, tiếp thu các giá trị tiên tiến của Châu Á và thế giới.
2- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, công khai minh bạch thông tin. Quyết liệt cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền với phương châm hành động, liêm chính, với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại để nâng cao trình độ về quản lý, về kinh tế, về chuyên môn cho bộ máy cán bộ, công chức để đáp ứng được với yêu cầu hội nhập.
3- Tối ưu hóa các nguồn lực cho phát triển. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, tạo ra đột phá mới trong đầu tư tư nhân, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo cơ chế huy động vốn, để tập trung đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông như: hệ thống tàu điện ngầm, các công trình hạ tầng trọng điểm,... trở thành trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo, trung tâm giáo dục và y tế quốc tế; trung tâm tài chính và ngân hàng của cả nước.
4- Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương; xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng của Hà Nội, phát huy vai trò dẫn dắt và điều phối phát triển vùng, tạo sức hút mạnh hơn về cung cầu và sức lan tỏa về công nghệ, sáng tạo trong toàn vùng.
5- Mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác đối ngoại thông qua những bản ký kết ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác cụ thể, có ý nghĩa thiết thực về kinh tế - xã hội. Kết hợp giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, tăng cường mở rộng quan hệ thương mại, du lịch với các nước, thu hút FDI, tranh thủ viện trợ của các nước và các định chế tài chính - tiền tệ quốc tế, gia tăng xuất khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài.
Thành phố đã xác định nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ quyết định sự thành công đối với các mục tiêu, định hướng phát triển của thành phố. Trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục ưu tiên và kêu gọi đầu tư qua các hình thức FDI, PPP, xã hội hóa,…cho các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực: xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hệ thống trục đường hướng tâm; các dự án khép kín đường vành đai; đường sắt đô thị; các cầu qua sông; các công trình giảm ùn tắc giao thông; các bãi đỗ xe, bến xe; cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ; công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm Logistic; trung tâm thương mại, chợ đầu mối; các dự án y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế; các dự án kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thành phố mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các quốc gia, thành phố, doanh nghiệp, nhà đầu tư các nước thông qua việc hợp tác đầu tư, kinh doanh, mua, nhận chuyển giao công nghệ mới, kinh nghiệm và công nghệ quản lý trong phát triển đô thị thông minh, tăng cường kết nối, đẩy mạnh giao thương, xuất nhập khẩu,...
TP Hà Nội đã, đang và sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Chính quyền hành động, hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất những yêu cầu của doanh nghiệp, người dân, lấy kết quả, hiệu quả, chất lượng của công việc và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả của chính quyền thành phố.
Thành phố cam kết đồng hành, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh hướng đến các chuẩn mực của quốc tế, góp phần nâng cao Chỉ số môi trường kinh doanh, Năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Tôi tin tưởng và khẳng định rằng, với những tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thuận lợi, Hà Nội là một địa điểm đầu tư, kinh doanh, du lịch hấp dẫn và thành công cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cũng như là các du khách trong nước và quốc tế. Hà Nội kỳ vọng APEC 2017 là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội mới để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối, hợp tác đầu tư kinh doanh.
TP Hà Nội chào đón tất cả các thành phố, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức, các chuyên gia, các hiệp hội trong nước và quốc tế cùng hợp tác và phát triển bền vững.
Xin các quý vị hãy liên hệ với: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. (Tel: +84.923 22 33 22; Email: hapi@hanoi.gov.vn). Kính chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!