Bà Rịa - Vũng Tàu: Cải thiện môi trường kinh doanh, cần tiếp tục gỡ bỏ "chướng ngại vật"
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, hành trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn vấp phải một số rào cản cần tiếp tục gỡ bỏ.
ĐÃ CÓ NHIỀU CẢI THIỆN…
Là Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản (JBAH) tại TP.Hồ Chí Minh, ông Tsutomu Sakami đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành trên địa bàn tỉnh BR-VT. Ông cho biết, qua các buổi làm việc cho thấy, những ý kiến, kiến nghị của DN đã được lãnh đạo tỉnh, các sở ngành tiếp thu và giải quyết nhanh chóng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN Nhật Bản đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh cũng như các DN đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Những vấn đề về an ninh trật tự tại KCN, cung cấp điện, nước, vướng mắc về thủ tục hải quan… khi được DN phản ánh đã được UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết. “Việc lãnh đạo tỉnh thường xuyên đối thoại, lắng nghe phản ánh và giải quyết những khó khăn, vướng mắc đã giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, nhà đầu tư Nhật Bản đạt hiệu quả”, ông Tsutomu Sakami nói.
Ông Nguyễn Phước Lễ, Giám đốc Sở KHĐT cho biết, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể là, sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời và có hiệu lực, Phòng đăng ký kinh doanh của Sở KHĐT đã rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN còn 3 ngày theo đúng quy định; thông báo công khai các thủ tục trên website. Cục Thuế đẩy mạnh việc nộp thuế điện tử, bãi bỏ 9 thủ tục hành chính; công tác hoàn thuế, kiểm tra sau hoàn thuế thực hiện đúng thời gian quy định, không có hồ sơ giải quyết quá hạn. Ngành Hải quan thường xuyên cập nhật, rà soát các tiêu chí rủi ro để kiến nghị, đề xuất tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhanh chóng, bằng mức trung bình của các nước ASEAN – 6. Ngành điện rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng còn 20-30 ngày/công trình (giảm 11 ngày/công trình so với quy định). Chương trình kết nối ngân hàng – DN cũng được các ngân hàng tích cực triển khai. Tính đến hết quý I năm 2016, tổng số tiền cam kết cho vay khoảng 4.310 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đến nay đạt 3.650 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khác của tỉnh đối với DN cũng đang được các sở, ngành tích cực triển khai. Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiến hành khảo sát và tham gia hội đồng thẩm định phê duyệt kinh phí cho 10 DN tham gia chương trình khoa học công nghệ, hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, bao gồm các nội dung hỗ trợ như: giám sát, chứng nhận và tái chứng nhận hệ thống ISO 9001-2008; xây dựng website, chứng nhận sản phẩm hợp quy, đào tạo hướng dẫn chuyển đổi theo ISO 9001-2015 và ISO 14001-2015; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
DN CẦN ĐƯỢC TIẾP SỨC NHIỀU HƠN
Trong 4 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 6 DN giải thể, 32 DN chờ giải thể, 22 DN tạm ngưng kinh doanh và 22 DN không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Số DN giải thể và tạm ngưng hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: xây dựng, thương mại, dịch vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thiếu vốn để đầu tư sản xuất… Ông Phạm Văn Vỹ, chủ một DN may mặc tư nhân đóng tại phường Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu) cho biết, 2 năm nay cơ sở may của ông đã phải thu hẹp quy mô từ 4 xưởng xuống còn 2 xưởng, số lao động cũng giảm xuống còn 40-50 người (trước đây là 100 lao động làm việc thường xuyên). Nguyên nhân là do hiện nay, ngoài hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan, hàng Nhật cũng tràn vào Việt Nam, khiến hàng nội địa bị cạnh tranh khốc liệt. “Sản phẩm quần áo, giày dép của Thái Lan, Trung Quốc rẻ hơn hàng trong nước sản xuất. Mẫu mã của họ cũng phong phú, đa dạng hơn. Muốn cạnh tranh được thì chúng tôi phải đầu tư đổi mới công nghệ, thay máy móc hiện đại hơn để sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi vốn lớn, mà khả năng của chúng tôi thì có hạn”, ông Vỹ nói.
Hiện nay, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực ưu đãi từ vốn, đất đai... cho tới công nghệ đã được triển khai nhưng trên thực tế, nhiều DN vẫn khó khăn trong tiếp cận. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), có tới 30% DN nhỏ và vừa “không thể tiếp cận” với nguồn vốn của ngân hàng và 30% DN khác cho biết “khó tiếp cận”. Ngoài ra, các chi phí không chính thức khác khi giải quyết các vấn đề về thuế, thủ tục hải quan… cũng khiến DN “mệt mỏi”. Những rào cản này cần tiếp tục gỡ bỏ, đặc biệt là tới đây, khi mà tỉnh triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
Trong kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh BR-VT 2 năm 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ, mục tiêu được tỉnh đặt ra là rút ngắn thời gian thành lập DN xuống còn 6 ngày; rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp thuế (gồm thuế và BHXH) đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm; giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho DN còn 13- 14 ngày; phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước... |
Bài, ảnh: NGÔ GIA