Ngày 30/11, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện một số chỉ số thành phần thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gồm: Chi phí thời gian, tính minh bạch, đào tạo lao động. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Bắc Giang: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục
Giảm chi phí cho DN, thêm việc làm mới
PCI thực chất là chỉ số đo lường đầu ra việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ngành đối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ 31 cả nước (năm 2020 xếp thứ 27).
Trong các chỉ số thành phần thì các chỉ số: Chi phí thời gian, tính minh bạch, đào tạo lao động có điểm trọng số tương đối cao, ảnh hưởng lớn đến bộ chỉ số chung. Chỉ số tính minh bạch tăng 23 bậc và đào tạo lao động tăng một bậc. Tuy nhiên, chỉ số chi phí thời gian Bắc Giang lại xếp thứ 46/63 tỉnh, TP, tụt 41 bậc so với năm 2020.
Nguyên nhân là do nhiều chỉ số thành phần giảm điểm và xếp thứ hạng thấp như: Vẫn còn tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo; DN mất nhiều thời gian tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật. Một số DN mất nhiều thời gian trong khâu nộp thuế, có thời điểm hệ thống nộp thuế điện tử bị nghẽn. Về tính minh bạch, mặc dù thứ hạng được cải thiện song việc tiếp cận văn bản của tỉnh, quy hoạch ngành, địa phương của DN chưa thuận tiện. Lượng DN truy cập website ít bởi việc cung cấp thông tin lên trang điện tử của một số cơ quan, đơn vị vẫn còn hình thức, chưa kịp thời.
Khắc phục tình trạng này, ngày 7/7/2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về nâng cao chỉ số PCI năm 2022. Theo đó, các chỉ số chi phí thời gian, tính minh bạch, đào tạo lao động được giao cho từng đơn vị chủ trì. Đến nay, việc thực hiện đã có kết quả bước đầu.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ (đơn vị chủ trì đầu mối chi phí thời gian) nêu, chỉ số chi phí thời gian gồm 14 chỉ tiêu được giao cho 7 cơ quan. Sở Nội vụ đã lượng hóa cụ thể các chỉ tiêu, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện. Một trong những chỉ tiêu được thực hiện tích cực là DN không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký do Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách. Điều này góp phần giúp DN giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm 5-14% chi phí TTHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, giảm tỷ lệ hồ sơ sửa đổi, bổ sung”.
Đối với các chỉ số tính minh bạch có nhiều chỉ tiêu, trong đó Cục Thuế tỉnh chủ trì hai chỉ tiêu gồm: Thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh và thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp DN giảm được số thuế phải nộp. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục Thuế tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, siết chặt kỷ luật, kỷ cương khi thi hành công vụ. Đặc biệt đẩy mạnh khai thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử, ứng dụng hóa đơn điện tử, triển khai sử dụng phần mềm trong thực hiện liên thông điện tử về lĩnh vực đất đai giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên và môi trường.
Về đào tạo lao động, năm nay, Bắc Giang phấn đấu đạt 6,4 điểm trở lên (bằng hoặc hơn năm 2021) nên cũng được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm. Sở phối hợp thường xuyên nắm bắt tình hình, nhu cầu lao động của các DN; đồng thời tháo gỡ, giải đáp khó khăn mà DN gặp phải, hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động. Kết quả, năm 2022, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho hơn 33,6 nghìn lao động, trong đó hơn 1,8 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Tập trung cao cho công tác tuyên truyền
Trao đổi tại hội nghị, ông Dương Ngọc Chiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực giúp việc UBND tỉnh về thực hiện chỉ số PCI) nêu, dù bước đầu đạt được kết quả nhưng nhìn chung các giải pháp để thực hiện vẫn còn chung chung, chưa lượng hóa tốt. Chương trình cà phê doanh nhân dù đã được tổ chức nhưng kết quả xử lý sau tiếp thu chưa cao khiến DN không tham gia tích cực như trước.
Vì vậy, cần nâng cao vai trò của cơ quan đầu mối chủ trì từng chỉ số, thường xuyên đôn đốc các đơn vị liên quan. Có hành động cụ thể để cải thiện các chỉ số. Các sở, ngành cần tăng cường đối thoại với DN, giải đáp cụ thể từng kiến nghị, đề xuất, góp phần củng cố niềm tin của DN đối với sự tham mưu, điều hành trong từng lĩnh vực.
Đến nay, chưa có kết của chỉ số PCI cả nước năm 2022 nhưng cơ quan chức năng đã phát phiếu khảo sát, đánh giá, công bố trong năm tới.
Dù vậy, trên cơ sở kết quả đạt được và kiến nghị của các đại biểu, đồng chí Mai Sơn cho rằng, các ngành đã chủ động đề ra nhiệm vụ, giải pháp và nỗ lực khắc phục các chỉ số liên quan còn thấp. Để cải thiện chỉ số PCI, trong đó có các chỉ số thành phần như: Chi phí thời gian, tính minh bạch và đào tạo lao động, thời gian tới cần tập trung cao cho công tác tuyên truyền.
Đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tham mưu công tác truyền thông, bởi đây là đơn vị am hiểu nhất DN cần gì, thiếu gì để đi sâu vào nội dung cụ thể, bảo đảm đúng, trúng, kịp thời. Phối hợp thực hiện clip để trong tháng 12 đưa lên tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng mạng xã hội, giúp người dân, cộng đồng DN hiểu rõ, chung tay nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
Các sở, ngành tổ chức tốt hội nghị đối thoại liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Cần trao đổi để DN hiểu, đánh giá đúng tình hình thực hiện của tỉnh ở các chỉ số, cũng như các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh đối với DN.
Riêng tính minh bạch, các sở, ngành, nhất là xây dựng, tài nguyên, môi trường phối hợp thiết kế, tích hợp được một điểm để DN tiện truy cập, xem các thông tin liên quan đến ngành, lĩnh vực mà không phải qua nhiều đường link. Các ngành cung cấp dữ liệu đầy đủ, cập nhật lên Cổng thông tin điện tử tỉnh để người dân, DN dễ dàng tra cứu.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng công cụ để DN trực tiếp đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ phục vụ DN của tỉnh theo bộ chỉ số PCI, trên cơ sở đó hằng tháng tổng hợp lại, đề xuất giải pháp điều chỉnh kịp thời. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện TTHC “5 tại chỗ”; nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tham mưu các nhiệm vụ.
Theo Báo Bắc Giang