Bắc Giang: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư
Cải thiện môi trường kinh doanh - nhiệm vụ "sống còn"
Đầu năm 2014, Chính phủ có Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đến đầu năm 2015, Chính phủ lại ban hành Nghị quyết 19 nhằm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong giai đoạn 2015-2016.
Chính phủ coi việc cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ "sống còn", bởi lẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện nhưng so với các nước ASEAN thì còn thua kém rất nhiều.
Mặt khác, thời gian qua, kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát trong nước tăng cao, các DN gặp khó khăn trong khi áp lực hội nhập quốc tế ngày càng rõ nét và cận kề. Nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong quá trình hội nhập, chúng ta sẽ bị "thua" ngay trên "sân nhà".
Để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi). Đặc biệt Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Tại Bắc Giang, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 19/2015; đồng thời chú trọng các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá việc thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; bố trí cán bộ có năng lực để hướng dẫn các nhà đầu tư; công khai tài liệu quy hoạch, tài liệu về pháp lý, ngân sách lên trang thông tin điện tử của các sở, ngành, các huyện, thành phố; tăng độ mở của các website.
Tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết các công việc cho các nhà đầu tư... UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Hỗ trợ đầu tư và phát triển DN của tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu nhằm kịp thời giúp các nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, chỉ số PCI năm 2014 của tỉnh tăng 8 bậc so với năm 2013.
Gỡ nút thắt cho DN
Ngoài việc cải thiện môi trường kinh doanh, một vấn đề quan trọng của "Năm doanh nghiệp" là thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm trợ giúp các DN trong nước, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo đánh giá, khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là không nắm được đầy đủ về thông tin hội nhập, không biết rõ những thách thức, khó khăn cũng như cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại, do vậy DN lúng túng khi lựa chọn ngành hàng sản xuất kinh doanh; loay hoay trong việc tìm kiếm đổi mới công nghệ, khó tiếp cận đất đai, năng lực quản trị hạn chế...
Bên cạnh đó, DN còn gặp khó trong việc tiếp cận nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính. Nhà nước chưa triển khai hiệu quả các "công cụ" giúp DNNVV tiếp cận các nguồn tín dụng như Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng.
Để các DN trong nước, nhất là khối DNNVV phát triển, xin đề xuất một số giải pháp. Trước hết, Quốc hội cần nghiên cứu ban hành Luật hỗ trợ DNNVV để góp phần tạo môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, tăng cơ hội cho DN quy mô nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đầu mối thực hiện việc trợ giúp DNNVV, tránh chồng chéo. Đồng thời, đa dạng hóa các nhóm chính sách hỗ trợ, cần xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để có quy định phù hợp, đáp ứng nhu cầu của DNNVV. Cần có một gói tín dụng hỗ trợ DNNVV (như gói tín dụng hỗ trợ mua nhà ở 30 nghìn tỷ đồng).
Đối với cấp tỉnh, các sở, ngành cần đẩy mạnh cung cấp thông tin hội nhập quốc tế cho các DN bằng nhiều hình thức, dễ hiểu, ngắn gọn, tập trung vào các cam kết của Việt Nam, những cơ hội mở ra cho các ngành hàng xuất khẩu. Qua đó giúp các DN định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Bố trí kinh phí để triển khai thành lập các Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng ở các địa phương, làm "cầu nối" giúp DNNVV tiếp cận tín dụng.
Tỉnh cần có chính sách cụ thể để xây dựng "Vườn ươm doanh nghiệp", hỗ trợ kịp thời cho các DN mới khởi nghiệp có ý tưởng kinh doanh độc đáo, có phương án kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao. Khuyến khích thành lập Quỹ Khởi nghiệp, Quỹ Đầu tư mạo hiểm... để giúp các DN mới ra đời thực hiện được ý tưởng kinh doanh của mình. Các tổ chức hội DN nhất là Hiệp hội DNNVV hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, đủ khả năng hỗ trợ cho cộng đồng DN trong việc liên kết sản xuất kinh doanh, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, đổi mới công nghệ, giải quyết các thủ tục hành chính, hải quan.
Nguyễn Cường
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang
Theo báo Bắc Giang ngày 27/07/2015