Bạc Liêu: Gắn đào tạo nghề với nâng cao chỉ số PCI: Những nghịch lý kéo dài
16 Tháng 6, 2021
Phải khẳng định rằng, một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện giảm nghèo bền vững chính là công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm (ĐTN-GQVL). Vì vậy, trong những năm qua, Bạc Liêu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các mặt công tác này. Và làm tốt công tác ĐTN-GQVL không chỉ thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, mà còn góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
ĐẦU TƯ DẠY NGHỀ TIỀN TỶ, LAO ĐỘNG VẪN THA PHƯƠNG?!
Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác ĐTN-GQVL, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo ngành quản lý và các địa phương phải tập trung làm tốt và xem chất lượng, hiệu quả là tiêu chí ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, công tác ĐTN-GQVL vẫn chưa đạt được mục tiêu này, còn chạy theo kế hoạch, số lượng mà kết quả của nó là sự lãng phí tiền tỷ và tạo nên hàng loạt các nghịch lý cần có lời giải.
Qua thống kê cho thấy, việc đầu tư cho công tác ĐTN-GQVL thời gian qua là con số không nhỏ. Đơn cử trong 10 năm qua, chỉ tính 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và 4 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên được đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ cho công tác đào tạo nghề cũng tiêu tốn ngân sách hơn 42 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập mua sắm trang thiết bị dạy nghề với tổng kinh phí 67 tỷ đồng. Hay chỉ tính riêng việc hỗ trợ lao động nông thôn học nghề qua 10 năm cũng phải đầu tư gần 61 tỷ đồng. Riêng năm 2020 vừa qua, Bạc Liêu đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Theo kế hoạch ĐTN-GQVL giai đoạn 2021 - 2025, Bạc Liêu sẽ huy động và đầu tư hơn 544 tỷ đồng cho công tác này. Câu hỏi đặt ra là hiệu quả đạt được có tương ứng với số tiền đầu tư?
Quan tâm đến vấn đề này, vì nếu như những đồng vốn đầu tư trên được phát huy hiệu quả thì có tăng thêm vốn cũng là việc cần làm. Đằng này, theo số liệu của ngành Lao động về công tác ĐTN-GQVL hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, nhưng tổng kết số lao động phải xa quê tìm việc làm khiến nhiều người phải chạnh lòng và tự đặt ra câu hỏi: Con số hơn 20.000 lao động được giải quyết việc làm hàng năm có ý nghĩa gì? Và việc đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác ĐTN-GQVL hiệu quả đến đâu?
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2020 Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho hơn 20.930 lao động, đạt 116,3% kế hoạch. Thế nhưng, số lao động được giải quyết việc làm trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 4.410 lao động, còn lại hơn 16.500 lao động của địa phương phải xa xứ mưu sinh. Cũng qua số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB&XH cho thấy, số lao động đi làm việc ngoài tỉnh hàng năm của Bạc Liêu chiếm trên 75%. Không chỉ thế, con số này còn vượt hơn 75%, vì qua thống kê số lao động phải xa quê đi lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm 2020 Bạc Liêu có tổng số hơn 23.800 lao động, nghĩa là cao hơn nhiều so với con số được giải quyết việc làm từ thống kê của Sở LĐ-TB&XH. Trên thực tế, vẫn còn nhiều lao động đi làm thuê nhưng không khai báo với chính quyền địa phương. Ông Trương Văn Thuận - Chủ tịch UBND thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), cho biết: “Số lao động đi làm việc ngoài tỉnh chỉ nắm được khi người lao động lên thị trấn xin giấy tạm trú, tạm vắng, còn không thì rất khó quản lý. Qua thống kê từ sổ đăng ký tạm trú, tạm vắng, thị trấn có gần 1.500 lao động phải đi các tỉnh ngoài làm việc kiếm sống và chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh”.
“CHẢY MÁU” NGUỒN LỰC LAO ĐỘNG!
Thực tiễn đã chứng minh, lao động là tài nguyên và nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia hay địa phương, nhưng Bạc Liêu lại có trên 75% lao động phải kiếm sống nơi đất khách quê người. Sự “chảy máu” về nguồn lực này, trách nhiệm thuộc về ai? Trong khi đó, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI xác định: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá cho Bạc Liêu giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo khi yếu tố con người là quan trọng và mang tính quyết định trong thực hiện “5 trụ cột” cho một Bạc Liêu bứt phá và tăng trưởng nhanh.
Hiện nay, khi vào mùa thu hoạch, hoạt động sản xuất ở hơn 80% diện tích lúa đều phải phụ thuộc vào lao động ngoài tỉnh đến làm thuê. Cũng như khi xảy ra thiên tai (lúa sập, lúa ngập), nông dân nhiều địa bàn phải đắng lòng mặc cho lúa chết, vì không có lao động ở địa phương để thuê cắt thủ công. Rồi nhiều nơi của Bạc Liêu cũng hình thành nên “xóm người già”, “xóm trẻ con”, do lao động trẻ đã thay nhau ra ngoài tỉnh làm thuê kiếm sống.
Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng ở hiện tại mà trong tương lai, nạn “chảy máu” về nguồn lực còn tạo ra những hệ lụy và gây nên những gánh nặng cho an sinh xã hội. Thống kê từ 23.800 lao động đi làm việc ngoài tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 năm qua cho thấy, chỉ có khoảng 10.230 lao động được các chủ doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động, số còn lại với hơn 13.500 lao động bị xếp vào nhóm lao động tự do! Điều đó đồng nghĩa với việc họ không được pháp luật bảo vệ và hưởng các quyền hợp pháp dành cho người lao động như: tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn và thực hiện các giải pháp phòng tránh bệnh nghề nghiệp. Số lao động này khi mất sức lao động, hay bị bệnh nghề nghiệp hoặc tái nghèo thì lo cho họ không ai khác ngoài Nhà nước. Như trường hợp của gia đình ông Võ Văn Giàu (Phường 2, TP. Bạc Liêu) đi làm thuê cho một doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh Đồng Nai, khi xảy ra tai nạn lao động, gia đình ông được chủ hỗ trợ cho vài triệu đồng, rồi đau khổ kéo nhau về quê. Rất may là nhờ vào sự giúp đỡ và hướng dẫn của những người biết luật, gia đình ông Giàu đã nhờ luật sư can thiệp, nhưng luật sư yêu cầu cần phải trả 40% tổng số tiền khi được nhận bồi thường (vì ông Giàu qua giám định y khoa bị thương tật vĩnh viễn trên 50% và không còn khả năng lao động). Vì nghèo, lại ít học nên gia đình ông đành chấp nhận thỏa thuận với luật sư và với số tiền được nhận còn lại chỉ hơn 100 triệu đồng cũng chỉ đủ chi phí chữa trị cho ông; còn về sau này, việc lo cho ông chắc không ngoài các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Phản ánh thực trạng trên để thấy rằng, việc thực hiện tốt công tác ĐTN-GQVL không chỉ có ý nghĩa về mặt tăng trưởng kinh tế, mà còn tham gia trực tiếp vào giải quyết các vấn đề an sinh bền vững trong tương lai. Cũng như ở năm 2021 này, việc thực hiện tốt công tác ĐTN-GQVL còn góp phần nâng cao chỉ số PCI khi chỉ số đào tạo lao động năm 2020 giảm 0,7 điểm và giảm 9 bậc trong bảng xếp hạng so với kết quả của năm 2019. Trong đó, có 6/10 chỉ tiêu giảm điểm so với năm 2019 gồm: Doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại tỉnh; Doanh nghiệp sử dụng nhà cung cấp dịch vụ tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm; Doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên số lao động chưa qua đào tạo; Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên tổng số lực lượng lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp.
Từ sự giảm điểm này cùng với những bất cập trong công tác ĐTN-GQVL, Bạc Liêu cần nghiêm túc phân tích, đánh giá và có ngay các giải pháp, nhất là rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác ĐTN-GQVL, nhằm tránh lãng phí tiền của Nhà nước, công sức người học và chủ động tránh căn bệnh thành tích từ các địa phương. Đó là việc luôn “tô hồng” con số ĐTN-GQVL năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng lao động cứ phải xa xứ mưu sinh, còn Chỉ số PCI thì mỗi năm lại đi xuống bảng xếp hạng?! Một vấn đề quan trọng khác phải tập trung làm thay đổi căn bản quy trình tổ chức ĐTN-GQVL hiện nay, nhất là khâu phân bổ vốn, tuyển sinh, giới thiệu việc làm và thực trạng “thích làm thầy hơn làm thợ” trong lao động. Đồng thời, chủ động xây dựng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho “5 trụ cột” trên tinh thần đa dạng hóa, hiện đại hóa thị trường lao động và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Báo Bạc Liêu