The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bạc Liêu: Giải pháp nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI và PAPI giai đoạn 2021 - 2025

Cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 theo Kết luận số 95 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số PAPI là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Mục tiêu phấn đấu hằng năm là các chỉ số nội dung của PAPI được xếp trong nhóm có điểm trung bình cao trở lên và nằm trong nhóm 20 của cả nước vào năm 2025.
Theo đó, Kết luận 95 nêu yêu cầu: xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong nỗ lực cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI.
Tiếp tục quán triệt sâu rộng Kết luận 95 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI và Chỉ số PAPI đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức về các nhiệm vụ. Việc thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của BTV Tỉnh ủy phải đồng bộ với Chương trình tổng thể cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và gắn với nhiệm vụ giải pháp cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index) và Chỉ số PCI. Theo BTV Tỉnh ủy, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn.
Cụ thể, chú trọng nội dung và các giải pháp thực hiện như “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Cải cách thủ tục hành chính”, “Cung ứng dịch vụ công”, “Quản trị môi trường”, “Quản trị điện tử”.
Tỉnh xác định trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành; các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn gắn với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện và hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi, cung cấp các dịch vụ công cho người dân.
Triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư công và quy định về đầu tư công trung hạn ở cấp huyện, xã để nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; đảm bảo tham gia của người dân theo quy định của pháp luật, đặc biệt đẩy mạnh công khai, minh bạch ở cấp xã. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, không tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương sớm thực hiện các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng phủ kín quy hoạch trên địa bàn mình quản lý và công bố, công khai các quy hoạch đã được phê duyệt theo quy định. Tìm các giải pháp cụ thể, đồng bộ nâng cao chất lượng dịch vụ công về y tế, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.