The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bạc Liêu: Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021: Chung tay hành động với quyết tâm chính trị cao

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12 về tập trung nâng cao chỉ số PCI và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, mục tiêu đề ra của nghị quyết vẫn chưa thành hiện thực, thậm chí tình trạng ngày càng khó khăn hơn.
CHƯA HOÀN THÀNH MỤC TIÊU ĐỀ RA
Với sự ra đời của Nghị quyết số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh cho thấy sự quan tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc tích cực lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chỉ số PCI. Bởi việc nâng cao chỉ số PCI không chỉ thể hiện sự quyết tâm của cả Đảng bộ trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, mà còn là tạo dựng hình ảnh về một Bạc Liêu năng động, luôn đồng hành, chia khó cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, Bạc Liêu vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu đưa chỉ số PCI của tỉnh đến năm 2020 nằm trong tốp 20 địa phương tốt nhất cả nước và duy trì thứ hạng này trong những năm tiếp theo.
Nhìn lại bảng xếp hạng chỉ số PCI trong những năm qua cho thấy, Bạc Liêu liên tiếp bị tụt hạng và đây thật sự trở thành vấn đề đáng trăn trở khi tỉnh được ví như “điểm sáng” về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Cụ thể, chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh bị giảm sâu so với năm 2019 và đây là năm thứ 8 liên tiếp chỉ số PCI của tỉnh bị tụt hạng, xếp ở vị trí 63/63 tỉnh, thành. Thống kê các chỉ số thành phần năm 2020 cho thấy, chỉ có 3 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2019 là: Chỉ số gia nhập thị trường với 8,70 điểm, xếp hạng thứ 5/63 (tăng 1,05 điểm, tăng 18 bậc so với năm 2019); Chỉ số tiếp cận đất đai được 7,80 điểm, xếp hạng 2/63 (tăng 0,36 điểm, tăng 9 bậc so với năm 2019); Chỉ số chi phí thời gian được 7,89 điểm, xếp hạng thứ 29/63 (chỉ số này tuy tăng 0,82 điểm nhưng lại giảm 3 bậc so với năm 2019).
Riêng 7 chỉ số thành phần còn lại giảm điểm khá sâu so với năm 2019 như: Chỉ số tính minh bạch được 4,81 điểm, xếp hạng 63/63 (giảm 1,55 điểm, giảm 7 bậc so với năm 2019); Chỉ số đào tạo lao động được 5,56 điểm, xếp hạng 56/63 (giảm 0,7 điểm, giảm 9 bậc so với năm 2019); Chỉ số cạnh tranh bình đẳng được 6,56 điểm, xếp hạng 33/63 (giảm 0,46 điểm, giảm 20 bậc so với năm 2019); Chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh được 5,83 điểm, xếp hạng 48/63 (giảm 0,42 điểm, giảm 15 bậc so với năm 2019); Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được 6,23 điểm, xếp hạng 51/63 (giảm 0,29 điểm, giảm 18 bậc so với năm 2019); Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được 5,69 điểm, xếp hạng 39/63 (giảm 0,08 điểm, tăng 8 bậc so với năm 2019); Chỉ số chi phí không chính thức được 5,98 điểm, xếp hạng 51/63 (giảm 0,05 điểm, giảm 12 bậc so với năm 2019).
Điều đáng nói, với cách xác định trọng số và cách tính PCI cho thấy có 4 chỉ số gồm: Tính minh bạch, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động đã quyết định đến 70% điểm số PCI (vì các doanh nghiệp quan tâm đến các chỉ số quan trọng này). Trong khi đó, 6 chỉ số còn lại chỉ quyết định 30% điểm số PCI. Do vậy, 4 chỉ số mang yếu tố quyết định có mức điểm và thứ hạng quá thấp là nguyên nhân chính làm cho điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh giảm sâu trong năm 2020.
TẬP TRUNG NÂNG CAO CÁC CHỈ SỐ
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, đầu tư và phát triển, góp phần nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, bám sát mục tiêu từng chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần PCI được nêu phải khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với từng chỉ tiêu được phân công, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu và giữa các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố để có cơ sở kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện của các đơn vị. Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ để có giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp, linh hoạt và kiến nghị tỉnh các giải pháp điều hành hiệu quả.
Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ khẩn trương kiện toàn Tổ công tác về nâng cao chỉ số PCI của tỉnh và thành lập Tổ công tác thanh - kiểm tra đột xuất một số đơn vị, nhất là các đơn vị chủ trì các chỉ số có trọng số cao mà chưa cải thiện trong thời gian vừa qua. Đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, trực tiếp các chỉ số thành phần và các đơn vị được giao phụ trách các chỉ tiêu có báo cáo cụ thể kết quả đã thực hiện. Đối với những chỉ tiêu giảm điểm, giảm thứ hạng phải có báo cáo giải trình cụ thể lý do vì sao chỉ số, chỉ tiêu phụ trách giảm, báo cáo UBND tỉnh xem xét hướng xử lý. Song song đó, tăng cường tổ chức đối thoại hiệu quả với doanh nghiệp, nhà đầu tư, định kỳ ở cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, nhằm gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình Cà phê doanh nhân đến các huyện, thị xã, thành phố… Đặc biệt, tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Với mục tiêu cải thiện nhanh chỉ số PCI trong năm 2021 và phấn đấu đứng vào tốp tốt của cả nước là việc rất khó khăn khi Bạc Liêu chỉ còn 6 tháng cuối năm để thực hiện mục tiêu này. Song, với quyết tâm chính trị và chung tay hành động, rất cần sự nỗ lực, thi đua trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.