Bạc Liêu: Thu hút nguồn lực cho phát triển
DOANH NGHIỆP HÀI LÒNG
Một trong những bài học kinh nghiệm trong thu hút, kêu gọi đầu tư nhiệm kỳ qua là tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính, mà trước hết là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Trên cơ sở xác định sự cần thiết, tầm quan trọng của việc cải cách TTHC, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các thủ tục, nhất là các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất - kinh doanh như: đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, thủ tục thuế, đất đai, quy hoạch, cấp phép xây dựng, kết nối hạ tầng giao thông, điện, nước, cắt giảm các thủ tục chồng chéo, không cần thiết, qua đó công bố, niêm yết công khai để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận, thực hiện thuận lợi, dễ dàng hơn. Đối với TTHC có liên quan nhiều sở, ngành, UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp, có phân công, phân cấp, quy định thời gian hoàn thành từng loại thủ tục của từng bộ phận, từng sở, ngành và được vận hành theo cơ chế một cửa liên thông và một đầu mối. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện và giám sát mang lại kết quả khá tốt, hạn chế hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tốn kém chi phí, công sức và thời gian của các bên có liên quan. Kết quả đã cắt giảm được rất nhiều thủ tục, các TTHC được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong khâu chuẩn bị và triển khai đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp được khắc phục, bước đầu tạo được sự hài lòng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến với Bạc Liêu.
Trong công tác cải cách hành chính, tỉnh rất quan tâm đến cải cách thể chế, trong đó tuân thủ thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư của Chính phủ, đồng thời xem xét ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất - kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh trên một số lĩnh vực quan trọng, theo định hướng ưu tiên cho các lĩnh vực có ưu thế để nhà đầu tư khai thác tiềm năng như: năng lượng sạch, thủy sản, nông nghiệp… hoặc những lĩnh vực tỉnh có nhu cầu như: các dự án giải quyết nhiều lao động; các dự án phát triển đô thị; các dự án tạo ra nguồn thu ngân sách; các dự án hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đầu tư vào khu vực nông thôn; các dự án ưu đãi xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xử lý môi trường…
Song song với cải cách TTHC và cải cách thể chế, tỉnh cũng rất quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ. Trong đó, phát huy vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch - là cơ quan đầu mối tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận và chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục; thành lập phòng Hợp tác đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tham mưu lĩnh vực này; các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đều sắp xếp lại bộ phận giải quyết TTHC, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thiết lập đường dây “nóng” để tiếp nhận và xử lý nhanh chóng thông tin, yêu cầu của các tổ chức, cá nhân; cương quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực…
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh của tỉnh và tạo dựng được tình cảm, lòng tin và sự an tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại Bạc Liêu.
NGƯỜI NGƯỜI ĐỒNG THUẬN
Để làm tốt công tác thu hút, kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ và nhân dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm tạo sự đồng thuận, cùng chia sẻ trách nhiệm trong giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để mời gọi đầu tư cũng được coi là một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng.
Thực tiễn trong nhiệm kỳ qua, ở lĩnh vực này đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Công tác xúc tiến mời gọi đầu tư không phải chỉ là nhiệm vụ của một vài cơ quan chuyên môn mà là nhiệm vụ của cả Đảng bộ, các cấp, các ngành, vì vậy, từ cán bộ lãnh đạo của tỉnh, các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tận dụng khá tốt các sự kiện diễn đàn, hội nghị, hội thảo trong tỉnh, khu vực và cả nước, nếu có điều kiện thì giới thiệu về tỉnh và mời gọi đầu tư.
Mặc dù trong nhiệm kỳ vừa qua, Bạc Liêu chưa tổ chức được hội nghị xúc tiến đầu tư lớn ở nước ngoài hoặc các trung tâm kinh tế lớn trong nước. Tuy nhiên, thông qua các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố bạn giới thiệu giúp đỡ, Bạc Liêu đã mời gọi được các tập đoàn, tổng công ty, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về đầu tư tại Bạc Liêu, tạo thêm nguồn lực và sức bật mới cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ qua; tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đang được các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đầu tư khai thác, đặc biệt một số doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trên thị trường cũng đã có mặt tại Bạc Liêu. Đây là những tín hiệu vui đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư như Bạc Liêu. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ và nhân dân đã phát huy hiệu quả, sự chung sức đồng lòng, thái độ ân cần, trọng thị, cởi mở và trách nhiệm đã được thể hiện rõ nét bằng các hành động cụ thể, qua đó đã góp phần xây dựng hình ảnh một Bạc Liêu thân thiện, trách nhiệm, tạo dựng lòng tin và sự an tâm đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, không phải trong các khẩu hiệu suông mà được cụ thể hóa trong quyết tâm và hành động, để đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn đời sống xã hội.
KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHỈ SỐ PCI
Cùng với tập trung cải cách hành chính, đẩy mạnh tuyên truyền, thì việc quan tâm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cũng được coi là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Bởi chỉ số PCI được coi là kết quả của cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và xem như thước đo của công tác quản lý, điều hành và thực hiện chính sách ở địa phương. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư xem xét và đưa ra quyết định có đầu tư hay không. Do đó, việc nâng cao chỉ số PCI luôn được lãnh đạo tỉnh quyết tâm chỉ đạo trên thực tế, được cụ thể hóa tại nhiều chỉ thị và kết luận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực tiễn cho thấy, qua thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng chỉ số thành phần cấu thành chỉ số PCI đã được cải thiện rất đáng kể, được các nhà đầu tư, doanh nghiệp cảm nhận mức độ hài lòng, thuận lợi ngày càng cao.
Đồng thời, ở cấp độ địa phương, tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép việc cải thiện chỉ số PCI cấp tỉnh vào kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2015 - 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19 năm 2014 và năm 2015; các nhiệm vụ, giải pháp này đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh trong những năm tới, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế, đặc biệt khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực và được triển khai vào thực tiễn.
Với những nỗ lực trên, trong nhiệm kỳ qua Bạc Liêu đã thu hút được nhiều dự án động lực, không chỉ góp phần trong tăng trưởng GDP, tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mà còn giải quyết thêm nhiều việc làm, tạo hiệu ứng về môi trường đầu tư sôi động và qua đó tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút tốt các nguồn lực phát triển tỉnh nhà, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đưa Bạc Liêu đứng vào tốp các tỉnh khá trong khu vực và trung bình khá của cả nước theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
P.V
Theo Bạc Liêu online ngày 30/10/2015