Bạc Liêu: Tiếp tục nâng cao chỉ số PCI và kêu gọi, thu hút đầu tư
Với sự nỗ lực không ngừng trong thu hút, kêu gọi đầu tư, thời gian qua, Bạc Liêu đã thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh trạnh (PCI) và nằm trong tốp khá nhiều năm. Phát huy những kết quả đạt được, Bạc Liêu đang phấn đấu nâng cao chỉ số PCI và đẩy mạnh công tác thu hút, mời gọi đầu tư. Xung quanh vấn đề này, ông Ngô Quang Lắm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh cho biết.
Từ năm 2012 đến nay, chỉ số PCI của Bạc Liêu liên tục nằm trong tốp khá. Có thể nói, chỉ số PCI của tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, địa phương đã kịp thời đề xuất các chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là sự hài lòng, lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với sự lãnh đạo điều hành của tỉnh. PV: Về hạ tầng kinh tế, đến nay Bạc Liêu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bạc Liêu tiếp tục thu hút được nhiều dự án động lực. Vậy, theo ông, đâu là bài học kinh nghiệm được rút ra?
Ông Ngô Quang Lắm: Mục tiêu phấn đấu của tỉnh là tiếp tục nỗ lực và quyết tâm cao hơn để duy trì và tạo dựng môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn. Theo đó, Bạc Liêu luôn cầu thị, chân thành, ân cần, đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bạc Liêu. Đồng thời luôn xem trọng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bạc Liêu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân cũng như sự hợp tác đầy trách nhiệm giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bạc Liêu phấn đấu hoàn thiện môi trường kinh doanh; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của tất cả các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính (nhất là đối với các cơ quan quản lý đầu tư, thuế vụ, kiểm định chất lượng, bảo vệ môi trường), hướng tới xây dựng một chính quyền điện tử vì nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch trong thể chế chính sách và các thủ tục hành chính liên quan. Hỗ trợ thông tin và truyền thông cho doanh nghiệp để góp phần minh bạch hóa và nâng cao uy tín, sự chính xác trong hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận tình, không ngại khó khăn, thực hiện tốt quy tắc ứng xử khi tiếp xúc với doanh nghiệp, tạo sự an tâm, gần gũi, thể hiện sự năng động, nhiệt tình trong việc giao tiếp với doanh nghiệp. Hướng dẫn xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, sản xuất - kinh doanh nhanh chóng, chính xác, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư với phương châm "luôn đồng hành cùng doanh nghiệp", "việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó các cơ quan Nhà nước phải làm".
PV: Thưa ông, Bạc Liêu sẽ tập trung vào giải pháp nào để đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút, kêu gọi đầu tư?
Ông Ngô Quang Lắm: Để tiếp tục nâng cao chỉ số PCI và đẩy mạnh công tác thu hút, mời gọi đầu tư, Bạc Liêu sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:
Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với yêu cầu phát triển mới và làm cơ sở xây dựng các dự án đầu tư phát triển. Vận dụng triển khai một số cơ chế, sửa đổi, ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ ưu đãi đầu tư phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế của địa phương để khai thác tiềm năng và huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất, ưu đãi nhất để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, phải thường xuyên trau dồi, nâng cao phẩm chất đạo đức, nhiệt tình, vui vẻ, hòa nhã trong ứng xử. Lãnh đạo đơn vị phải thường xuyên theo dõi, uốn nắn, kiểm điểm, phê bình kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức có thái độ hạch sách, nhũng nhiễu doanh nghiệp, để doanh nghiệp có sự nhìn nhận, mức độ hài lòng, đồng thuận, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Ngành Ngân hàng cần đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và không trái quy định của pháp luật. Việc làm này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính. Ngành Thuế có chính sách miễn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn để doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh công tác giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, danh mục dự án đầu tư... thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư trong khu vực và cả nước... Từ đó, quảng bá, mời gọi các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư, doanh nghiệp hướng về đầu tư tại Bạc Liêu.
Vấn đề quan trọng nhất là lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chức năng, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm và tham gia trực tiếp vào công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư. Qua đó thể hiện sự ân cần, trọng thị, gần gũi, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, khẳng định lòng tin đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp, từ đó các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ có quyết tâm cao hơn trong việc thực hiện thành công các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Lâm Hỷ (thực hiện)
Báo Bạc Liêu ngày 04/05/2015