The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bắc Ninh: Cải thiện môi trường đầu tư, nhìn từ các chỉ số PCI

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Mỹ (US-Aid) công bố mới đây cho thấy, Bắc Ninh xếp hạng 17 so với các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy vậy, nếu đánh giá từng chỉ số thì Bắc Ninh đã có sự thay đổi rất đáng mừng, trở lại nhóm tỉnh xếp hạng Tốt, đạt 60,35 điểm (tăng 0,44 điểm so với năm 2015).

Nếu như năm 2015 có 4/10 chỉ số thành phần tăng điểm thì năm 2016 có 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường (tăng 0,19 điểm), Tiếp cận đất đai (tăng 0,19 điểm), Chi phí thời gian (tăng 0,13 điểm), Chi phí không chính thức (tăng 0,88 điểm), Tính năng động (tăng 0,25 điểm), Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,29 điểm), Đào tạo lao động (tăng 0,35 điểm) và chỉ số Cạnh tranh bình đẳng (tăng 1,27 điểm). Hơn nữa, đây đều là những chỉ số quan trọng trong hệ thống tính điểm PCI.

Với những nỗ lực đáng kể của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành trong tỉnh, 2 chỉ số: Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng có mức cải thiện đáng kể khi tăng 18 bậc trong năm 2016. Bên cạnh đó, chỉ số Tính năng động có mức cải thiện chưa cao nên dù tăng điểm nhưng thứ hạng tụt 2 bậc từ thứ hạng 16 (năm 2015) xuống thứ 18 (năm 2016). Ngoài ra, theo kết quả phản hồi từ 10.037 doanh nghiệp (trong đó có 2.042 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015 và 2016), Bắc Ninh đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Việt Nam trong tương lai (đứng đầu là TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội). Trong đó lý do doanh nghiệp chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư kinh doanh vì đánh giá cơ sở hạ tầng tốt (41,8%) và Chất lượng điều hành tốt (26,9%).

Để có được kết quả này, ngay từ những tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp tập trung thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, chịu trách nhiệm cải thiện các chỉ số thành phần liên quan đến quản lý nhà nước của đơn vị mình. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương nhìn nhận lại những điểm còn hạn chế trong công tác điều hành, cải thiện môi trường kinh doanh, khắc phục và cải thiện những chỉ số thành phần còn thấp và giảm điểm, từ đó có những cách thức, giải pháp cải thiện những điểm yếu và tăng cường những điểm mạnh nhằm cải thiện và duy trì các chỉ số ở mức cao, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, tạo được lòng tin đối với doanh nghiệp, cải thiện thứ bậc, đưa tỉnh Bắc Ninh trở lại nhóm có chỉ số PCI tốt trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc năm 2016.

Từ các chỉ số trên cho thấy, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện PCI. Mặc dù thứ hạng không cao nhưng Bắc Ninh đã nỗ lực trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức… Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn hợp tác lâu dài với địa phương.

Bằng chứng rõ nét nhất chính là Bắc Ninh vẫn là nơi mà dòng vốn FDI đổ về thuộc tốp đầu của cả nước trong gần 3 tháng đầu năm. Trong đó, nổi bật là việc Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam đầu tư thêm 2,5 tỷ USD vào KCN Yên Phong; Công ty TNHH Hanwha Techwin Security Việt Nam đầu tư 100 triệu USD vào KCN Quế Võ…

Kết quả đạt được khá khả quan song thực tiễn vẫn còn không ít việc cần làm để tiếp tục cải thiện và nâng cao môi trường đầu tư của tỉnh. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là cần tập trung nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức trong hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, cải thiện tính minh bạch và thiết chế pháp lý nhằm thực hiện mục tiêu: “Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh, sự phát triển của nhà đầu tư là sự phát triển của Bắc Ninh”.

Yến Ngọc

VFpress