The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bắc Ninh: Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, cần những quyết sách mới

Năm 2013, Bắc Ninh vẫn nằm trong nhóm tỉnh có chỉ số PCI tốt, nhưng bị giảm điểm và thứ hạng. UBND tỉnh tổ chức Hội thảo chẩn đoán và ban hành Chỉ thị về các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ đạo các ngành, các cấp nâng cao nhận thức và gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh. Giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp,đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án mới cấp phép đi vào hoạt động. Hỗ trợ kinh phí đào tạo cho hiệp hội doanh nghiệp. Nâng cao tính minh bạch và tạo thông điệp nhất quán trong việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch vùng, hạ tầng và đô thị. Phát huy lợi thế cạnh tranh của tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn phát triển mới; quảng bá hình ảnh phát triển của tỉnh trong cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Những quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh luôn luôn được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Chỉ số PCI năm 2014, tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 10, tăng 2 bậc so với năm 2013. Với kết quả này, tỉnh Bắc Ninh được nằm trong nhóm 8 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong suốt 10 năm qua, kể từ năm 2006 khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố chỉ số PCI. Năm 2015, được bắt đầu với những quyết tâm mới về cải cách của Chính phủ, thực thi các Luật theo tinh thần đổi mới, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp,...Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Nghị quyết mới của Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn cho 2 năm 2015-2016: năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt và vượt mức trung bình của 6 nước tốt nhất ASEAN (ASEAN-6); năm 2016 phải đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế. Từ ASEAN-6 sang ASEAN-4 là một bước tiến vượt bậc. Bối cảnh cải cách đặt ra tình huống rất đặc biệt cho năm 2015 ở cấp địa phương là: Nếu tận dụng cơ hội, đề ra cam kết và thực hành cải cách theo các yêu cầu mới thì chỉ số PCI sẽ có cơ hội tăng điểm nhiều, ngược lại, nếu chậm trễ thì chỉ số PCI xuống hạng rất sâu vì cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào một làn sóng cải cách mới. Với những thuận lợi căn bản đang trên đà nâng điểm chỉ số PCI, tỉnh Bắc Ninh cần những quyết sách mới thay thế những kinh nghiệm một thời đã đem lại những kết quả nhất định. Một là, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, trước mắt cần rà soát và ban hành kịp thời các văn bản về trình tự, thủ tục đầu tư, hợp tác công tư, lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường,... Hai là, sử dụng phương pháp quốc tế đã nêu trong Nghị quyết 19 mới của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh để cải cách, ví dụ số giờ nộp thuế, thông quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng, gia nhập thị trường và rút khỏi thị trường,... Ba là, tạo cơ hội để doanh nghiệp, hiệp hội tham gia vào đề xuất và giám sát việc thực hiện, tiến độ, chất lượng cải cách do các Sở, ban, ngành cam kết. Bốn là, hỗ trợ thúc đẩy nâng cao năng lực quản trị chiến lược và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp; phát triển thị trường công nghệ. Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh với tư cách là tổ chức khoa học sẽ kiểm định độc lập những biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp hình thành "Văn phòng bác sĩ doanh nghiệp"; kết nối và hỗ trợ đổi mới sáng tạo... chắc chắn sẽ đem lại những sáng kiến mới phong phú và tạo không khí mới trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

TS. Nguyễn Phương Bắc (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội)

Theo Báo Bắc Ninh ngày 06/05/2015