Bắc Ninh : Tháo gỡ khó khăn về đất đai cho doanh nghiệp
Thuận lợi tiếp cận mặt bằng và duy trì được sự ổn định trong quá trình sử dụng là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) có thể nhanh chóng đi vào sản xuất, nắm bắt tốt cơ hội của thị trường và tạo đà phát triển. Tuy nhiên, thực tế là các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nhất là liên quan đến các thủ tục cấp và chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng,... Tháo gỡ được các khó khăn này sẽ giúp DN có được môi trường hoạt động thuận lợi hơn, từ đó tích tụ nguồn lực để phát triển lớn mạnh
Tiếp cận đất khó dần
Do nhu cầu cấp bách, bảy DN tại Cụm công nghiệp Phú Lâm (Xã Phú Lâm, Huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) lên kế hoạch hợp tác thành lập một công ty chuyên xử lý nước thải cho cả cụm công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ riêng thủ tục để chuyển đất từ Ban quản lý Cụm công nghiệp huyện sang cho DN cũng kéo dài hơn một năm vẫn chưa hoàn thành, mặc dù DN từ lâu đã hoàn tất công tác đền bù cũng như mọi loại thủ tục liên quan. Ông Nguyễn Nhân Phượng, giám đốc của một trong bảy DN nói trên, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Môi trường là vấn đề đang rất bức xúc đối với các khu công nghiệp tại Bắc Ninh. Vậy mà ngay cả khi DN tự đứng ra đầu tư giải pháp để giải quyết vấn đề này cũng gặp nhiều rào cản như vậy thì thủ tục trong các lĩnh vực sản xuất khác còn khó khăn đến dường nào.
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Hải Phòng). Ảnh | Song Toàn
Không chỉ tại Phú Lâm, tiếp cận và sử dụng đất đai cũng đang là khó khăn chung đối với cộng đồng DN Việt Nam. Phản ánh của nhiều DN cho thấy, để xin cấp đất mở nhà xưởng, DN phải mất thời gian nhiều tháng, với hàng loạt thủ tục, cộng thêm vô vàn chi phí phát sinh. Việc này đã góp phần làm tăng chi phí của DN ngay từ ban đầu và làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của DN. Theo kết quả khảo sát tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, chỉ số Tiếp cận đất đai bắt đầu giảm sau khi liên tục tăng trong suốt giai đoạn 2008-2013.
Đặc biệt, trong năm 2016, tình hình sử dụng đất theo đánh giá của DN trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Các DN tham gia điều tra trong đợt vừa qua cho rằng, rủi ro bị thu hồi đất của họ ở mức cao kỷ lục (1,73 điểm). Trong khi đó, kết quả PCI trong suốt 11 năm trước đó, chưa từng ghi nhận chỉ tiêu này ở mức thấp hơn hai điểm. Thậm chí, trong trường hợp xấu nhất nếu mặt bằng sản xuất bị thu hồi, chỉ 25% doanh nghiệp tin tưởng sẽ được đền bù thỏa đáng, giảm mạnh so với các năm trước (30-40%). Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết:
Ngay cả tại những địa phương đứng đầu cả nước về PCI như Đà Nẵng thì DN cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai. Cũng theo ông Tuấn, dữ liệu quan sát theo chuỗi thời gian cũng cho thấy, các nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về đất đai cho DN đang có xu hướng chững lại. Trên thang năm điểm với 1 là không thể tiếp cận và đến 5 là dễ dàng tiếp cận, điểm tiếp cận các loại tài liệu như kế hoạch sử dụng đất, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng,... của các DN ở tỉnh trung vị năm nay là 2,39 điểm. Điểm số này dù đã được cải thiện so với mức đáy của năm 2014 (2,25 điểm), song vẫn thấp hơn mốc 2,63 điểm năm 2006.
Giải pháp hữu hiệu
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng: Để tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận đất đai, ngoài tăng cường cải cách thủ tục hành chính thì minh bạch hóa thông tin cũng là giải pháp hết sức quan trọng. Phản ánh của nhiều DN cho thấy, họ rất khó tiếp cận các thông tin cụ thể liên quan đến quy hoạch đất đai để biết đâu là khu vực dành cho nông nghiệp, nơi nào sẽ dành cho sản xuất công nghiệp,... Vì vậy, không ít DN dù đã “chạy” được giấy phép xây nhà xưởng, nhưng chỉ tiến hành sản xuất được một thời gian lại bị thu hồi mặt bằng khi quy hoạch được siết chặt.
Bên cạnh đó, có một thực tế là tại một số địa phương, mặc dù có đến vài khu công nghiệp rộng hàng trăm héc-ta bị bỏ hoang, nhưng nhiều DN tại các địa phương đó vẫn vô cùng khó khăn trong việc tìm mặt bằng sản xuất. Nguyên nhân là do dưới sức ép của chi phí xây dựng và quản lý, không chủ đầu tư khu công nghiệp nào lại chấp nhận chia lô vài trăm mét vuông mà hầu hết phải từ vài héc-ta trở lên, đồng thời còn áp phí sử dụng ngoài tầm với của đại đa số các DN nhỏ. Còn trong trường hợp DN tìm đất bên ngoài sẽ lại phải đối mặt với vướng mắc trong thủ tục giải phóng mặt bằng. Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Theo Luật Đất đai năm 2013, nhà đầu tư các dự án phát triển kinh tế sẽ phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất về giá chuyển nhượng. Với các dự án nhỏ chỉ phải đàm phán với vài hộ người dân đã khó.
Còn các dự án lớn cần vài chục héc-ta đất, phải thỏa thuận giá cả đền bù với hàng chục, hàng trăm hộ dân thì hầu như là nhiệm vụ “bất khả thi”. Do đó, không ít trường hợp DN đã phải bỏ dự án vì không thỏa thuận được với người dân để có mặt bằng cho đầu tư sản xuất. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nhân Phượng chia sẻ: Cơ hội thị trường đến cũng nhanh và đi cũng rất nhanh. Trong khi đó, để một DN làm xong các thủ tục thuê đất, thỏa thuận với từng hộ dân về đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng nhà xưởng,... có khi phải mất đến hàng năm và khi đó, cơ hội thị trường đã hoàn toàn qua mất. “Vì vậy, các địa phương có thể hỗ trợ bằng cách quy hoạch các khu dành riêng cho DN sản xuất, ứng trước luôn tiền đền bù, nhưng vẫn để người dân cày cấy nếu là đất nông nghiệp. Đến khi DN có nhu cầu sẽ thuê lại mới tiến hành san lấp mặt bằng và như thế vừa không lo lãng phí tài nguyên đất đai, lại đơn giản và thuận tiện hơn cho các DN”, ông Phượng kiến nghị.
Không ít DN dù đã “chạy” được giấy phép xây nhà xưởng, nhưng chỉ tiến hành sản xuất được một thời gian lại bị thu hồi mặt bằng khi quy hoạch được siết chặt. |
Thái Linh