The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bài 1: Quảng Ninh-DDCI - Chìa khoá thăng hạng PCI

Đi đầu trong toàn quốc áp dụng sáng kiến xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (gọi tắt là DDCI) năm 2015, Quảng Ninh đã góp phần nâng cao chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương, tạo sự cạnh tranh, thi đua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tạo kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để các tổ chức, doanh nghiệp góp ý kiến. Để nâng cao chất lượng điều hành của toàn thể hệ thống chính trị, năm 2016, UBND tỉnh đã quyết định triển khai trên toàn thể 14 địa phương, 15/29 sở, ngành.

Sở, ngành vào cuộc quyết liệt

Năm 2015 Quảng Ninh tiếp tục bứt phá và vươn lên giành vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc. Để PCI tiếp tục đi vào thực chất, cải thiện và nâng cao chất lượng các chỉ số, từ đầu năm 2016, tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, bám sát Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 làm kim chỉ nam để hành động.

Khi DCCI được triển khai, các sở, ngành, địa phương đã ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm phải nâng cao chất lượng điều hành. Mỗi địa phương, sở, ngành đều có cách làm riêng, thể hiện sự sáng tạo, quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của chính đơn vị, địa phương mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đơn cử như Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị quản lý nhiều lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, khoáng sản, có sự ảnh hưởng, tác động lớn, nhất là đối với doanh nghiệp. Chính vì vậy, Sở này đã rà soát và công bố các thủ tục hành chính (TTHC) đặc biệt thuộc lĩnh vực đất đai; hoàn thành các quy trình giải quyết 32 TTHC lĩnh vực đất đai ở cấp độ 3; kịp thời xây dựng giá thuê đất, giá đất GPMB, giá đất phục vụ đấu giá đất cho các dự án đầu tư. Sở đã tháo gỡ trên 70 nội dung vướng mắc của 35 doanh nghiệp ngành Than; tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ giải quyết nhiều vấn đề, nổi bật là thực hiện rà soát chuẩn hoá cắt giảm thời gian doanh nghiệp chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (với thời gian giải quyết là 14 ngày - tương đương cắt giảm 30% thời gian so với quy định của luật, đảm bảo đúng yêu cầu).

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đất đai tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đất đai tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành cắt giảm và rút ngắn thời gian thực hiện 25 thủ tục đăng ký hoạt động của doanh nghiệp xuống còn 2 ngày làm việc, ít hơn 1 ngày so với quy định của Luật Doanh nghiệp, đạt 100% các thủ tục liên quan đến ra nhập thị trường; trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tư vấn khởi nghiệp và tư vấn xây dựng, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp những việc đã và đang triển khai để nâng cao chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) tỉnh tổ chức nhiều khoá đào tạo tập huấn về PCI, DDCI đến các sở, ngành, địa phương nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu PCI, DDCI.

Theo lãnh đạo của Cục Hải quan tỉnh, năm 2016 Cục đã tiếp tục triển khai giải pháp giảm mạnh thời gian thông quan hàng hoá xuất, nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-4, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP. Cụ thể: Thời gian thông quan hàng hoá qua biên giới đối với hàng xuất khẩu là 24 giờ 22 phút; đối với hàng nhập khẩu là 32 giờ 15 phút. Đặc biệt, kiểm tra, giám sát đối với việc phát sinh những “chi phí lót tay” và báo cáo UBND tỉnh.

Được coi là chìa khoá mở cửa thu hút đầu tư, ông Tô Xuân Thao, Giám đốc Trung tâm Hành chính công (HCC) tỉnh cho biết, Trung tâm đã triển khai các sáng kiến “chăm sóc doanh nghiệp”, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp qua tổng đài của Trung tâm, thực hiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và tra kết quả bằng chữ ký số của 15 trung tâm HCC được công khai phạm vi toàn tỉnh trên website: dichvucong.quangninh.gov.vn. Tính đến tháng 9-2016, tổng đài đã hướng dẫn, giải đáp được 12.274 cuộc gọi từ tổ chức, công dân; có 990 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được nộp qua mạng; hơn 2.000 kết quả có chữ ký số được đăng tải lên web hanhchinhcongquangninh.gov.vn. Đến 31-10, tổng số TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm HCC tỉnh là 970 TTHC, đạt tỷ lệ 92,5%. Các sở, ban, ngành đã hoàn thiện xây dựng quy trình giải quyết TTHC, thực hiện niêm yết công khai theo quy định; chủ động, tích cực rà soát cắt giảm từ 40-50% thời gian giải quyết TTHC so với quy định. Các trung tâm HCC cấp huyện đã đưa tổng số 93% TTHC vào giải quyết tại trung tâm.

Địa phương nỗ lực, sáng tạo

Năm 2015, Quảng Yên xếp hạng thứ 3/6 địa phương về chỉ số DDCI. Để thăng hạng DDCI, ngay từ năm 2016, địa phương này đã rất chủ động, tích cực và sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Cụ thể như thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, thị xã đã tổ chức tiếp xúc đối thoại hoặc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp theo chuyên đề; kết hợp giữa tiếp công dân định kỳ với giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp vào ngày 1 và ngày 15 hàng tháng; công khai quá trình, thủ tục, kết quả xử lý các kiến nghị, khiếu nại, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư gửi đến UBND thị xã trên cổng thông tin điện tử thị xã. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường... vừa qua, thị xã đã cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Singapore và Malaysia, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của thị xã và mời các doanh nghiệp nước bạn liên kết với doanh nghiệp của thị xã đầu tư trên địa bàn.

Là thành phố thủ phủ của tỉnh, năm 2015 Hạ Long đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên kết quả xếp hạng DDCI chưa như mong muốn (đứng thứ 5/6 địa phương). Với quyết tâm bứt phá trong năm 2016, thành phố đã đặt mục tiêu giành vị trí 3/14 địa phương của tỉnh về chỉ số DDCI. Vấn đề “nóng” còn nhiều vướng mắc của thành phố là công tác GPMB, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Vì thế, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo giải quyết công tác này. Thành phố đầu tư kết cấu hạ tầng, GPMB, thu hút đầu tư. Đặc biệt, tổ chức hơn trăm cuộc họp phổ biến về cơ chế chính sách bồi thường cho hơn 1.000 hộ dân thuộc diện GPMB các dự án trên địa bàn thành phố; tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân có đất thu hồi để đưa ra các phương án bồi thường hợp lý, tạo sự đồng thuận của nhân dân nhanh nhất. Qua đó, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB để giao đất cho nhiều dự án... Không chỉ Quảng Yên, Hạ Long mà các địa phương như TP Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả, huyện Hải Hà, TX Đông Triều... cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp sáng tạo.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ chỉ số DDCI năm nay bổ sung một tiêu chí mới, đó là đưa vào đánh giá trách nhiệm, xếp hạng của người đứng đầu từng địa phương và các sở, ngành. Vì thế, việc triển khai bộ chỉ số của các địa phương, sở, ngành được thực hiện rất quyết liệt. Đây là bước đột phá, mạnh dạn và quyết liệt của tỉnh trong triển khai DDCI năm 2016. Đặc biệt, tỉnh cũng thành lập Tổ giúp việc triển khai kế hoạch khảo sát, điều tra đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương đặt tại IPA tỉnh gồm 3 thành phần: Đơn vị tư vấn, IPA và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm đảm bảo tính khách quan. Trong các cuộc họp giao ban thường kỳ, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; mở chuyên mục hỏi đáp về DDCI trên các phương tiện truyền thông đại chúng của tỉnh; tăng cường các kênh thông tin kết nối doanh nghiệp với các sở, ngành, địa phương; công khai đường dây nóng...

Thực tế đã chứng minh việc đưa ra những quyết sách, mô hình hiệu quả trong xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp... từ cấp sở, ngành, địa phương đã giúp tỉnh xây dựng được một môi trường kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp. Nhờ đó, năm 2015 (cũng là năm thí điểm Bộ chỉ số DDCI) tỉnh đã vươn lên giành vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc. Qua đó, đã giúp Quảng Ninh thu hút được nhiều dự án đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay (đến tháng 9 có 1.247 doanh nghiệp), số doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian ngừng sản xuất gần 361; trên 60% số doanh nghiệp kinh doanh có lãi...

Như vậy, có thể thấy, tư duy, nhận thức điều hành, năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương đã có sự đổi mới, hứa hẹn sự đột phá, phát triển của tỉnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo cũng như giữ vững vị trí trong top 5 tỉnh, thành dẫn đầu toàn quốc về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thanh Hằng - Thu Trang

Báo Quảng Ninh