Bài 2: Quảng Nnh-Nỗ lực cải thiện chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
Theo kết quả công bố PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2015, chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của tỉnh là 5.92 điểm (xếp hạng 16/63 tỉnh, thành phố), giảm 0.8 điểm và giảm 13 bậc trong bảng xếp hạng PCI 2015 toàn quốc. Chính vì thế, năm 2016, tỉnh đã và đang nỗ lực, quyết tâm cải thiện chỉ số này.
Chỉ số thành phần “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” là một trong những công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động để phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: Xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu, cụm công nghiệp tại địa phương, dịch vụ giới thiệu việc làm... Những dịch vụ này nếu được cung cấp rộng rãi và có chất lượng tốt sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Theo kết quả chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của VCCI cho thấy chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Ninh có 17/24 chỉ số con bị giảm điểm, trong đó có 6 chỉ số con bị giảm điểm rất nhiều bậc từ vị trí rất tốt, hoặc tốt xuống vị trí gần cuối bảng đó là chỉ số doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật giảm; doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ xúc tiến thương mại, dịch vụ đào tạo về kế toán và tài chính, quản trị kinh doanh, dịch vụ liên quan đến công nghệ cũng giảm. Điều này cho thấy, chưa có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa được thụ hưởng các dịch vụ, chính sách hỗ trợ, cũng như chưa biết đến các dịch vụ.
Theo đánh giá của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, nguyên nhân là do một số sở, ngành, địa phương còn chưa tích cực, chủ động trong công tác phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp. Còn rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ chưa tiếp cận được thông tin về các kênh hỗ trợ doanh nghiệp chính thức từ cơ quan nhà nước. Phần lớn các cơ quan của tỉnh chưa được các doanh nghiệp đánh giá cao trong hỗ trợ thiết chế pháp lý. Về phía các cơ quan chủ trì chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp còn lúng túng, chưa nắm được cụ thể số lượng doanh nghiệp tư nhân cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, do đó chưa có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này. Hầu hết những nhà quản lý, doanh nghiệp đều thiếu thông tin đầy đủ và chính xác về những dịch vụ đang có trên thị trường. Ngoài ra, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn ngại cung cấp thông tin cho các tư vấn độc lập. Các doanh nghiệp thì thiếu nguồn lực để thu thập được những thông tin về các dịch vụ kinh doanh đang có trên thị trường và trả phí cho các dịch vụ được cung cấp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có thu nhập và tích luỹ thấp nên không có khả năng mua những dịch vụ này theo giá thị trường.
Luật sư Đặng Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Thành, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Quảng Ninh cho biết, so với hơn 12.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hỗ trợ tư vấn pháp lý rất thấp; 70% doanh nghiệp khi xảy ra hậu quả rồi mới đến tìm luật sư. Sự gắn kết giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp còn hạn chế, nên chưa giới thiệu thông tin về các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ đến cộng đồng doanh nghiệp... Từ những hạn chế đó, năm 2016, tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng.
QUYẾT TÂM KHẮC PHỤC ĐIỂM YẾU
Với quyết tâm cải thiện và nâng cao chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2016, tỉnh đã xác định rõ đối tượng thụ hưởng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để cụ thể hoá sự hỗ trợ, tỉnh đã giao cho các ngành xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp. Theo bà Huỳnh Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, năm 2016, Sở Tư pháp đã thực hiện hàng loạt các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cần thiết doanh nghiệp, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ tư vấn pháp luật và cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, thành lập chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cổng thông tin thành phần của Sở; thực hiện việc cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, đồng thời, giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ pháp lý có thể quảng bá thương hiệu... Trung tâm Hành chính công tỉnh còn bố trí quầy luật sư hỗ trợ tổ chức, cá nhân về tư vấn luật. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về pháp lý, vừa tạo đều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý được tiếp cận doanh nghiệp.
Để giải quyết tình trạng các cơ quan chủ trì chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp chưa nắm được cụ thể số lượng doanh nghiệp tư nhân để có các giải pháp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này, năm 2016 tỉnh đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh chủ trì, rà soát danh mục doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy khối doanh nghiệp này phát triển; gửi phiếu khảo sát nhu cầu hỗ trợ đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Đặc biệt, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát 56 cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Chính sách hỗ trợ kích cầu đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong sản xuất, quản trị; hỗ trợ đào tạo các giám đốc điều hành doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho cụm công nghiệp, xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp, hỗ trợ tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, thị trường... Bên cạnh đó, trong chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, tỉnh đã nghiên cứu thành lập mô hình vườn ươm doanh nghiệp, thành lập quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp, tổ tư vấn khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, triển khai ý tưởng kinh doanh, hỗ trợ thông tin về thị trường...
Những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh cùng các sở, ngành, doanh nghiệp đã góp phần cải thiện chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được tiếp cận nhiều hơn với các cơ chế chính sách, dịch vụ, tạo lòng tin cho doanh nghiệp. Số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cao so với năm trước. Các doanh nghiệp đã tiếp cận được thị trường, phát triển kinh doanh hiệu quả. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm tăng cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh, để các doanh nghiệp sớm được thụ hưởng các ưu đãi như trên thì tỉnh cần sớm phê duyệt, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm tạo được động lực thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò, phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền các chính sách pháp luật, là cầu nối giữa tỉnh với các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp với nhau, khai thác hiệu quả trang thông tin điện tử của Hội. Bản thân Hiệp hội nên sử dụng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tuyên truyền, giới thiệu các doanh nghiệp để sử dụng dịch vụ.
THANH HẰNG - THU TRANG