The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bài học thành công: TP Hà Nội - Ông lớn đang chuyển mình

“Nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ Chủ tịch thành phố, Giám đốc và lãnh đạo các sở ban ngành lại tổ chức gặp gỡ, đối thoại đến 8 buổi liên tục trong vài tháng với các doanh nghiệp, chưa kể hàng trăm cuộc tiếp xúc trực tiếp hàng ngày, xoay quanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo dựng môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn.”, đây là phát biểu của ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong cuộc họp với VCCI chiều ngày 03 tháng 10 vừa qua. Cuộc họp muộn, kéo dài suốt 3 tiếng chiều tối, với sự góp mặt của lãnh đạo cao nhất thành phố cùng 6 sở, ngành chứng tỏ 1 sự quyết tâm, cam kết và tinh thần cầu thị lớn của TP Hà Nội.
TP Hà Nội - thủ đô của Việt Nam, một trong những đầu tàu kinh tế lớn và quan trọng nhất của cả nước, luôn là mảnh đất hấp dẫn đầu tư. Vì vậy kiến tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, cơ chế đầu tư minh bạch hay thủ tục hành chính đơn giản là một nhiệm vụ không hề nhỏ của thành phố. Điều gì đã khiến cho lãnh đạo của TP Hà Nội lại có những hành động quyết liệt đến vậy?
Trở lại khoảng thời gian năm 2005 với sự ra đời của chỉ số PCI – chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID hợp tác xây dựng, nhằm đánh giá cảm nhận về môi trường kinh doanh của của các DN dân doanh và FDI ở 63 tỉnh, thành để đo lường và xếp hạng mức độ dễ dàng trong thực hiện đầu tư, xếp hạng của Hà Nội ở hầu hết các năm đều đứng ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Song gần như không có một dấu hiệu cho thấy thành phố muốn cải thiện chỉ số này. Tín hiệu le lói duy nhất là năm 2009 khi thành phố đưa ra Đề án “Cải thiện Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI”. Tuy nhiên, kế hoạch, hành động trong đề án vẫn chỉ nằm trên giấy. Lễ công bố PCI năm 2012 hồi tháng 3 vừa qua có lẽ là một cú sốc với giới lãnh đạo thành phố khi xếp hạng tụt sâu xuống mức kỷ lục – vị trí thứ 53, giảm 15 bậc so với năm 2011, chỉ ngang hàng với các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn như Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang,… Đáng lưu ý, chỉ số Tiếp cận đất đai của Hà Nội “đội sổ”, đứng 63/63 và Tính năng động của lãnh đạo đứng thứ 61/63. Thất vọng trước kết quả này, một số đại diện lãnh đạo ít ỏi của Hà Nội tham dự lễ công bố cũng đã lặng lẽ ra về.
Có lẽ, do bị chạm vào “lòng tự ái”, “ông lớn” của cả nước đã bắt đầu hành động. Sau lễ công bố PCI, liên tiếp các cuộc họp, từ gặp gỡ doanh nghiệp đến những cuộc họp thường kỳ, từ lãnh đạo UBND cho đến các Sở, ban ngành liên quan đều coi PCI là một vấn đề cần quan tâm. Chỉ thị 13/CT–UBND ra đời vào tháng 6 đã chỉ rõ những yếu kém, còn tồn tại và kế hoạch cải thiện chi tiết hướng đến đơn giản hóa TTHC, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ thị trường... Đến tháng 7, Chỉ thị được công bố một cách rộng rãi thông qua một cuộc họp báo lớn biểu lộ quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo TP, nhằm quán triệt đến tất cả các sở, ngành, UBND các quận huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Một động thái rõ ràng nữa là tháng 9 vừa qua, Sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội đã có văn bản số 6684/UBND-TNMT thông báo định kỳ 6 tháng sẽ công bố danh mục các dự án có sử dụng đất. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì đất đai luôn là yếu điểm của Hà Nội trong PCI, thành phố thường luôn đứng cuối bảng xếp hạng ở chỉ số này. Gần đây nhất là cuộc gặp với VCCI chiều 03/10, làm sâu sắc thêm những cam kết cải thiện năng lực cạnh tranh của TP. Thậm chí, lãnh đạo thành phố còn ra quyết định họp định kỳ hàng tháng về PCI để theo dõi sát sao hơn tình hình cải thiện môi trường kinh doanh để có những điều chỉnh phù hợp.
Với những nỗ lực như vậy, dù kết quả PCI 2013 chưa được công bố nhưng quyết tâm của Hà Nội cũng đã phần nào cho thấy những tín hiệu khởi sắc đang diễn ra. Cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội có thể hi vọng rằng tâm tư, nguyện vọng của mình qua PCI có thể vươn xa hơn, đến được cấp trung ương, để môi trường kinh doanh và đầu tư của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ngày một thuận lợi hơn.