The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bài học xắn tay đồng hành cùng doanh nghiệp

Điện gió Bạc Liêu, Đồng Tháp dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... là những điểm sáng hiếm hoi trong cải cách hành chính và thu hút đầu tư ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Và bài học được nhắc đi nhắc lại nhiều trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL năm 2013 ngày 25.11 (hoạt động trong khuôn khổ MDEC Vĩnh Long 2013) về sự thành công trên là lãnh đạo các tỉnh “xắn tay” đồng hành cùng doanh nghiệp; xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh...
Đi trước, về sau
Theo Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà, ĐBSCL là khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sớm nhất cả nước, nhưng cho đến nay số dự án FDI đầu tư vào đây chỉ cao hơn Tây Nguyên và vùng trung du phía bắc. Với nhiều thế mạnh và tiềm năng trong phát triển kinh tế, thời gian qua, kinh tế đồng bằng có những chuyển biến tích cực, như: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hiệu quả sản xuất được nâng cao; môi trường đầu tư được cải thiện; từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, thủy sản, trái cây)... Tuy nhiên, ĐBSCL còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.
Hạ tầng giao thông vẫn là vấn đề lớn của đồng bằng. Dù đã có một số cây cầu lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, nhưng nhìn chung, hầu hết các cây cầu trong vùng đều được xây dựng từ lâu, không chịu được tải trọng trên 30 tấn.
Hiện 70% hàng hóa ra, vào vùng vận chuyển bằng đường thủy, nhưng hệ thống cảng nước sâu chưa hoàn thiện nên tàu có tải trọng từ 20.000 tấn trở lên không vào được, hàng hóa phải chuyển về TPHCM, làm tăng chí phí, giảm chất lượng hàng hóa. Chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Hiện nguồn nhân lực tại chỗ chủ yếu là lao động giản đơn, còn ít lao động được đào tạo. Trong khi đó, nguồn nhân lực có trình độ ở đây lại bị hút về TPHCM và miền Đông Nam Bộ, nơi kinh tế phát triển sôi động hơn.
Thực trạng đó đã làm cho thu hút đầu tư vào ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Trong 10 tháng đầu năm 2013, toàn vùng thu hút được 100 dự án với tổng số vốn khoảng 550 triệu USD, chỉ chiếm 3% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước.
Để lan tỏa những điểm sáng
Tỉnh Đồng Tháp từng được xem là “khuất nẻo” bởi vị trí địa lý bất lợi, giao thông khó khăn. Nhưng bằng những nỗ lực không mệt mỏi, Đồng Tháp đã dần cải thiện môi trường đầu tư, để đến năm 2012, vươn lên dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho rằng, quan điểm “đồng hành cùng nhà đầu tư, xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh” được thực thi một cách thực chất đã mang lại hiệu quả. Tỉnh Đồng Tháp đi đầu thực hiện mô hình một cửa cấp phép đầu tư.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu là dự án năng lượng gió đầu tiên được triển khai trên thềm lục địa nước ta, vì vậy khi triển khai gặp vô vàn khó khăn. Theo lãnh đạo Cty TNHH thương mại du lịch Công Lý - chủ đầu tư dự án - chính sự “xắn tay” vào cuộc của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các ngành trong tỉnh đã giúp dự án thành hiện thực và sớm phát huy hiệu quả.
Chính chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp tham gia vào “Tổ điện gió” để thúc đẩy thực hiện dự án. Những điểm sáng về thu hút đầu tư vào ĐBSCL chưa nhiều, cần được nhân rộng, lan tỏa. Nhiều ý kiến đã chỉ ra cách thức để ĐBSCL thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Giám đốc điều hành JETRO TPHCM (Cơ quan xúc tiến ngoại thương Nhật Bản tại TPHCM) cho biết, đối với các DN Nhật Bản, việc áp dụng luật, thủ tục hành chính, sự vận dụng chính sách thiếu minh bạch, phí nhân công tăng cao đang là vấn đề cản trở đầu tư vào ĐBSCL. Cách thức, thủ tục thu thuế còn vô lý và phiền toái.
Lãnh đạo Cty De Heus (một DN có dự án lớn về thức ăn chăn nuôi ở Vĩnh Long) cho rằng, người nông dân ở ĐBSCL rất năng động, sáng tạo, nhưng họ thiếu vốn để có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong bài phát biểu kết luận hội nghị, cho biết, Chính phủ đã và đang quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng ĐBSCL.
Chính phủ sẽ cùng với các địa phương trong vùng rà soát, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, xử lý nợ xấu, hỗ trợ tín dụng cho phát triển nông nghiệp, phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật...; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách hướng đến chuẩn mực quốc tế. Bằng các biện pháp đồng bộ, tình hình đầu tư vào đây sẽ nhanh chóng được cải thiện, góp phần phát triển nhanh khu vực đầy tiềm năng ĐBSCL!
Theo ông Nguyễn Phong Quang - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ:
ĐBSCL đang có 138 dự án kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn khoảng 456.000 tỉ đồng. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực như: Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; chế biến thực phẩm; nâng cấp, xây mới cầu đường. Công nghiệp, du lịch là những lĩnh vực thu hút đầu tư kém hiệu quả nhất, trong khi nếu 2 lĩnh vực này phát triển sẽ góp phần giúp ĐBSCL tăng tốc trong thời gian tới. Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV: “Cần rà soát trọng tải của các cây cầu cũ toàn vùng, có phương án nâng cấp hay xây mới, đảm bảo lưu thông hàng hóa. Đẩy nhanh dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Mêkông với việc xây dựng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và các tuyến nối. Nâng cấp, mở rộng QL1A từ TPHCM đi Cà Mau... Về đường thủy, cần sớm xem xét dự án đào nạo vét kênh Quan Chánh Bố để đưa tàu có tải trọng 2.000 tấn vào cảng Sông Hậu, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu. Về hàng không, tiếp tục hoàn thiện sân bay Cần Thơ và Phú Quốc, mở thêm nhiều đường bay quốc tế đến khu vực ĐBSCL”. Ông Yasuzumi Hirotaka – Giám đốc điều hành JETRO TPHCM: “Lợi thế lớn nhất về đầu tư của ĐBSCL là lực lượng lao động dồi dào, chi phí sản xuất thấp, hạ tầng giao thông tiện lợi, chính trị ổn định. Các lĩnh vực đầu tư có triển vọng tại ĐBSCL là các ngành sử dụng nhiều lao động, tận dụng chiến lược TPP, các ngành tận dụng chi phí sản xuất thấp; các ngành gia công nông - thủy sản; lĩnh vực nước, môi trường, tiết kiệm năng lượng...”.