The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bài toán số học và phép giải ma trận

Theo Luật Đầu tư 2014 thì từ ngày 1/7 tới, các điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong Nghị định của Chính phủ thay vì được phép nằm rải rác cả trong các thông tư của các bộ, ngành như hiện nay.

Giảm, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong số khoảng gần 6.000 ĐKKD đang tồn tại tưởng chừng sẽ rất đơn giản với phép trừ số học. Nhưng thực tế lại không giản đơn bởi quyền lợi của các bộ, lợi ích nhóm, nhu cầu ôm đồm công việc hay đơn giản chỉ là sự vô tình, không hiểu việc kinh doanh của DN có thể khiến các quy định của Luật Đầu tư 2014 không được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh.

DN nộp thuế trăm tỷ/tháng, giờ nằm cầm cự chờ chết

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Công ty CPTM Kylin GX 668 Hải Phòng – DN chuyên cung cấp ô tô nhập khẩu nguyên chiếc của nhiều hãng xe ở các nước từng có lần chia sẻ, kinh doanh ô tô là một mối lương duyên của ông với ngành ô tô và càng làm càng đam mê. Nhưng đến nay, dường như mối lương duyên ấy đã cạn dù đam mê và nhiệt huyết thể hiện qua ánh mắt suy nghĩ và lời nói của ông vẫn tràn đầy.

Tất cả là vì Thông tư 20/2011-BCT, trong đó có quy định các DN nhập khẩu ô tô mới phải có Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật.

ĐKKD được đưa ra trong thông tư này đã ngay lập tức khiến Kylin GX 668 – với 9 showroom xe được đầu tư bài bản trải dài ở nhiều tỉnh thành nhanh chóng lâm vào bế tắc vì không được quyền nhập khẩu nữa. Theo ước tính của ông Hùng, tổng thiệt hại với DN này từ khi Thông tư 20 ra đời đã lên tới khoảng 6 triệu USD. Thiệt hại của Nhà nước cũng không hề nhỏ, bởi như ông Hùng cho biết, trước thời điểm Thông tư 20 thì DN này cứ đều đều nộp thuế cả trăm tỷ đồng/tháng.

“Bây giờ chúng tôi đang kinh doanh theo kiểu cầm cự, chờ đợi, hy vọng sẽ có những thay đổi, có thông tư nào đó mới hoặc loại bỏ Thông tư 20 này để DN có thể trở lại hoạt động kinh doanh bình thường vì DN đã trót đầu tư rất chuyên nghiệp rồi” – vị này cho biết. Tuy nhiên, điều ông Hùng mong mỏi là vô cùng khó khi nhiều khả năng thông tư này sẽ thậm chí còn được nâng cấp lên thành nghị định mà một khi đã thành nghị định thì để sửa đổi lại nó chắc cũng phải mất thêm 3-4 năm nữa – ông Hùng cho biết.

Kylin GX 668 chỉ là một trong rất nhiều các DN nhập khẩu ô tô khác gặp phải bức xúc trên khi Thông tư 20 xuất hiện và bất cập nói trên cũng chỉ là con số rất nhỏ trong những ĐKKD mà cộng đồng DN đang ngao ngán.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư, Chủ tịch Công ty luật BASICO thì ĐKKD đã trái luật suốt 16 năm qua và đáng buồn là sau 16 năm, số giấy phép con – tức ĐKKD do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt, với con số lên tới khoảng 4.000.

“Ngoài cuộc chiến tiếp diễn chống lại ĐKKD do các thông tư ban hành trái luật thì còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật và ngay cả luật trái luật” – Luật sư Đức cảnh báo.

Giải bài toán số học bằng phép toán ma trận

Thực tế, ĐKKD vẫn còn “chằng chịt” trong hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta. Hiện đang có khoảng 5.826 ĐKKD được áp dụng đối với 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Trong số này có hơn nửa số ĐKKD đang được quy định tại các văn bản không đúng thẩm quyền. Đặc biệt, sau khi Luật Đầu tư được ban hành, nhiều bộ, ngành vẫn tiếp tục ban hành các ĐKKD trái thẩm quyền (theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT trong phiên họp của Chính phủ tháng 12/2015).

Tại một hội nghị ở Bộ Tư pháp nhằm rà soát các ĐKKD mới đây, có vị lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết các bộ chuyên ngành đang “phản ứng mạnh” vì sợ “mất quyền lợi” khi mà hàng tháng đang thu được mấy chục tỷ, giờ nếu loại bỏ các ĐKKD thì chỉ còn vài trăm triệu. Đấy là chưa kể các yếu tố khác như lợi ích nhóm do nhờ có ĐKKD mà một bộ phận được hưởng lợi, các bộ không muốn buông… Điều này cho thấy, việc rà soát, sắp xếp, loại bỏ được các ĐKKD bất hợp lý là một việc không hề dễ dàng.

Theo Luật Đầu tư 2014 thì từ ngày 1/7 tới, các ĐKKD chỉ được quy định trong nghị định của Chính phủ thay vì được phép nằm rải rác cả trong các thông tư của các bộ, ngành như hiện nay. Tuy nhiên, thay vì đáng lẽ phải “vắt chân lên cổ” từ cả năm trước đây để ra được những nghị định, trong đó quy định ĐKKD thực sự đúng và cần thiết thì dường như tới lúc này các cơ quan chủ quản vẫn bình chân như vại.

Bằng chứng là dù chỉ còn 2 tuần nữa thì quy định trên có hiệu lực nhưng đến hiện tại có những DN, hiệp hội cho biết mới chỉ vừa nhận được văn bản dự thảo nghị định quy định các ĐKKD liên quan đến ngành nghề mà họ đang hoạt động. Trong khi đó, ngay từ tháng 8/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 59 về triển khai thi hành Luật DN, Luật Đầu tư, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của các bộ trong việc rà soát các ĐKKD, quy định đúng thẩm quyền của Luật Đầu tư và Phụ lục về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chưa kể, các dự thảo nghị định đều có phần “na ná” với những thông tư của các bộ, ngành trước đây, chẳng qua chỉ là tập hợp lại để “nâng cấp” thành các nghị định. Theo luật sư Trần Vũ Hải, thành viên Đoàn luật sư TP. Hà Nội, các thông tư đưa ra ĐKKD là trái luật và với các trường hợp như thế mà “nghị định hóa” tức là hợp thức hóa cái sai.

“Để cái sai không lặp lại thì cá nhân tôi cho rằng các thông tư đó phải tự động bị hủy bỏ. Đối với những trường hợp đặc biệt thì các bộ phải trình ra Chính phủ và chỉ những ĐKKD liên quan đến an ninh quốc gia thì có thể chấp nhận tồn tại” – luật sư Hải nêu quan điểm.

Đáng chú ý là hầu hết các Nghị định về ĐKKD được soạn thảo theo trình tự thủ tục rút gọn, tức là các bộ không có thời gian tổ chức lấy ý kiến, các dự thảo văn bản không được cập nhật công khai trên các trang thông tin điện tử và cộng đồng DN ít có cơ hội tham gia vào đề xuất góp ý.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, từ nay đến 1/7 tới và sau đó, các DN và hiệp hội cần tiếp tục đóng góp ý kiến (với các cơ sở phân tích, lập luận chặt chẽ) để VCCI sẽ tập hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

“Tôi sẽ báo cáo với Thủ tướng, thời điểm 1/7 không phải là thời điểm kết thúc mà là thời điểm tiếp tục các xem xét, rà soát thủ tục kinh doanh với tinh thần cách mạng, triệt để đúng theo Luật Đầu tư và Luật DN” – TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định. Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, các DN không sợ ĐKKD mà chỉ sợ các ĐKKD không minh bạch.

Đỗ Lê

Thời Báo Ngân Hàng