The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bàn giải pháp tăng chỉ số Thiết chế pháp lý trên địa bàn thành phố Hà nội

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 30-5-2016 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) của TP; trong đó giao Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm về việc cải thiện từ 5 đến 7 bậc xếp hạng chỉ số “Thiết chế pháp lý” của TP năm 2016.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp Hà Nội vừa tổ chức cuộc họp bàn bạc phương án thực hiện với sự tham gia của nhiều đơn vị như: VKSND TP Hà Nội, Đoàn LSTP Hà Nội cùng đại diện một số sở, cơ quan và UBND quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội.

Chỉ số Thiết chế pháp lý là chỉ số đo lường lòng tin của DN tư nhân đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh,TP; các thiết chế pháp lý có được DN xem là công cụ hiệu quả lựa chọn để giải quyết bất đồng, tranh chấp phát sinh trong thực tiễn hoặc là nơi DN có thể khiếu nại, tố cáo các hành vi sai phạm, nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương. Chỉ số Thiết chế pháp lý có 10 chỉ tiêu thành phần gồm: Hệ thống tư pháp cho phép các DN tố cáo hành vi tham nhũng của các công chức; DN tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật (bản quyền hoặc thực thi hợp đồng); Số lượng vụ việc tranh chấp của các DN ngoài quốc doanh do tòa án kinh tế cấp tỉnh thụ lý trên 100 DN; Tỷ lệ % nguyên đơn không thuộc Nhà nước trên tổng số nguyên đơn tại tòa án kinh tế tỉnh; Tòa án các cấp của tỉnh, tiến hành xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật; Tòa án các cấp của tỉnh, tiến hành xét xử các vụ kiện kinh tế nhanh chóng; Phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng; Các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ DN dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp; Các chi phí chính thức và không chính thức là chấp nhận được; Phán quyết của tòa án là công bằng; DN sẵng sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp và tỷ lệ vụ án được giải quyết trong năm.

Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố thì năm 2015, chỉ số Thiết chế pháp lý của Hà Nội đang xếp hạng thứ 53 và năm 2016, mục tiêu của TP là tăng chỉ số này lên 5-7 bậc, tức xếp hạng từ thứ 46 trở lên. Trước yêu cầu của việc tăng thứ hạng chỉ số Thiết chế pháp lý, đại diện Đoàn LSTP Hà Nội cho hay, đội ngũ LS của TP Hà Nội đã nhận được sự tín nhiệm của thân chủ không chỉ sinh sống, làm việc ở địa bàn Thủ đô mà còn trên cả nước. Để đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm của LS tham gia các phiên tòa, năm 2016, Đoàn LSTP Hà Nội xin ý kiến của tòa về đội ngũ LS, từ đó góp phần thúc đẩy chỉ số Thiết chế pháp lý cao hơn. Đoàn LSTP Hà Nội hiện có 230 LS tham gia hoạt động của các VP trợ giúp pháp lý và 250 LS tham gia các buổi làm việc của Phòng Tiếp dân Trung ương. Thời gian tới, Đoàn LSTP Hà Nội mong muốn có mối liên hệ với các tổ chức DN trên địa bàn TP để có thể nhanh chóng, kịp thời cử các LS tham gia trợ giúp pháp lý cho các DN nếu xảy ra tranh chấp.

Đại diện VKSND TP Hà Nội đưa ra băn khoăn bởi thực tế không chỉ có án kinh tế mà còn có cả án hành chính liên quan đến DN kiện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tuy nhiên trong 10 chỉ tiêu thành phần của chỉ số Thiết chế pháp lý chưa nêu. Hơn nữa trong 10 chỉ tiêu thành phần đã đưa ra, có chỉ tiêu bị trùng lặp như “Tòa án các cấp của tỉnh tiến hành xét xử các vụ án kinh tế đúng pháp luật” và “Phán quyết của tòa án là công bằng”. Ngoài ra, có chỉ tiêu thành phần còn trừu tượng, chưa rõ ý như: “Các chi phí chính thức và không chính thức là chấp nhận được”… Thanh tra Sở Công thương và đại diện một số quận, huyện trên địa bàn TP cũng nêu ra những ý kiến khác nhau về các chỉ tiêu đề ra của chỉ số Thiết chế pháp lý căn cứ trên thực tế của từng đơn vị.

Kết luận tại buổi họp, đồng chí Tống Thị Thanh Nam- PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, qua nghiên cứu các chỉ tiêu thành phần của chỉ số Thiết chế pháp lý, có thể nhận thấy hai chỉ tiêu đứng thứ hạng thấp nhất là chỉ tiêu số 3: “Số lượng vụ việc tranh chấp của các DN ngoài quốc doanh do Tòa án kinh tế cấp tỉnh thụ lý trên 100 DN” (xếp hạng thứ 21) và chỉ tiêu số 4: “Tỷ lệ % nguyên đơn không thuộc Nhà nước trên tổng số nguyên đơn tại tòa án kinh tế tỉnh” (xếp hạng thứ 18); cả hai chỉ tiêu này đều căn cứ vào số liệu thực tế; các chỉ tiêu còn lại xếp hạng ở vị trí cao, phần lớn thông qua cách thức khảo sát. Căn cứ vào đó để đặt ra vấn đề: Tại sao các DN lại xếp hạng như vậy và cơ chế công khai, minh bạch trong giải quyết tranh chấp được thực hiện như thế nào?

Thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cơ quan Nhà nước với Đoàn LS để hỗ trợ pháp lý cho DN trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Sở Tư pháp sẽ chủ trì cuộc họp với một số đơn vị còn lại như TAND TP, Cục Thi hành án TP, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam…. để nghe những ý kiến đóng góp, từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chất lượng hoạt động xét xử các loại vụ án, đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự để DN tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật, qua đó DN tăng cường lựa chọn tòa án và trọng tài để giải quyết các tranh chấp về kinh tế…

Linh Anh

Pháp Luật Xã Hội