The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bến Tre: Chung tay xây dựng chính quyền minh bạch, kiến tạo, hành động và phục vụ

Ngày 8-7-2017, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng và đề xuất các giải pháp nâng cao các chỉ số năm 2017.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đang được sử dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước để đánh giá, xếp hạng những hoạt động chủ yếu trong lãnh đạo, điều hành của các tỉnh, thành phố. Qua kết quả đánh giá, xếp hạng, các địa phương nhận diện được những tồn tại, hạn chế để nỗ lực, phấn đấu khắc phục, nhằm hoàn thiện hơn trong hoạt động. Từ đó, đã tạo ra không khí cạnh tranh lành mạnh, giúp các địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả, toàn diện hơn trong công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chuyển động cùng thông điệp

Tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp đang chuyển động theo thông điệp “Minh bạch, kiến tạo, hành động và phục vụ” của Thủ tướng Chính phủ. Nền hành chính đang chuyển từ quản lý sang phục vụ, xem người dân và doanh nghiệp (DN) là khách hàng; lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo hiệu quả hoạt động. Đồng hành cùng với các tỉnh, thành trong cả nước, Bến Tre đang phấn đấu, triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của bộ máy hành chính các cấp và cung ứng tốt nhất các dịch vụ hành chính công. Qua đó, phát huy tính tích cực chính trị của nhân dân và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, lành mạnh; xây dựng xã hội đồng thuận, đoàn kết, cởi mở; tạo tâm lý tích cực và củng cố niềm tin mạnh mẽ cho người dân trong tiến trình tham gia khởi nghiệp, phát triển DN và thoát nghèo bền vững.

Đồng thời, bộ máy chính quyền các cấp của tỉnh luôn quan tâm đến sự phản hồi của người dân về hiệu quả, chất lượng hoạt động, cũng như mong đợi nhận được thông tin, ý kiến đề xuất của người dân đối với chính quyền thông qua các công cụ đo lường độc lập và khách quan, bởi các chỉ số như PCI, PAPI, PAR INDEX... Đây là kết quả được công bố hàng năm, được thực hiện thông qua việc phân tích kết quả khảo sát, điều tra xã hội học và có hội đồng thẩm định, đánh giá, nên về cơ bản các chỉ số này đã phản ánh kết quả sự cảm nhận, trải nghiệm và sự đánh giá của người dân và DN về năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền nhà nước các cấp trong thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của các cơ quan công quyền cho người dân và DN.

Kết quả và những phản hồi tích cực

Theo kết quả công bố, năm 2016, Chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ hạng 12/63 tỉnh/thành phố; 4/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (sau các tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ). Chỉ số PAPI xếp thứ hạng 6/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm 16 tỉnh đạt điểm cao nhất (có 3 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long: Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Tháp); tăng 10 bậc so với năm 2015. Riêng Chỉ số PAR INDEX, tỉnh xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố - đây là năm thứ 3 liên tục tỉnh bị sụt giảm sâu đối với chỉ số này.

Tuy ba bộ chỉ số này có cơ quan thực hiện, đối tượng, phương pháp khảo sát, cấu trúc và cấp độ phân tích các chỉ tiêu, chỉ báo về hiệu quả điều hành… khác nhau, nhưng cả ba bộ chỉ số có một điểm chung là đều liên quan đến những nội dung về cải cách hành chính. Đặc biệt, cả ba bộ chỉ số đều nhấn mạnh vào khía cạnh liên quan trực tiếp đến công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước ở địa phương. Vì vậy, từ kết quả khảo sát, đánh giá và xếp hạng của từng chỉ số, về cơ bản có thể giúp cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhận định được những hạn chế, bất cập và những “điểm nghẽn” trong hoạt động của mình đã dẫn đến sự cảm nhận trong đánh giá từ người dân, DN và đi cùng với sự phân tích, đánh giá lẫn nhau về tính đồng bộ, thống nhất trong sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương về hoạt động và sự phối hợp với nhau. Từ đó, đã tạo ra một góc nhìn đa chiều trong phân tích, đánh giá các chỉ số được sử dụng để đo lường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương.

Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Bến Tre có 3/10 chỉ số thành phần thuộc nhóm các tỉnh, thành phố điều hành rất tốt: Thiết chế pháp lý (xếp hạng 1/63), Chi phí không chính thức (xếp hạng 3/63), Chi phí thời gian (xếp hạng 6/63); có 2/10 chỉ số thành phần thuộc nhóm điều hành tốt: Tiếp cận đất đai (xếp hạng 7/63), Hỗ trợ DN (xếp hạng 20/63); 4/10 chỉ số thuộc các tỉnh, thành phố điều hành khá. Trong 6 chỉ số thành phần của PAPI, Bến Tre có 4/6 chỉ số thuộc nhóm đạt điểm cao nhất: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (xếp hạng 3/63); Thủ tục hành chính (TTHC) công (xếp hạng 4/63); Trách nhiệm giải trình với người dân (xếp hạng 6/63); Cung ứng dịch vụ công (xếp hạng 12/63); công khai, minh bạch thuộc nhóm trung bình cao (xếp hạng 25/63). Trong 8 nội dung thành phần của Chỉ số PAR INDEX, Bến Tre có 2/8 chỉ số tăng điểm so với năm 2015, cụ thể là trong xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cải cách TTHC.

Theo đánh giá chung từ kết quả thực hiện các chỉ số cho thấy: người dân và DN có niềm tin vào hoạt động và sự vững mạnh của chính quyền, nhất là đối với hệ thống tư pháp. Điều này thể hiện qua chỉ số “Thiết chế pháp lý” và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” được đánh giá cao. Sự chuyên nghiệp của chính quyền các cấp, của hệ thống các cơ quan tư pháp đã giúp người dân, DN đồng thuận với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN; phong trào xây dựng nông thôn mới; phát triển đa dạng sinh kế cho người nghèo... và sẵn sàng phản biện, góp ý để có những giải pháp thực thi hiệu quả.

Chỉ số “Năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh”, “Cải cách TTHC” và “Trách nhiệm giải trình với người dân” có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, nhất là thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, tạo sự đột phá trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, với tư duy phát triển thì lãnh đạo các cấp phải nêu gương, luôn tiên phong, gương mẫu trong công tác và tích cực lắng nghe, sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân, DN thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri; đối thoại, tiếp công dân; cà phê DN; chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND; ngày hội đại đoàn kết, họp tổ nhân dân tự quản, qua địa chỉ email và số điện thoại đường dây nóng, qua thực hiện nhiệm vụ phân công theo dõi, hỗ trợ hoạt động đối với cấp cơ sở theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp/khu phố, xã nắm tới hộ gia đình”… Qua đó, giúp lãnh đạo thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm giải trình với người dân, cũng như có giải pháp thực hiện đạt hiệu quả cao trong cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách TTHC. Từ những hoạt động thiết thực đó nên giữa người dân, DN và người lãnh đạo - đại diện cho các cơ quan công quyền đã có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin và tương tác qua lại với nhau để người dân và chính quyền hiểu nhau hơn, gần nhau hơn và cộng tác tích cực, hài hòa hơn.

Mặt khác, giữa quyền lợi và nghĩa vụ cũng như giữa yêu cầu và nguyện vọng của người dân, DN đều phải thực hiện qua TTHC, do các cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp giải quyết. Vì vậy, để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện việc đơn giản hóa TTHC và dịch vụ hành chính công, rút ngắn thời gian giải quyết đến mức tối thiểu, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC, không làm phát sinh chi phí không chính thức và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Đặc biệt, đã tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp để thu thập ý kiến, đánh giá của cá nhân, tổ chức về chất lượng của các TTHC, dịch vụ công.

Những tồn tại, hạn chế

Mặc dù cả hệ thống chính trị của tỉnh nhà luôn cố gắng để kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi và phục vụ người dân, DN tốt hơn, tuy nhiên kết quả phản hồi của người dân và DN qua các cuộc khảo sát năm 2016 vẫn còn cho thấy, có nhiều nội dung trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền chưa nhận được sự đánh giá tích cực từ đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, cụ thể:

Trước hết, Chỉ số công khai, minh bạch chưa cao (PCI xếp hạng 61/63 - PAPI xếp hạng 25/63). Kết quả này cho thấy hệ thống thông tin về kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các thông tin, văn bản pháp luật và tài liệu liên quan… trên các trang thông tin điện tử của tỉnh còn thiếu, độ mở không cao; một số nội dung công khai, minh bạch còn mang tính hình thức; việc bình xét hộ nghèo có nơi chưa nghiêm túc, chưa đúng đối tượng; hình thức công khai, minh bạch chưa đa dạng, khó hiểu, nên người dân, DN khó tiếp cận.

Thứ hai, tham gia tích cực và chủ động vào đời sống chính trị, xã hội là quyền hiến định, được thể chế hóa trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở

đạt điểm trung bình thấp (xếp hạng 43/63), cho thấy sự hiểu biết và tham gia của người dân vào đời sống chính trị, xã hội còn hạn chế. Nguyên nhân có thể do người dân không quan tâm hoặc chính quyền chưa tạo điều kiện. Vì thế, các vấn đề cần có sự bàn bạc, đồng thuận từ phía người dân như danh sách hộ nghèo, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị, công tác quy hoạch... có nơi chưa được thực hiện tốt. Từ đó, ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định và tính dân chủ, minh bạch của các quyết định chưa cao.

Thứ ba, trong từng chỉ tiêu thành phần của các chỉ số có kết quả đánh giá rất đáng lo ngại. Cụ thể, còn 19% DN phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành các thủ tục đi vào hoạt động; chỉ có 64% DN cho rằng không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký; 41% DN đồng ý hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho DN là phổ biến; 48% DN cho rằng tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân; có 73% DN đánh giá việc ký kết các hợp đồng đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu dành cho các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh; 75% DN cho rằng ở cấp tỉnh có những sáng kiến hay nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành; 57% DN cho rằng lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn, nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện...

Điều này cho thấy, cải cách hành chính đạt hiệu quả chưa cao, nhất là TTHC hiện nay vẫn còn rườm rà, phức tạp; rà soát, đơn giản hóa TTHC chưa triệt để; cơ chế giám sát việc giải quyết TTHC chưa hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC ở mức độ 3, mức độ 4 còn hạn chế; có sự đánh giá không công bằng và ưu đãi, quan tâm hơn với nhóm các DN nhà nước và DN FDI trên nhiều lĩnh vực; tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, năng suất và hiệu quả làm việc của một bộ phận CBCCVC chưa cao, còn sách nhiễu, tham nhũng, làm giảm lòng tin của một bộ phận người dân, DN đối với chính quyền...

Cần sự đồng lòng, chung tay thực hiện

Sự phản hồi từ các cuộc khảo sát sẽ giúp cho các cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh có căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ người dân, DN tốt hơn. Đồng thời, cũng là nguồn thông tin hữu ích, tin cậy cho cộng đồng DN để xem xét, quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư sản xuất, kinh doanh hoặc mở rộng quy mô hoạt động. Khi các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX được đánh giá trung thực, khách quan và tỉnh có những giải pháp cải thiện hiệu quả sẽ giúp chính quyền hoạt động tốt hơn, đồng thời gia tăng mức độ hài lòng của người dân, DN. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn mong muốn cả hệ thống chính trị và người dân, DN tiếp tục phát huy tinh thần Đồng khởi mới, thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần cải thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua kết quả khảo sát, đánh giá từ các chỉ số nêu trên.

Thứ nhất, công khai về pháp luật, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, các quy trình giải quyết TTHC, các dự án kêu gọi đầu tư, các lĩnh vực xã hội hóa; các chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công; kết quả thu - chi ngân sách, quy chế chi tiêu nội bộ; kê khai tài sản, thu nhập của CBCCVC; công khai, minh bạch các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước... để minh bạch thông tin và mọi người dân, DN đều có được các thông tin này một cách bình đẳng, đồng thời tạo cơ hội để đối tượng này tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện và giám sát thực hiện chính sách. Qua đó, năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền cũng được nâng lên.

Thứ hai, người dân, DN là đối tượng thụ hưởng và thực thi chính sách, tham gia vào quy trình hoạch định chính sách, do đó phải thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân, DN về các nội dung, các vấn đề được biết, được bàn, được tham gia thực hiện, hoặc kiểm tra, giám sát. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để phát huy tính chủ động, tích cực chính trị của người dân, DN trong việc cộng đồng trách nhiệm với hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tham gia các hoạt động vì xã hội, vì cộng đồng.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách TTHC. Tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp phải được công bố, công khai, minh bạch một cách đầy đủ, chính xác và có hệ thống để cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Thường xuyên rà soát để kiến nghị cắt giảm những TTHC rườm rà, phức tạp, không cần thiết và không còn phù hợp. Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng mô hình một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong nội bộ các cơ quan, đơn vị và phối hợp liên thông giữa các cơ quan, đơn vị để phân công và xác định cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong giải quyết TTHC, tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian và né tránh trách nhiệm. Khi cần phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ, thì cơ quan tiếp nhận chỉ thông báo một lần bằng văn bản về toàn bộ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Nếu để xảy ra sai sót, trễ hẹn thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân vi phạm và có văn bản xin lỗi. Công bố và niêm yết công khai địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của thủ trưởng các cơ quan hành chính, của Phòng Kiểm soát TTHC - thuộc Sở Tư pháp để kịp thời tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về quy định hành chính và TTHC...

Thứ tư, định kỳ tổ chức các cuộc họp mặt, tọa đàm, đối thoại, tiếp xúc cử tri… để lãnh đạo tỉnh, huyện, các cơ quan chuyên môn lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của người dân, DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện TTHC, để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách và TTHC cho phù hợp. Vận hành, phát huy hiệu quả của tổ dịch vụ công cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giải quyết TTHC và các dịch vụ khác có liên quan cho nhà đầu tư, DN theo cơ chế một đầu mối tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp. Đồng thời, quan tâm hiện đại hóa nền hành chính, nhất là mở rộng số lượng TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, nhằm nhanh chóng giải quyết TTHC, giảm chi phí không chính thức cho người dân và DN.

Thứ năm, thường xuyên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ... theo chức danh, vị trí việc làm; bố trí, sử dụng, phân loại, đánh giá CBCCVC theo vị trí việc làm để hình thành đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động. Lựa chọn, bố trí công chức có trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp hành chính, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao làm việc tại bộ phận “một cửa” để tiếp nhận và giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức. Thực hiện tốt mô hình dân vận khéo “3 không, 3 nên, 3 cần”, nhất là phải vui vẻ, thân thiện, tận tụy, đúng thẩm quyền, phối hợp tốt với nhau, không đùn đẩy, né tránh, không vụ lợi khi giải quyết công việc cho người dân và DN; “không vô cảm, không trễ hẹn, không gây phiền hà” và thực hành tốt việc “xin chào, xin hỏi, xin lỗi, xin cảm ơn” khi tiếp xúc và giải quyết TTHC cho người dân và DN. Định kỳ hàng năm khảo sát sự hài lòng của người dân và DN về sự phục vụ của cơ quan hành chính để có giải pháp cải thiện, khắc phục.

Thứ sáu, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải kiểm soát chặt chẽ tình hình và chịu trách nhiệm về kết quả giải quyết công việc cho người dân và DN thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý; chỉ đạo quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng lạm quyền, “trên thông, dưới chưa thoáng” trong thực thi công vụ. Thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, cầu thị và xử lý nhanh chóng những phản ánh, kiến nghị của người dân và DN về thái độ, tinh thần trách nhiệm, sự phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCCVC. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm những trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực khi giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm nội quy, quy chế làm việc và các chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị. Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với một số chức danh công chức theo quy định. Phát huy vai trò của MTTQ, HĐND, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và cộng đồng DN trong giám sát, phản biện việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc biệt là trong hoạt động cải cách TTHC, cải cách chế độ công vụ, công chức của các cơ quan hành chính nhà nước.

Kết quả PCI, PAPI và PAR INDEX cho thấy hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương phụ thuộc vào tư duy phát triển và tinh thần phục vụ, sự năng động và tính tiến công của chính quyền, sự đồng thuận, chung tay của người dân và DN. Vì vậy, những giải pháp chủ yếu nêu trên được triển khai quyết liệt, đồng bộ sẽ giúp bộ máy hành chính tỉnh nhà ngày càng dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân, DN tốt hơn. Từ đó, tạo sự tin cậy và thân thiện giữa chính quyền với người dân, DN, kích thích tăng năng suất và hiệu quả lao động xã hội, khơi dậy tính sáng tạo, năng động trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để mọi người vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng thêm giàu đẹp.

Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh

Báo Đồng Khởi