Bến Tre: Đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020: Cần huy động trên 80 ngàn tỷ đồng
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Trúc Sơn cho biết, giai đoạn 2011-2015, Bến Tre huy động trên 58 ngàn tỷ đồng đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhiều dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn đạt 7,3%, GRDP bình quân đầu người đạt gần 27 triệu đồng, tăng 1,66 lần so với năm 2010. Tới đây, nhằm huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2016-2020, tỉnh cần phải huy động được số vốn đầu tư trên 80,2 ngàn tỷ đồng. Dự kiến vốn ngân sách nhà nước 5 năm tới chỉ đáp ứng khoảng 14% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Do đó, phần còn lại phải huy động các nguồn vốn khác để đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là các công trình lớn có tác động mạnh đến phát triển KT-XH của địa phương.
Đến nay, tỉnh có gần 3 ngàn doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 16 ngàn tỷ đồng, bình quân khoảng 5,4 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm phát triển 267 doanh nghiệp. Riêng quý I-2016, phát triển được 86 doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, Sở KH&ĐT phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển ổn định, duy trì doanh nghiệp hiện có, nâng cao chất lượng doanh nghiệp, tạo cơ hội thành lập mới ít nhất 1,5 ngàn doanh nghiệp.
Phương hướng phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến cuối năm 2020, tỉnh giữ vững và phát triển 46 hợp tác xã hiện có, thành lập mới 25 hợp tác xã; rà soát, tổ chức lại hơn 1,1 ngàn tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
Theo công bố xếp hạng PCI năm 2015, Bến Tre nằm ở vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc so với năm 2014, thuộc nhóm điều hành tốt, đạt mục tiêu giữ vững top 15 theo kế hoạch đề ra. Để tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Sở đã tham mưu thực hiện nhiều giải pháp lớn như: cải thiện các chỉ số thành phần có điểm số thấp hoặc chưa có sự cải thiện trong các năm qua; xây dựng và thực hiện có hiệu quả, thực chất chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ cung cấp thông tin kịp thời về quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh…
Có trên 10 ý kiến của các đại biểu sở, ngành liên quan về các nội dung trên. Trong đó, các đại biểu đồng ý giải pháp điều chỉnh phân bổ vốn theo quy định của Chính phủ, không ưu tiên tập trung vốn cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới như hiện nay kể từ năm 2017; phân bổ vốn tập trung vào các dự án khuyến khích phát triển sản xuất, tạo sinh kế ở nông thôn và giảm bớt đầu tư vào các thiết chế như trụ sở, nhà văn hóa; hủy bỏ Cụm công nghiệp Phú Hưng để tập trung mở rộng Cụm công nghiệp Phong Nẫm lên 70ha để tạo quỹ đất, mời gọi đầu tư; đầu tư Khu công nghiệp Phú Thuận theo hình thức cuốn chiếu; xem xét lại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ QL.60 đến ngã tư Tú Điền (tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng); cần có cơ chế, chính sách tổng hợp về ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ đầu; quan tâm thêm tổ chức các dịch vụ tư vấn tư cho doanh nghiệp bên cạnh các dịch vụ tư vấn công; nhiệm vụ phát triển hợp tác xã phải được thực hiện quyết liệt hơn để phát triển sản xuất nông nghiệp; điều chỉnh lại danh mục kêu gọi đầu tư cho các dự án là cần thiết…
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam cho rằng, Sở KH&ĐT phải thật sự là chỗ dựa để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng các doanh nghiệp hoạt động và ngày càng lớn mạnh. Việc đầu tư phát triển kinh tế phải được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt, tập trung các lĩnh vực phù hợp với tình hình hiện nay trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ngoài ra, quan tâm thêm các đầu tư về xã hội và con người.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đề cập đến vai trò tham mưu tổng hợp của Sở KH&ĐT: Làm sao quy hoạch và khai thác được nguồn lực, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, cách thức tiếp cận các nguồn lực, cơ chế huy động nguồn lực... Có như vậy mới huy động tốt nguồn lực xã hội cũng như các nguồn khác để đạt được mục tiêu huy động hơn 80,2 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn. Để nâng cao hiệu quả tham mưu kiến tạo môi trường đầu tư, cần phối hợp với các sở, ngành trong việc hệ thống đồng bộ các việc đã làm, hệ thống các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển sự nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo nhấn mạnh: Các việc làm trên không chỉ riêng của Sở KH&ĐT mà phải có sự đồng bộ, kết nối chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương. Phải phát huy vai trò người đứng đầu, đồng thời đó là chuyển tải, truyền đạt ý chí, định hướng, hành vi của người đứng đầu đến các cấp thực thi nhiệm vụ thay vì chỉ dừng lại ở sự hô hào các khẩu hiệu chính trị. Tất cả các giám đốc sở phải công bố số điện thoại trên Báo Đồng Khởi để ngành nào, lĩnh vực nào có vấn đề cần thì liên hệ giải quyết ngay. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ sau: tổ chức hội thảo về chỉ số năng lực cạnh tranh để tìm ra giải pháp hoàn thiện môi trường đầu tư; Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế đầu tư trong các lĩnh vực; rà soát lại những nhà đầu tư đã được cấp phép nhưng chậm triển khai để hạn chế tình trạng “xí đất”; thực hiện tốt công trình, dự án trữ ngọt để đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư; khẩn trương tổ chức hội nghị sơ kết Kết luận số 56 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế tập thể.
C. Trúc