Bến Tre: Góp phần thực hiện hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp
Để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh; một xã hội đồng thuận, đoàn kết, cởi mở; tạo tâm lý tích cực, phấn chấn, lòng tin mạnh mẽ cho người dân trong tiến trình tham gia khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp (DN), phải cải cách nền hành chính, trong đó cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ trọng tâm. Trong phạm vi bài viết, xin tập trung nói về vấn đề cải cách TTHC.
Bắt đầu từ TTHC
Muốn cải cách TTHC để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn thì các ngành, các cấp cần phải kiểm soát chặt chẽ TTHC đảm bảo các TTHC trước khi ban hành phải được đánh giá về sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và chi phí thực hiện, không để xảy ra sơ hở về mặt pháp lý, làm nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp phải được công bố, công khai, minh bạch một cách đầy đủ, chính xác, có hệ thống trên mạng cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng thông tin điện tử của tỉnh, tại bộ phận một cửa và trên cổng thông tin điện tử thành phần của cơ quan hành chính các cấp để cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện.
Thường xuyên rà soát các yếu tố cấu thành của một TTHC để kiến nghị cắt giảm những TTHC rườm rà, phức tạp, không cần thiết, không còn phù hợp, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, DN. Đảm bảo TTHC khi thực hiện phải đáp ứng được nhu cầu thực tế của cá nhân, DN theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của người dân, DN và cơ quan thực hiện TTHC.
Kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC cho người dân, DN thông qua việc duy trì và nâng cao chất lượng mô hình một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong nội bộ các cơ quan, đơn vị và quy chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan, đơn vị, để phân công và xác định cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân, từng tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian giải quyết, làm nản lòng người dân, DN. Việc hướng dẫn, giải quyết TTHC cho người dân, DN phải đảm bảo nguyên tắc: khi cần phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ thông báo một lần bằng văn bản về toàn bộ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của yêu cầu này để người dân thực hiện, tuyệt đối không được yêu cầu sửa đổi, bổ sung lần thứ hai.
Công bố và niêm yết công khai địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của thủ trưởng các cơ quan hành chính, của Phòng Kiểm soát TTHC (thuộc Sở Tư pháp), để kịp thời tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về quy định hành chính và TTHC. Định kỳ tổ chức các cuộc họp mặt, tọa đàm, đối thoại, tiếp xúc cử tri… để lãnh đạo tỉnh, huyện, các cơ quan chuyên môn lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của người dân, DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện TTHC, để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách, TTHC phù hợp. Trong đó, việc đối thoại công khai phải tổ chức ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng DN, báo chí.
Ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết TTHC cho người dân và DN; sử dụng phần mềm một cửa điện tử, mở rộng số lượng TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (tức là người dân tải biểu mẫu, nộp hồ sơ, tra cứu tiến độ giải quyết công việc qua mạng internet và chỉ cần đến bộ phận một cửa của cơ quan hành chính một lần, để nhận kết quả và đóng lệ phí (nếu có)), nhằm nhanh chóng giải quyết TTHC, giảm chi phí không chính thức cho người dân và DN.
Sắp tới, để thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN” của tỉnh, Bến Tre sẽ ban hành kế hoạch rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ và cải cách TTHC để phục vụ cộng đồng khởi nghiệp và DN tốt hơn. Đồng thời, Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và phát triển DN, Sở Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là bộ phận tư vấn khởi nghiệp và phát triển DN chuyên trách của tỉnh sẽ là các thiết chế đầu mối hỗ trợ tích cực cho các cá nhân, tổ chức tham gia khởi nghiệp và phát triển DN về các vấn đề có liên quan, trong đó có TTHC.
Quyết tâm của hệ thống chính trị
Nhà nước ta đang chuyển đổi mô hình từ chỉ đạo, điều hành bằng mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo, phát triển, công khai, minh bạch, liêm chính. Nền hành chính đang chuyển từ truyền thống sang phục vụ, xem người dân và DN là khách hàng và lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả quản lý, điều hành.
Nằm trong sự nỗ lực chung của quốc gia, Bến Tre đang phấn đấu, triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách TTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, để đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân, DN đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đạt trên 90%; cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR) thuộc nhóm khá trở lên. Từ đó, tạo sự tin cậy và thân thiện giữa chính quyền và người dân, kích thích tăng năng suất và hiệu quả lao động xã hội, khơi dậy tính sáng tạo, năng động trong sản xuất, kinh doanh của người dân, tạo điều kiện cho họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
N.Thi