The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bến Tre: Nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp

Xác định doanh nghiệp (DN) là động lực để phát triển kinh tế, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng và ban hành nhiều chương trình, dự án để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nhằm hỗ trợ DN đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Qua kết quả khảo sát mới đây của Sở Kế hoạch và Đầu tư về năng lực cạnh tranh của DN, bước đầu cộng đồng DN tỉnh đã xuất hiện một số đơn vị có tiềm lực về vốn, công nghệ, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Nhiều DN mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

Nhiều yếu tố được chú trọng

Ông Châu Văn Bình - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá DN ngày càng chú trọng hơn về việc quản trị, đào tạo và nâng cao chất lượng lao động. Qua khảo sát, có trên 63% chủ DN có trình độ đại học trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, còn lại là trình độ cao đẳng trở xuống.

Giai đoạn 2011 - 2015, việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bước đầu đã được các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn quan tâm thực hiện. Kết quả, toàn tỉnh đã có 5/9 huyện, thành phố được cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Hàng trăm DN được tư vấn, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm của DN mình. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, 5 năm qua, sở đã hỗ trợ tra cứu cho các tổ chức, DN đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên 500 lượt, tiếp nhận gần 500 đơn các loại. Hằng năm, tỷ lệ đơn đăng ký mới luôn cao hơn năm trước từ 10 - 20%. Điều này cho thấy, tỷ lệ DN quan tâm đến vấn đề thương hiệu ngày càng tăng.

Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã có đánh giá Bến Tre xếp hạng 19/63 tỉnh, thành trong cả nước, xếp hạng 5/13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long có nhiều hồ sơ đăng ký nhãn hiệu. Một số sản phẩm nông nghiệp đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và có chỗ đứng trên thị trường như: cây giống, hoa kiểng Cái Mơn, bánh tráng Mỹ Lồng, bưởi da xanh Bến Tre…

Điều đáng mừng nữa là những năm gần đây, việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong tổng nguồn vốn của DN luôn chiếm tỷ trọng tương đối cao, trên 64%.

Cải thiện năng lực để hội nhập sâu

Bên cạnh những kết quả đạt được, điều đặt ra cho DN tỉnh nhà là vẫn phải không ngừng cải thiện và cần quan tâm toàn diện các khía cạnh nâng cao năng lực cạnh tranh, như về vốn, thị trường, liên kết để phát triển, chuẩn bị tâm thế hội nhập… Bởi hiện nay, nhìn chung DN chưa chuẩn bị tư thế để sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện qua tỷ lệ DN nghiên cứu sâu về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất thấp. Số DN trả lời chưa biết gì về TPP hoặc chỉ nghe nói nhưng không biết gì chiếm từ 30 - 43% mặc dù thời gian qua, tỉnh vẫn thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để phổ biến thông tin cho DN.

Mặt khác, việc liên kết, hợp tác để phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện hội nhập là tất yếu để DN phát triển bền vững, nhất là giữa DN với DN. Thế nhưng, thời gian qua, toàn tỉnh chỉ mới hình thành một số mô hình liên kết sản xuất giữa DN và nông dân, như: liên kết sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP ở TP. Bến Tre, Châu Thành, Chợ Lách; liên kết sản xuất nhãn VietGAP ở Bình Đại… Kết quả cũng còn dừng lại ở bước đầu khá khiêm tốn với quy mô nhỏ, chưa phổ biến rộng. Đó là chưa kể đến liên kết giữa DN với DN, nhất là các DN cùng ngành nghề. Thực tế thời gian qua cho thấy, có quá nhiều DN cùng kinh doanh một mặt hàng trên cùng một thị trường nên đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Có thể nói, vốn là yếu tố quan trọng để DN quyết định có thể đầu tư nâng cao năng lực cho đơn vị mình về ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc hiện đại, xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… Tính trên tổng số DN đang ở trạng thái hoạt động, DN lớn và vừa chiếm tỷ trọng thấp (chỉ đạt 3,5%). DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm đa số (96,5%). Qua đó cho thấy, tiềm lực tài chính còn hạn chế. Xét về quy mô tổng vốn, quy mô vốn đăng ký trung bình của DN chỉ ở mức tương đối, khoảng 4,9 tỷ đồng/DN. DN có tổng nguồn vốn thấp nhất là 250 triệu đồng và cao nhất là 459 tỷ đồng. Ngoài vốn tự có, hầu hết DN đều tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất. Vẫn có đến 30% các đơn vị nói rằng không tiếp cận được vốn ngân hàng và có trên 62% DN nói khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng. Các trở ngại lớn là lãi suất cao, thiếu tài sản thế chấp hoặc giá trị tài sản thế chấp thấp, vướng mắc các thủ tục vay, khả năng chứng minh mục đích sử dụng vốn yếu, thiếu phương án kinh doanh.

Theo ông Châu Văn Bình, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2016 - 2020” với các giải pháp cụ thể. Mục tiêu sẽ từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, hỗ trợ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển ổn định và nâng dần quy mô, chất lượng hoạt động. Phấn đấu tăng tỷ lệ DN từ nhỏ lên vừa, từ vừa lên lớn. Cụ thể, từ 3,5% năm 2015 lên 7,5% vào năm 2020 và xây dựng từ 5 - 10 nhóm DN dẫn đầu trong các lĩnh vực, sản phẩm: chế biến các sản phẩm từ dừa, thủy sản, trái cây, cây giống, dịch vụ du lịch, xuất nhập khẩu, vận chuyển.

Cẩm Trúc

Báo Đồng Khởi