The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bến Tre: Tập trung cải thiện và nâng cao các chỉ số cải cách hành chính

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính các cấp và cải thiện môi trường đầu tư, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp. Qua đó, phát huy tính tích cực chính trị của nhân dân và xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo lòng tin mạnh mẽ cho người dân trong tiến trình thoát nghèo, tham gia khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Nhiều chỉ số tụt hạng
Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến sự phản hồi của người dân, doanh nghiệp về hiệu quả, chất lượng của các nhiệm vụ, giải pháp đã được thực hiện thông qua các công cụ đo lường độc lập và khách quan, như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính - CCHC (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS).
Qua công bố của các cơ quan Trung ương, năm 2021, 4 chỉ số nêu trên của tỉnh lần lượt được xếp hạng như sau: chỉ số PAPI: xếp hạng thứ 56/60 tỉnh, thành phố, tụt 48 bậc so với năm 2020 (8/63); chỉ số PCI: xếp hạng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tụt 10 bậc so với năm 2020 (8/63); chỉ số SIPAS: xếp hạng thứ 26/63 tỉnh, thành phố, tụt 6 bậc so với năm 2020 (20/63); chỉ số PAR-INDEX: xếp hạng thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2020 (44/63).
Theo phân tích, đánh giá về các chỉ số chúng ta thấy rằng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong hệ thống của bộ máy hành chính là nguyên nhân dẫn đến các chỉ số bị tụt hạng. Cụ thể, về chỉ số PCI, toàn bộ 10 chỉ số thành phần, chỉ có chỉ số gia nhập thị trường là tăng hạng (nhưng giảm điểm), còn lại đều tụt hạng, thậm chí tụt hạng rất sâu dù các năm trước chỉ số này có thứ hạng cao (ví dụ tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý). Chỉ số PAPI thì nằm ở nhóm 15 tỉnh có chỉ số thấp nhất của cả nước, có 6/8 chỉ số thành phần nằm trong nhóm các tỉnh có điểm thấp nhất gồm: công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính (TTHC) công, cung ứng dịch vụ công, quản trị điện tử. 2/8 chỉ số thành phần nằm trong nhóm các tỉnh có điểm trung bình thấp gồm: tham gia người dân ở cấp cơ sở, quản trị môi trường.
Chỉ số SIPAS thì có 4 tiêu chí đạt tỷ lệ rất cao (đều tăng so với năm 2020), chỉ riêng tiêu chí hài lòng về tiếp nhận xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị (GYPAKN) giảm mạnh, xuống thấp nhất kể từ năm 2018 đến nay đạt 71,4%. Chỉ số trên cho thấy việc tiếp nhận, xử lý ý kiến GYPAKN của các cơ quan hành chính nhà nước mặc dù được quan tâm nhưng chưa đạt kết quả cao. Chỉ số PAR INDEX nhìn chung có tăng điểm khá nhiều so với năm 2020 (+3.23 điểm); có 8/8 chỉ số thành phần có tỷ lệ, có thứ hạng cao hơn so với năm 2020 nhưng vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục...
Năm 2022 là năm khá khó khăn do cả hệ thống chính trị phải cùng nhau phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19. Trong bối cảnh này, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân cần phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra. Để thực hiện được, đòi hỏi tỉnh phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách chế độ công vụ, công chức để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo sự hài lòng, niềm tin của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định và tăng thu ngân sách.
Giải pháp trong thời gian tới
Thứ nhất, căn cứ các báo cáo phân tích, đánh giá các chỉ số có liên quan đến công tác CCHC, tiến hành kiểm điểm việc làm được, chưa làm được, trách nhiệm của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và khẩn trương đề ra và thực hiện quyết liệt các biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém được chỉ ra. Nghiêm túc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tổ chức thực hiện công tác CCHC. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, đặc biệt là các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao đúng thời hạn. Nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến, giải pháp trong quá trình thực hiện công tác CCHC. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo CCHC; chủ động triển khai kế hoạch kiểm tra CCHC, đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền CCHC.
Thứ hai, sử dụng hiệu quả kết quả chỉ số PCI, PAPI và SIPAS năm 2021 trong chỉ đạo, điều hành CCHC tại các sở, ngành, địa phương và có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Từng thời điểm cần tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng cách làm mới, mô hình hay tạo động lực thúc đẩy CCHC và nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong thực hiện CCHC.
Thứ ba, căn cứ Đề án số 01-ĐA/TU ngày 29-12-2020 của Tỉnh ủy về CCHC giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch số 6600/KH-UBND ngày 12-10-2021 của UBND tỉnh về CCHC giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh để triển khai các nhiệm vụ CCHC. Trong đó, cần quan tâm đến một số nội dung trọng tâm sau:
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế về kinh tế, thể chế về quản lý công chức, viên chức, tổ chức bộ máy; khẩn trương hoàn thành việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn; thực hiện việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa các cấp.
Quan tâm sâu sát hơn nữa đến việc tiếp nhận, xử lý ý kiến GYPAKN của người dân; thực hiện tốt việc bố trí hộp thư tiếp nhận GYPAKN, công bố đường dây nóng (số điện thoại của lãnh đạo đơn vị, số điện thoại của Phòng Kiểm soát TTHC-VP UBND tỉnh), mở rộng hình thức tiếp nhận thông qua hộp thư công vụ, trang thông tin điện tử của cơ quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức đóng góp ý kiến. Nâng cao chất lượng xử lý, giải quyết GYPAKN để cơ quan hoạt động ngày càng tốt hơn. Phản hồi kết quả giải quyết GYPAKN kịp thời đến người dân.
Đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Quan tâm và có giải pháp hiệu quả cho lĩnh vực cải cách tài chính công; có kế hoạch tăng tỷ lệ đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư pháp triển; ban hành quy chế quản lý tài sản công và kiểm soát chặt chẽ việc thu - chi tài chính.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị và phục vụ cho nhân dân tốt hơn. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp học, trang thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, đảm bảo cho dạy và học ở các cấp, bậc học tốt hơn.
Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về chính sách y tế của nhà nước, đặc biệt là việc khám chữa bệnh miễn phí đối với trẻ em dưới 6 tuổi và chính sách hỗ trợ người nghèo mua bảo hiểm y tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã để giảm sức ép cho y tế tuyến trên; đầu tư nâng cấp một số trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện, để phục vụ công tác khám chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khám chữa bệnh, nhằm giảm thiểu các TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về y đức, kỹ năng giao tiếp và các quy tắc ứng xử trong đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; có giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế.
Nâng cao chất lượng dịch vụ như: cung cấp điện, nước, dịch vụ thu gom rác thải ở địa phương; đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Với những giải pháp nêu trên, tin rằng công tác CCHC của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực trong năm 2022 và những năm tiếp theo.