Bến Tre, viên ngọc vùng Tây Nam Bộ đang dần toả sáng
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Bến Tre là “viên ngọc quý vùng Tây Nam Bộ, nằm giữa vùng sông nước mênh mông, với 3 cù lao lớn xanh biếc”. Thật vậy, Bến Tre nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được hợp thành bởi 3 cù lao Bảo, Minh và An Hoá. Thế mạnh chính của tỉnh là nông nghiệp (kinh tế vườn và kinh tế biển). Nông nghiệp đóng vai trò chính và từng bước chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ.
Toàn cảnh thành phố Bến Tre. (Ảnh: Sưu tầm)
Nhiều lĩnh vực tiềm năng
Bến Tre có khí hậu nhiệt đới gió mùa với sự phân hóa hai mùa rõ rệt kết hợp điều kiện thổ nhưỡng, đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, Bến Tre có lợi thế tuyệt vời để phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế vườn với nhiều chủng loại cây trồng nổi tiếng như dừa, cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng các loại. Bến Tre được mệnh danh là xứ sở Dừa Việt Nam với tổng diện tích dừa toàn tỉnh là 70.000 ha, giữ vị thế hàng đầu cả nước về diện tích, sản lượng và chất lượng. Dừa là loại cây được sử dụng để sản xuất rất nhiều mặt hàng từ sản phẩm công nghiệp, chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ đến mỹ phẩm, dược phẩm,… Cây dừa không chỉ là thế mạnh mà còn là lá chắn bảo vệ vùng đất Bến Tre trong điều kiện xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay. Bên cạnh cây dừa, cây ăn quả của Bến Tre chiếm diện tích khá lớn, trên 27.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 300.000 tấn với những loại trái cây đặc sản như: Bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt,.. đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, năng suất cao.
Ngoài ra, nhắc đến Bến Tre không thể không nhắc đến “Vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn - Chợ Lách, đây là làng nghề hoa kiểng lớn nhất Việt Nam, sản phẩm hoa kiểng được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu sang các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. “Vương quốc hoa kiểng” không những nổi tiếng về làng nghề sản xuất giống mà còn hấp dẫn khách du lịch đến tham quan một miệt vườn rất êm đềm và thanh bình, cây trái sum suê, trăm hoa khoe sắc, đây cũng là nơi giao lưu văn hóa nghệ thuật cấy ghép giống của các nghệ nhân giàu tình cảm và mến khách.
Đặc biệt, Bến Tre có bờ biển dài trên 65km, là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế biển như: Nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ vận tải biển. Tận dụng lợi thế kinh tế biển, Bến Tre đang khuyến khích đầu tư phát triển chuỗi giá trị con tôm, nhất là các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, chế biến xuất khẩu. Từ đó, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cùng với lợi thế bờ biển dài 65 km, Bến Tre đang có một ưu thế cạnh tranh cao trong cả nước về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Bến Tre, “viên ngọc quý” vùng Tây Nam Bộ. (Ảnh: Huyền Trang)
Bến Tre - vùng đất làm say lòng người được ôm ấp bởi 04 dòng sông hiền hòa, mang nặng phù sa bồi đắp: Sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Với điều kiện tự nhiên, thiên nhiên ưu đãi, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt (là thiên đường của du lịch sông nước miệt vườn), cây trái xanh tốt quanh năm cùng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng mang đậm dấu ấn địa phương, hạ tầng du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách, Bến Tre có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp chăm sóc y tế.
Với dân số 1,3 triệu người, hơn 70% trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 52%, hơn 200.000 lao động có trình độ, tay nghề đang làm việc tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào cùng với đức tính chịu khó, cần cù, sáng tạo trong lao động và sản xuất, có tinh thần trách nhiệm,... là một trong những thế mạnh để Bến Tre sẵn sàng đáp ứng lực lượng lao động trẻ, khỏe, năng động cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi có nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương.
Nhiều ưu đãi và hỗ trợ cho nhà đầu tư
Nhằm tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bến Tre đang tích cực mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh trong nhiều lĩnh vực như: Xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; du lịch; chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; khu đô thị, khu dân cư; nông nghiệp, nông thôn; năng lượng tái tạo; giáo dục; xây dựng hạ tầng cấp thoát nước; chất thải rắn. Tính chung về mời gọi đầu tư, giai đoạn 2017-2020, Bến Tre ưu tiên mời gọi đầu tư 63 dự án. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Bến Tre có 25 dự án đã được cấp phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký 17.000 tỷ đồng và 12 dự án đang được hoàn thiện thủ tục theo quy định với số vốn đầu tư đăng ký 13.000 tỷ đồng.
Tỉnh Bến Tre đã và đang tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục dành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho nhà đầu tư như: Miễn giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất; giải quyết nhanh các hồ sơ thủ tục cho nhà đầu tư; hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án sau cấp phép. Cụ thể: Đối với đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về miễn - giảm tiền thuê đất, thuế suất ưu đãi theo địa bàn, được hỗ trợ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tối đa 20% khi đầu tư vào hạ tầng CCN và tối đa 30% khi đầu tư vào hạ tầng KCN; đối với các dự án đầu tư tại 03 huyện biển (Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú), nhà đầu tư được hưởng chính sách miễn tiền thuê đất 11 năm sau khi kết thúc thời gian xây dựng cơ bản, được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi cao nhất (10% áp dụng 15 năm đầu), miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; đối với các dự án trong lĩnh vực xã hội hóa, ngoài chính sách của Trung ương, các nhà đầu tư được hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng đối với từng địa bàn cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017. (Ảnh: Huyền Trang)
“Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, Bến Tre đã tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm tốt trong nhiều năm liền, riêng năm 2016 duy trì ở vị trí 12/63 tỉnh/thành, đứng thứ tư trong vùng ĐBSCL và Chỉ số PAPI đứng vị trí thứ 6/63 tỉnh/thành trong cả nước. Đây là dấu hiệu tích cực, là một trong những yếu tố khẳng định quyết tâm cao của bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Bến Tre tìm kiếm cơ hội đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển sự nghiệp trên địa bàn tỉnh nhà”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng khẳng định: “Là vùng đất hiếu khách cùng với khát vọng vươn lên của nhân dân tỉnh nhà, tỉnh Bến Tre luôn hân hoan chào đón và đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến với Bến Tre, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận và thực hiện thành công các dự án đầu tư của mình; đến với Bến Tre là đến với vùng đất giàu tiềm năng, giàu tình nghĩa và đa dạng ngành nghề, nhiều cơ hội đầu tư. Đến với Bến Tre, các nhà đầu tư sẽ nhận ra nơi đây thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn, thuận lợi và có nhiều cơ hội để phát triển”.
Có thể khẳng định, sức hút của Bến Tre đối với các nhà đầu tư ngày càng mạnh mẽ, sức hấp dẫn về du lịch biển, du lịch sinh thái với du khách trong và ngoài tỉnh ngày càng rõ nét. Bằng sự chung tay góp sức kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng thì với những tiềm năng sẵn có, Bến Tre hoàn toàn có đủ cơ sở để thu hút một làn sóng đầu tư mới, đưa Bến Tre trở thành một điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư và như Thủ tướng Chính phủ đã ví Bến Tre là “viên ngọc quý” của vùng Tây Nam Bộ, đang dần toả sáng.