The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Định: Thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Đó là nội dung trọng tâm được trao đổi, chỉ đạo tại Hội nghị Công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2022 và triển khai công tác cải cách hành chính năm 2023, được UBND tỉnh tổ chức sáng 2.3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 4510/QĐ-UBND ngày 29.12.2022 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Bình Định năm 2023; Sở Nội vụ đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về công tác cải cách hành chính năm 2023. Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
Để cải thiện, nâng cao kết quả các Chỉ số PAPI, Chỉ số PCI, Chỉ số PAR Index và Chỉ số SIPAS của tỉnh năm 2023 so với các năm trước, Sở Nội vụ đề nghị các sở, ngành, địa phương sử dụng hiệu quả các thông tin kết quả đánh giá Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở ngành, địa phương năm 2022, đề ra các giải pháp cải thiện nâng cao hiệu quả cải cách hành chính các sở, ngành, địa phương mình; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế... UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo hướng dẫn, tổ chức triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của UBND cấp xã thực chất, phù hợp với tình hình thực tế; khắc phục tính hình thức của công tác kiểm tra, đánh giá chỉ số cải cách hành chính tại địa phương mình; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính, tiêu cực và gây phiền hà cho nhân dân…
Sở Nội vụ đề nghị nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật; chú trọng việc kiểm tra, hướng dẫn, khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật tại chính quyền cấp cơ sở. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chính quyền trong cải cách thủ tục hành chính; khắc phục những hạn chế trong thực hiện quy trình nội bộ, quy trình liên thông giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, quy trình, giấy tờ giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Đề án “Thực hiện cơ chế giao DN đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh” gắn với công tác số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo. Tổ chức thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30.1.2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Tiến hành rà soát, quy định về vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức gắn với cơ cấu lại và tuyển dụng, bố trí công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với thực tế và theo đúng quy định của Chính phủ. Tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án của Chính phủ về đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức phối hợp liên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ ngày 10.1.2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; đến hết năm 2023, phải đạt tỷ lệ 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn chức danh theo quy định. Tập trung bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số. Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thời gian hoàn thành trong tháng 6 năm 2023.
Tiếp tục thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6.2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức ngoài công lập tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trên các lĩnh vực. Tập trung xây dựng, hoàn thiện Danh mục dịch vụ công, các quy định về khung giá dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành, địa phương; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, DN. Cần phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ/đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả tại địa phương. Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn cho người dân, DN; Chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, thực trạng tình hình hiện nay và nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh trong thời gian tới, trước mắt là trong năm 2023; Gắn cải cách hành chính với đổi mới phương thức hoạt động của ngành Thuế, nội dung nhiệm vụ, kết quả thực hiện thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, trước mắt là năm 2023; Việc phát huy lợi thế về năng lực cạnh tranh của địa phương gắn với thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn…
Dự Hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (thuộc Văn phòng Chính phủ) trao đổi, phân tích thêm về những mặt còn hạn chế thời gian qua, góp ý những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng của tỉnh thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang chỉ rõ, cụ thể những mặt còn hạn chế, lưu ý nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần phải thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chính là “chìa khóa” để giải quyết tất cả điểm nghẽn, bất cập, hạn chế tồn tại trong công tác cải cách hành chính. Công tác chỉ đạo điều hành đi vào trọng tâm, trọng điểm, nói phải làm…
Theo đồng chí Lâm Hải Giang, năm 2023 có tầm quan trọng hết sức đặc biệt vì là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Do đó, trong cải cách hành chính, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá, cần phải nâng cao hiệu quả để tạo tác động tích cực phát triển KT-XH. Nhiệm vụ trọng tâm khác là đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, coi đây là đột phá và yêu cầu quan trọng trong cải cách tổ chức bộ máy.
Về chuyển đổi số, căn cứ vào kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 và định hướng đến năm 2025 của tỉnh vừa mới ban hành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương triển khai thực hiện theo hướng làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả đến đó, tạo động lực cho sự lan tỏa chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính, DN, toàn xã hội.
“Căn cứ vào các chỉ số cải cách hành chính được công bố tại Hội nghị ngày hôm nay, các ngành, địa phương cần phân tích, đánh giá sâu, từ đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá căn cứ vào tình hình thực tế, có chương trình hành động khắc phục những hạn chế, tồn tại. Đặc biệt, mọi khó khăn, vướng mắc của DN, người dân phải được xem xét, giải quyết kịp thời, bởi đây là khâu còn rất yếu trong thời gian vừa qua…”, đồng chí Lâm Hải Giang nhấn mạnh.