Bình Định triển khai cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020
Những khó khăn, thách thức và giải pháp triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020.
Qua 05 năm triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP, nền hành chính của tỉnh Bình Định đã có bước chuyển biến quan trọng theo hướng nền hành chính phục vụ, tạo được lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa gắn với ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả đã tạo thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp góp phần duy trì Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) và làm cho mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với nhân dân có tiến bộ, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
Nền hành chính của tỉnh Bình Định đã có bước chuyển biến quan trọng theo hướng nền hành chính phục vụ, tạo được lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp.
Hệ thống văn bản pháp quy về cơ chế, chính sách nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các sở, ngành ngày càng phát huy hiệu quả tích cực trong việc thực hiện thu hút đầu tư, đảm bảo môi trường kinh doanh được thông suốt, công khai và minh bạch. Cơ cấu, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực ngày càng phát huy hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh có bước chuyển biến tích cực về trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Thực hiện cải cách tài chính công và quản lý ngân sách đã phát huy hiệu quả trong việc phân bổ, bố trí nguồn lực hợp lý đối với các cấp chính quyền. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý của các cơ quan, tổ chức của tỉnh đã góp phần tạo sự minh bạch, “thông suốt” của cơ quan hành chính nhà nước tạo thuận lợi để triển khai thực hiện Chính phủ điện tử trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2015, công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Định còn những khó khăn, thách thức mà trong giai đoạn 2016-2020 phải kịp thời khắc phục và tập trung chỉ đạo để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác cải cách hành chính như:
- Chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX) còn nằm ở nhóm thấp; Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh trong những năm gần đây không ổn định, có xu hướng giảm, ảnh hưởng lớn đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Nhận thức của lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương về vai trò của công tác cải cách hành chính chưa sâu, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng nên chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị; công tác tuyên truyền cải cách hành chính còn chưa sâu rộng, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa trong đại bộ phận người dân, doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính.
- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập, thiếu tính chuyên nghiệp; còn có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước yêu cầu chính đáng của người dân. Bộ máy hành chính các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh chưa thực sự tinh gọn vẫn còn có chiều hướng tăng tổ chức trung gian ở cấp sở, ngành, UBND cấp huyện chưa khắc phục được tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân sự trong cơ quan nhà nước.
- Hiện đại hóa hành chính, nhất là đối với hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện chưa đồng bộ, phụ thuộc vào điều kiện của từng sở, ngành, địa phương. Triển khai tạo kết nối trên môi trường điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước phục vụ điều hành, xử lý văn bản hành chính, cung cấp dịch vụ công còn hạn chế. Triển khai mô hình và lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trên cơ sở tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ đề ra đến năm 2020, tỉnh Bình Định đã xác định một số giải pháp để chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả hơn trong giai đoạn 2016-2020 như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền để nâng cao hơn nữa về nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành về tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với việc đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó phải xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo quyết liệt. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cơ quan cấp trên trực tiếp về kết quả cải cách hành chính và những đánh giá của tổ chức, công dân về chất lượng phục vụ của cơ quan, đơn vị mình.
Thứ hai, xác định đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhân tố có ý nghĩa quyết định cho thành công trong hoạt động quản lý nhà nước và cải cách hành chính. Tiếp tục tổ chức tuyển dụng, tiếp nhận để có đủ số lượng và chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tốt hơn vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, pháp luật tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn; đặc biệt coi trọng đến việc rèn luyện đạo đức, tác phong, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân và yêu cầu của sự phát triển. Tăng cường chỉ đạo, đề ra các giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ ba, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính theo hướng hiện đại. Kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quy định các quy trình, các bước, các thủ tục hồ sơ không còn phù hợp với quy định hiện hành. Thực hiện công khai, minh bạch và cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân, doanh nghiệp về nội dung quy định, quy trình, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức như: Niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên các phương tiện truyền thông.
Thứ tư, thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức rà soát, kiến nghị HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh, loại bỏ các cơ chế, chính sách thiếu tính khả thi, làm cản trở hoạt động phát triển của doanh nghiệp và bổ sung các quy định về cơ chế phối hợp, ủy quyền, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đối với tổ chức, công dân không còn phù hợp; ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quy định của Trung ương, các nội dung còn vướng mắc, có nhiều cách hiểu khác nhau để thống nhất áp dụng chung trên địa bàn tỉnh, hạn chế việc giải quyết theo từng trường hợp cụ thể hoặc trông chờ, ỷ lại vào hướng dẫn của Trung ương.
Tăng cường đối thoại với tổ chức, công dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định hành chính. Khuyến khích công dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền.
Thứ năm, rà soát tổ chức, bộ máy các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, các phòng ban, đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành và địa phương để tổ chức lại theo hướng tinh giản, gọn nhẹ; thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện thành các doanh nghiệp dịch vụ công ích, tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Thứ sáu, tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp. Tăng cường đầu tư nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công bao gồm các dịch vụ: Y tế, giáo dục, giao thông, cấp điện, cấp nước sạch, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn đô thị cần được coi là thước đo để đánh giá chất lượng sống và là chỉ tiêu về phát triển bền vững.
Thứ bảy, tăng cường hiện đại hóa cơ quan hành chính, chú trọng hơn nữa việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị làm việc theo hướng hiện đại. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Tập trung nguồn lực triển khai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử một cách đồng bộ với tiến trình cải cách hành chính nhà nước của tỉnh từ nay đến năm 2020. Tiếp tục triển khai việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đạt hiệu quả theo quy định của Chính phủ.
Trên đây là báo cáo tham luận về những khó khăn, thách thức và giải pháp triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Bình Định .
Xuân Nhi