The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Dương cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số để cải thiện môi trường đầu tư

Sáng 27-5, tại TP.Thủ Dầu Một, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương thực hiện Chương trình truyền hình trực tiếp "Đối thoại với cử tri" chủ đề: "Cải cách thủ tục hành chính - Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm".

​Tham dự Chương trình có bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Huỳnh Đình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.Hồ Chí Minh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố; các đại biểu HĐND tỉnh; đại diện cử tri, Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh và một số hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh điều hành chương trình.

Toàn cảnh buổi đối thoại cử tri​​

Đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân

Thông tin đến cử tri, ông Nguyễn Thanh An – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố; giảm 30 bậc so với năm 2021. Đây là chỉ số đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam như hiện nay, tỉnh Bình Dương xác định cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số là một giải pháp căn cơ, lâu dài cần thực hiện quyết liệt để nâng cao môi trường đầu tư, cải thiện Chỉ số PCI và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh An – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh trả lời cử tri về Chỉ số PCI năm 2022

Để tháo gỡ những "lo lắng" của DN về thuế, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường kinh doanh; Cục Thuế Bình Dương đã tích hợp cơ sở dữ liệu mã số thuế với hệ thống xác thực của Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Trong đó, hoàn thành triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng DVCQG có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế. Kết quả, 100% hồ sơ khai thuế điện tử; 99,09% thực hiện nộp thuế điện tử; 100% hồ sơ hoàn thuế tiếp nhận và xử lý điện tử; 100% DN, hộ cá nhân kê khai thực hiện hóa đơn điện tử…

Ông Nguyễn Văn Công – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương trả lời về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính của ngành Thuế.

Đối với thủ tục về bảo hiểm, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh triển khai 25 thủ tục hành chính với 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Qua đó, các đơn vị, DN thực hiện các thủ tục tham gia BHXH, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và hưởng các chế độ BHXH thông qua giao dịch điện tử; việc lập, gửi hồ sơ được thực hiện trên môi trường điện tử qua Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam tổ chức IVAN, Cổng DVCQG. Năm 2022, đã tiếp nhận 7.995.495 hồ sơ, trong đó, nộp qua giao dịch điện tử 7.522.349, chiếm 94,04%. Có 18.064/18.084 đơn vị thực hiện giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 99,89% (tăng 14,78% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, gộp một số quy trình nghiệp vụ để xử lý một lần, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị. Kết hợp với ngành Bưu chính để triển khai giao nhận hồ sơ qua dịch vụ Bưu chính công ích. Ngoài ra, đẩy mạnh chi trả các chế độ qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để tạo điều kiện cho DN và người thụ hưởng được nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Đặc biệt, với chức năng đặt lịch làm việc trực tuyến, giúp người dân và DN chủ động và tiết kiệm thời gian.

Để hỗ trợ cho người dân và DN, hiện tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh và các địa phương đều có Đội tình nguyện viên, Tổ công nghệ số cộng đồng trực tiếp tư vấn, hướng dẫn người dân, DN trong thao tác, thực hiện thủ tục hành chính trên máy tính, điện thoại di động.

Kiến nghị nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số PCI

Tại Bình Dương, bên cạnh các DN vốn FDI, số lượng các DN vừa và nhỏ, các DN khởi nghiệp chiếm số lượng khá lớn. Do đó việc hỗ trợ, tư vấn DN từ giai đoạn mới khởi nghiệp đến trong hoạt động chuyên ngành, cũng như về kỹ năng quản trị DN, tạo môi trường kết nối giữa các DN liên quan sẽ giúp DN phát triển thuận lợi, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời thông qua đó, có thể nâng cao sự hài lòng của DN. Đó là kiến nghị của cử tri Ngô Tân Khánh Vĩnh - Ủy viên Ban chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giáo Dục Houston123.

Cử tri Ngô Tân Khánh Vĩnh – Ủy viên BCH Hội doanh nhân trẻ, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giáo Dục Houston123 đề xuất giải pháp nâng cao Chỉ số PCI năm 2023

Theo cử tri Trần Thành Trọng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, năm 2023 là năm khó khăn đối với cộng đồng DN. Việc giải quyết nhanh về thủ tục hành chính sẽ giúp DN tiết kiệm về thời gian, tài chính, tận dụng được cơ hội để duy trì hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh. Cụ thể, đối với những thủ tục hành chính liên quan nhiều đơn vị, cần giao một đơn vị chịu trách nhiệm chính chủ trì và quy định thời gian cụ thể cho từng đơn vị. Những thông tin còn vướng mắc, đơn vị chủ trì chủ động yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp. Nếu việc chậm trễ do lỗi của đơn vị nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh.

Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.Hồ Chí Minh phân tích Chỉ số PCI năm 2022 của Bình Dương và đề xuất giải pháp giúp Bình Dương cải thiện Chỉ số PCI năm 2023

Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến DN là quá trình thay đổi một cách tổng thể, toàn diện của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh trong cách làm việc, giải quyết thủ tục hành chính và quản lý điều hành trên công nghệ số. Thời gian qua, Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác này. Tuy nhiên để tạo ra những bứt phá và trở lại nhóm dẫn đầu của cả nước về Chỉ số PCI, Bình Dương cần phải có nhiều giải pháp căn cơ hơn, trong đó chọn công tác giải quyết thủ tục hành chính làm khâu đột phá. Ngoài yếu tố kịp thời, nhanh chóng, khách quan, đòi hỏi phải có sự liên thông giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt là công tác kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với DN trong ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện chỉ số truy cập của DN vào các trang web của tỉnh đứng thứ 10. Tuy nhiên, các chỉ số về gia nhập thị trường, chi phí thời gian,… còn rất thấp. Do đó, cần phải xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi hướng vào người dùng, tiện lợi người dùng, tránh vì tiện lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước. Khi xây dựng ứng dụng, cần khảo sát, lắng nghe ý kiến DN và xây dựng trên nhu cầu của DN.

Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi đối thoại

Kết luận buổi đối thoại, bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Bình Dương luôn nỗ lực và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và DN. Với những góp ý và kiến nghị giải pháp cụ thể của các sở ngành chuyên môn, đại biểu, cử tri tại buổi đối thoại, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ có những giải pháp cụ thể hơn để nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính và cải thiện các chỉ số tỉnh đã sụt giảm trong năm 2022.​

Thường trực HĐND tỉnh mong muốn các ngành, các cấp sẽ cùng chung tay góp sức; các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tiếp tục đồng thuận, ủng hộ và tham gia cùng với tỉnh trong việc thực hiện các định hướng, mục tiêu đề ra.​​​

Theo Tạp chí Kế toán kiểm toán