The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Dương: CCHC và chuyển đổi số phải quyết liệt, không bàn lùi

Ngày 19/02, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, đã diễn ra cuộc họp giao ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), Chuyển đổi số, Đề án 06 và Thành phố thông minh.

CCHC là động lực quan trọng cho phát triển, trong đó cải cách TTHC là trọng tâm, gắn với chuyển đổi số và hệ thống cơ sở dữ liệu trên nền tảng cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh Bình Dương - Ảnh: VGP/Hữu Chung

Cuộc họp có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành.
Cuộc họp đã tập trung thảo luận về những nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể trong công tác CCHC, chuyển đổi số, Đề án 06 và xây dựng thành phố thông minh năm 2024. Theo đó, Bình Dương tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, then chốt và ưu tiên nhằm đạt được kết quả toàn diện hơn trên các lĩnh vực này.
Mục tiêu quan trọng là đạt kết quả cao trên các Chỉ số chỉ đạo và điều hành tỉnh như; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chuyển đổi số (DTI), Chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số Quản trị và phục vụ hành chính (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…, để thuộc Top 10 cả nước.
Đồng thời, Bình Dương cũng tập trung vào việc xây dựng chính quyền số và phát triển Thành phố thông minh. Thành phố thông minh sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06. Điều này cũng sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.
Việc thực hiện các nhiệm vụ và chỉ tiêu này nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và doanh nghiệp trong tỉnh để trở thành một địa phương hấp dẫn, năng động và phục vụ tốt cho cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Trong công tác CCHC, có các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định để tập trung thực hiện. Đó là, đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa và tái cấu trúc các quy định, quy trình liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC), dựa trên cơ sở dữ liệu của Đề án 06 và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đã được số hóa; hoàn thiện, tích hợp và đồng bộ hóa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, kết nối hiệu quả với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuyên ngành.
Bình Dương cũng đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) lên 80%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên 50% và tỷ lệ hồ sơ DVC trực tuyến từ 75% trở lên. Đồng thời, sẽ triển khai DVC trực tuyến liên thông và toàn trình trong các lĩnh vực trọng điểm như; y tế, giáo dục, lao động, tài nguyên, môi trường, kinh doanh và xây dựng.
Đối với Đề án 06, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai các mô hình điểm để thực hiện Đề án trên toàn tỉnh trong năm 2024. Việc làm sạch dữ liệu dân cư và cấp Căn cước công dân (CCCD) cho người dân đến tuổi cấp CCCD sẽ được duy trì, kết hợp với việc tích hợp tài khoản định danh điện tử cho người dân đủ điều kiện. Mục tiêu của Bình Dương là đảm bảo 100% người dân có thẻ CCCD gắn chíp cũng sẽ có tài khoản định danh điện tử để sử dụng, đồng thời triển khai thành công các mô hình điểm của Đề án 06.
Về phát triển Thành phố thông minh, Bình Dương sẽ triển khai các chương trình và dự án của đô thị thông minh, với các kết quả cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên như tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục, nhà ở - đô thị, lao động và việc làm, an ninh, giao thông, không sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển Trung tâm giám sát điều hành thông minh (Intelligent Operations Center - IOC) của tỉnh và mở rộng IOC cho các huyện, thị xã và thành phố.
Bình Dương: CCHC và chuyển đổi số phải quyết liệt, không bàn lùi- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Hữu Chung

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu Ban Chỉ đạo, các sở, ban ngành lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể để ưu tiên tập trung thực hiện trong năm 2024. "Tinh thần là phải thật cụ thể, không nói chung chung, không tràn lan, không bàn lùi, phải được tiến hành một cách quyết liệt và quyết tâm cao, phấn đấu kết quả năm sau cao hơn năm trước, các chỉ tiêu đạt bằng và cao hơn chỉ tiêu do Trung ương quy định", Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu mỗi sở ngành phải thiết lập quy trình rõ ràng để xử lý hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC). Đối với các hồ sơ có sự liên quan từ 2 ngành trở lên, việc giải quyết phải được phối hợp và liên thông chặt chẽ, đảm bảo thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định. Kiểm tra công tác giải quyết TTHC tại các sở ngành, rà soát và cắt giảm những thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, ông yêu cầu rà soát và hoàn thiện các Eform (biểu mẫu điện tử) và báo cáo điện tử để đảm bảo sự thuận tiện và hiệu quả trong quá trình làm việc.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, từ những kết quả đạt được năm 2023 và yêu cầu nhiệm vụ trong năm 2024, với mong muốn năm 2024 là năm "vững vàng, bứt phá, tăng tốc", tập trung nâng cao chất lượng cải cách TTHC, chuyển đổi số trên các lĩnh vực, khó mấy cũng phải thực hiện, tất cả mọi người phải chung tay và không được đứng ngoài cuộc trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, Bình Dương đặt mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh dựa trên nguyên tắc và mục tiêu "hành chính phục vụ, người dân - doanh nghiệp là trung tâm - công nghệ là dẫn dắt - dữ liệu là quan trọng". Điều này đồng nghĩa với việc tập trung vào việc cung cấp dịch vụ hành chính tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của công nghệ và sử dụng thông tin từ hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư và chuyên ngành.
Qua việc áp dụng công nghệ số và quản lý dữ liệu hiệu quả, Bình Dương hy vọng xây dựng một hệ thống chính quyền điện tử và chính quyền số tiên tiến. Điều này sẽ giúp tăng cường sự phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh