Bình Dương - điểm sáng thu hút FDI
Theo số liệu mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong 11 tháng đầu năm 2015, địa phương này đã thu hút được 1,823 tỷ USD vốn FDI, đạt 182% kế hoạch năm, cao hơn 19% so cùng kỳ năm 2014. Với kết quả này, Bình Dương chiếm vị trí thứ tư trong cả nước về thu hút FDI và tiếp tục khẳng định là một "địa chỉ đỏ" về thu hút đầu tư trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. "Phong cách" Bình Dương Có ý kiến cho rằng, Bình Dương thu hút vốn FDI tốt là nhờ vào yếu tố "thiên thời, địa lợi", bởi nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giao thông thuận lợi, gần các cảng biển lớn... Nhưng với không ít nhà đầu tư nước ngoài, họ đến và đầu tư tại địa phương này là do bị thuyết phục bởi "phong cách Bình Dương". Mới đây nhất, cuối tháng 11/2015, tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Kocham Tower có tổng vốn đầu tư 2 triệu USD, với mục tiêu là xây dựng tòa nhà văn phòng, trường dạy văn hóa, nhà hàng ẩm thực Hàn Quốc... Dự án này xuất phát từ việc Chi hội Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương mong muốn có một văn phòng làm việc gần nơi sản xuất của các doanh nghiệp, gần chính quyền tỉnh để có thể thuận tiện đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn. "Với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chúng tôi đã linh hoạt tham mưu cho lãnh đạo tỉnh chấp thuận dự án", một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương nói và cho biết, Dự án được cấp diện tích 1.500 m2 tại Thành phố mới Bình Dương và đáp lại thịnh tình đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc hứa sẽ nhanh chóng sắp xếp nguồn vốn và hoàn thành Dự án trong thời gian sớm nhất. Đã nhiều năm gắn bó với công việc cấp phép các dự án FDI, ông Dương Tấn Thành, Trưởng phòng Hợp tác - Kinh tế đối ngoại còn nhớ nhiều câu chuyện thú vị. Cách đây hơn chục năm, khi cơ sở hạ tầng và nhiều điều kiện khác của Bình Dương chưa phát triển như bây giờ, một doanh nghiệp của Đài Loan đến tìm hiểu cơ hội để đầu tư một dự án khá lớn trong lĩnh vực sản xuất bếp ga và linh kiện. "Lãnh đạo tỉnh khi đó thay vì thuyết phục nhà đầu tư, đã chân tình mời họ ở lại để thăm, tìm hiểu các nét văn hóa và con người Bình Dương. Sau đó, doanh nghiệp này đã quyết định đầu tư dự án và đến nay vẫn đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại Bình Dương", ông Thành kể. Kinh nghiệm hút vốn FDI... Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, thành công trong thu hút FDI của Bình Dương là kết quả tất yếu của một quá trình phấn đấu. Từ việc phát huy các yếu tố "thiên thời, địa lợi", Bình Dương đã chủ động, mạnh dạn chớp lấy thời cơ nhằm khai thác yếu tố thuận lợi về địa lý, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng... Trong thực tế, cũng có thời điểm thu hút vốn FDI của Bình Dương có sự sụt giảm. Đó là giai đoạn mà Bình Dương kiên quyết "mời" các dự án vào các khu công nghiệp đã được quy hoạch. Cả một thời gian dài trước đó, không ít nhà đầu tư đã quen với việc đòi hỏi, thích xin đất ở đâu là được ở đó, nên khi không được như ý là họ bỏ đến nơi khác đầu tư. Tuy nhiên, sau đó, trong giai đoạn 2010-2015, thu hút FDI của Bình Dương phát triển nhanh, có thêm 879 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ USD. Đến nay, tại Bình Dương, đã có 2.567 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 22,244 tỷ USD của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, đầu tư vào các khu công nghiệp là 1.523 dự án, với tổng vốn đầu tư 13,972 tỷ USD, chiếm 62,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã chủ động xây dựng các chương trình, nội dung xúc tiến, mời gọi đầu tư; luôn sâu sát, lắng nghe và kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư; tập trung nguồn lực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính thực hiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bên cạnh đó, một yếu tố cũng rất quan trọng là sự đồng thuận của nhân dân, nhất là nhân dân trong vùng dự án. Chủ trương nhất quán của tỉnh là phải đền bù giải tỏa sát với giá thị trường, quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng các khu tái định cư, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tái hòa nhập và tham gia làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; sinh sống theo nếp sống đô thị, văn minh trong các khu dân cư đô thị mới với nhiều tiện ích phục vụ ngày càng tốt hơn. Những tín hiệu mới Nhiều năm qua, Bình Dương vẫn trăn trở vì chưa thu hút được nhiều dự án FDI có quy mô tỷ USD. Bình Dương hiện có 2 dự án tỷ USD, nhưng đều là ở lĩnh vực bất động sản, còn các dự án trong lĩnh vực sản xuất, nhất là các dự án của các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, có giá trị lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì còn vắng bóng. Những năm qua, cũng đã có không ít tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu cơ hội, đặt vấn đề đầu tư dự án có quy mô vốn hàng tỷ USD tại Bình Dương. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay chưa có dự án nào cập bến. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trúc cho biết, trong 5 năm tới, quan điểm quy hoạch phát triển của Bình Dương là phải mang tính phù hợp và kết nối kinh tế với vùng, ngành; phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ và đô thị. Về thu hút vốn FDI, Bình Dương khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thu hút các dự án có quy mô lớn, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. "Song song với việc tích cực xúc tiến đầu tư, mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, Bình Dương luôn coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ để các doanh nghiệp tin tưởng tăng vốn, mở rộng sản xuất các dự án đang hoạt động", ông Trúc nói và tin tưởng rằng, trong thời gian không xa, sẽ có nhiều dự án có quy mô vốn lớn có mặt tại Bình Dương. Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, một dự án mới được Bình Dương cấp phép trong năm nay, vốn đầu tư đăng ký gần 300 triệu USD, đã quyết định chuẩn bị các thủ tục để xin tăng vốn đầu tư lên thêm hơn 700 triệu USD nữa. Nếu mọi việc suôn sẻ, thì Bình Dương sẽ có dự án tỷ USD đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất. Tín hiệu này cũng là cơ sở để tin rằng, thời gian tới, Bình Dương vẫn sẽ là một địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hồng Sơn
Theo Báo Đầu tư ngày 01/12/2015