The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Dương: Nhiều giải pháp nâng cao PCI

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ hữu ích đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương các tỉnh, thành. Do đó, kết quả PCI hàng năm giúp Bình Dương có thêm nhiều kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc, phát huy thế mạnh tiếp tục tạo sức hấp dẫn trong môi trường đầu tư.

Trong những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao PCI. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Uchiyama Việt Nam (Khu công nghiệp Đại Đăng, TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Cải thiện môi tr ường đầu tư kinh doanh

Năm 2016, tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những biến chuyển tích cực. Trong năm, toàn tỉnh đã thu hút được 34.171 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh của các DN trong nước, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 25.671 DN trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn 190.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài 2,119 tỷ USD, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 2.849 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 25,8 tỷ USD.

Đạt được những kết quả nói trên, Bình Dương đã triển khai thực hiện tốt nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh… Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, hỗ trợ DN; đề ra nhiều giải pháp đột phá để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính. Riêng trong năm 2016, tỉnh đã tham gia góp ý hoàn thiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ DN. ..

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nằm trong cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND tỉnh đã và đang tiếp tục hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp; phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần số lượng DN hiện có của tỉnh và rút ngắn thời gian đăng ký DN còn 2 ngày làm việc. UBND tỉnh cũng đã có phương án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, thoái vốn DN Nhà nước do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2016-2020.

Nằm trong nỗ lực giúp DN trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, đến nay tỉnh đã xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư và chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cho 85 dự án với tổng diện tích sàn 3,8 triệu m2. Chỉ tính trong năm 2016, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.364 căn, qua đó giúp người lao động nhập cư ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp, xem Bình Dương là quê hương thứ hai của mình.

Đối với công tác đào tạo lao động cũng thường xuyên được tỉnh chỉ đạo, triển khai rộng rãi trong DN có tổ chức công đoàn; cùng với đó tăng cường mở các lớp tuyển sinh tại chỗ, đào tạo tại chỗ, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư xây dựng một số trường đào tạo công nhân có trình độ quốc tế trên địa bàn tỉnh…

Giải quyết kịp thời vướng mắc của DN

Thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ với DN, hiệp hội ngành hàng, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN. Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương cho biết, môi trường đầu tại Bình Dương hiện nay rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Riêng trong năm 2016, tỉnh tiếp tục tạo môi trường tốt nhất cho DN đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa phương, điều đó tạo sự an tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư.

Liên quan đến PCI, ông Trọng cho biết: “Đối với DN, chúng tôi quan tâm nhất là tiêu chí chi phí không chính thức, vì nó ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư. Tiếp đến là tiêu chí thứ 2 - sự hỗ trợ đồng hành của lãnh đạo tỉnh đối với DN”.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận với các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoa học - công nghệ, tỉnh đang xây dựng Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và cam kết tạo lập môi tường kinh doanh thuận lợi cho DN giữa UBND tỉnh và VCCI.

PHƯƠNG LÊ

Báo Bình Dương