The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Dương quyết tâm đưa Chỉ số PCI trở lại top 10

Bình Dương xác định nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI là mục tiêu quan trọng, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững. Từ đó, Bình Dương quyết tâm triển khai các giải pháp để đưa Chỉ số PCI năm 2023 trở lại top 10 cả nước.
Báo cáo từ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh đạt 65,13 điểm, xếp hạng thứ 36/63 tỉnh, thành phố cả nước. So với năm 2021, PCI của Bình Dương đã giảm 4,48 điểm điểm và giảm 30 bậc.
Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường đạt 6,32 điểm (giảm 0,06 điểm) thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Một số chỉ tiêu giảm điểm như: Thời gian đăng ký doanh nghiệp (trung vị) giảm 0,5 ngày, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố; Thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (trung vị) tăng 4 ngày, xếp hạng 60/63 tỉnh, thành.
Chỉ số thành phần gia nhập thị trường đánh giá dựa trên kết quả phản ánh của doanh nghiệp (DN) về một số thủ tục đăng ký thành lập DN và hoàn thiện các thủ tục để chính thức hoạt động. Nếu được tạo thuận lợi thì không chỉ DN được hưởng lợi mà chính địa phương cũng được hưởng lợi sau khi DN đi vào hoạt động. Nút thắt tồn tại và khó tháo gỡ nhất hiện nay là tính liên thông, liên ngành trong giải quyết các vướng mắc hồ sơ cho DN.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của DN
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của DN
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, để cải thiện Chỉ số PCI, trước hết cần quan tâm chỉ số thành phần gia nhập thị trường. Bình Dương cần có cơ chế liên thông, phối hợp giữa các sở, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính cho DN. Đối với những hồ sơ vướng mắc phát sinh liên quan giữa các sở ngành hầu như DN phải tự liên hệ để xử lý, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí, thời gian.
Các sở ngành cần phải cùng ngồi lại với nhau để giải quyết cho DN; Bên cạnh đó, cũng cần minh bạch công khai về hồ sơ tiếp nhận xử lý; Danh sách số hồ sơ trả lại, nêu rõ nguyên nhân, lý do trả hồ sơ cũng như thông báo thời gian giải quyết cụ thể đối với hồ sơ tồn đọng.
Mặc dù lĩnh vực tiếp cận đất đai Bình Dương vẫn có những điểm sáng tích cực. Tuy nhiên, năm 2022, Chỉ số tiếp cận đất đai đạt 7,06 điểm, giảm 0,15 điểm, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố (giảm 1 bậc).
Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Dương cho biết, Sở đã có nhiều nỗ lực để đạt được kết quả tốt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, do lĩnh vực đất đai nhạy cảm, phức tạp, trong khi chính sách pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi, mặc dù được bổ sung, cập nhật, điều chỉnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn; Các văn bản hướng dẫn của Trung ương đôi lúc chưa kịp thời gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo Giám đốc Sở TN&MT, việc xử lý các nội dung chuyển tiếp, giao thời giữa luật cũ và mới chưa được hướng dẫn giải quyết triệt để; một số quy định chưa được hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa rõ ràng... dẫn đến những khó khăn nhất định trong giải quyết thủ tục liên quan đất đai.
Thời gian qua, hiệu quả giải quyết TTHC có cải thiện đáng kể song vẫn cần thêm nhiều nỗ lực cải cách ở một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho DN như đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn chồng chéo, phức tạp, doanh nghiệp ít nắm được những thông tin liên quan.
Bảng so sánh 10 chỉ số thành phần PCI năm 2021 và 2022
Bảng so sánh 10 chỉ số thành phần PCI năm 2021 và 2022
Mặc khác, hệ thống trang thiết bị phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, DN tại bộ phận Một cửa chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cán bộ, công chức, người dân. Hệ thống xử lý TTHC thường xuyên phát sinh lỗi, gây ách tắc trong quá trình xử lý, vận hành bộ máy để giải quyết trả kết quả cho DN. Cùng với đó, cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu DN đang trong giai đoạn thiết lập hoặc làm "sạch" nên quá trình thực hiện các dịch vụ công còn khó khăn nhất định do các quy định về bảo mật, xác thực thông tin. Vì vậy, DN chưa đánh giá cao việc thực hiện TTHC trực tuyến sẽ giúp DN tiết giảm thời gian, chi phí. Đây cũng là một trong những nguyên nhân kéo các chỉ số thành phần bị giảm điểm.
Theo ông Lê Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, số lượng công việc nhiều, thường xuyên phát sinh đột xuất nhiệm vụ mới ngoài các nhiệm vụ được phân công theo quy định pháp luật và số lượng hồ sơ phải giải quyết trong ngày nhiều. Với số lượng cán bộ được phân công phụ trách tại bộ phận Một cửa khó có thể thực hiện tốt công tác chuyên môn và nhiệm vụ được phân công (không đảm bảo được số lượng, thời gian xử lý hồ sơ). Điều này gây áp lực lớn đối với việc đăng ký doanh nghiệp, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến sự hài lòng của DN, làm ảnh hưởng đến các chỉ số thành phần PCI của tỉnh.
Từ những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu các sở ngành liên quan cùng các địa phương đơn giản hóa TTHC hơn nữa, rút ngắn thời gian cấp Giấy phép đăng ký doanh nghiệp; Thống kê thủ tục đăng ký doanh nghiệp bị trả lại, chủ động liên hệ hướng dẫn DN; Tăng cường công tác đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho DN; Thực hiện minh bạch trong đấu thầu và tăng cường phòng, chống tham nhũng; Hỗ trợ cung cấp hồ sơ hướng dẫn rõ ràng cho DN; Thực hiện tốt công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ DN đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động…
Bình Dương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Bình Dương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã thông qua kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Kế hoạch tập trung vào 2 mục tiêu: Đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển kinh doanh, tạo điều kiện thu hút nhiều DN đến với Bình Dương; Tăng cường phối hợp, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ hướng đến sự hài lòng của người dân và DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại với DN từ đó sẽ có những chính sách rõ ràng, nhất quán tháo gỡ khó khăn; Chú trọng tới vai trò, tiếng nói của cộng đồng, hiệp hội DN trong quá trình hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh quan tâm đến tính công bằng, bình đẳng trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ, cũng như cung cấp thông tin, giải quyết các vướng mắc, khó khăn đối với các DN; Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư bằng nhiều phương thức linh hoạt, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh qua kênh đối ngoại, thông qua các diễn đàn, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.
Kế hoạch cũng nêu rõ những giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; tạo chuyển biến mạnh mẽ từ đội ngũ cán bộ, công chức, đơn giản hoá thủ tục, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập, thay đổi, bổ sung trong đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư; Rà soát và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; Sửa đổi, bổ sung, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật nói chung, các quy định liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nói riêng; Thành lập tổ hướng dẫn DN tại Trung tâm Hành chính công tỉnh để kịp thời hướng dẫn, xử lý vướng mắc hồ sơ cho DN; Tập trung nguồn lực đảm bảo xử lý hồ sơ TTHC đúng thời gian, trình tự, thủ tục theo quy định.
Giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương
Giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương
Để giải bài toán trong quản lý, giải quyết thủ tục đất đai, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp rà soát, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp trong quản lý, tạo quỹ đất sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về đất đai nhằm nhanh chóng đưa vào khai thác, phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai; thường xuyên cập nhật nhằm đảm bảo tính chính xác, đồng bộ, mở rộng chia sẻ thông tin, giúp người dân và DN dễ dàng trong tiếp cận, khai thác sử dụng. Tăng cường cải cách TTHC về đất đai, trong đó ưu tiên ứng dụng thành quả chuyển đổi số, nhằm đảm bảo rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ theo quy định…
Mặc dù Chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh có sự sụt giảm nhưng Bình Dương vẫn có những điểm sáng về môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, cơ sở hạ tầng tiếp tục là thế mạnh của Bình Dương.
Bình Dương cũng nằm trong nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ DN có vốn đầu tư nước ngoài có dự án mở rộng sản xuất kinh doanh cao nhất. Với thế mạnh sẵn có cùng với quyết tâm đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, tin rằng Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.