The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Dương tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút đầu tư

Tỉnh Bình Dương xác định quyết tâm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình đổi mới thu hút đầu tư (giai đoạn 2016 - 2020) với những nội dung cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; đồng thời, rà soát các giải pháp duy trì và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới.

Sản xuất giày da tại Công ty cổ phần công nghiệp Đông Hưng (thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Bên cạnh đó, Bình Dương nỗ lực triển khai cải cách thủ tục đầu tư đối với các khu công nghiệp; gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để lắng nghe giải quyết nhanh những vướng mắc của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Quý I năm 2017, chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương tăng 7,27% so với cùng kỳ năm 2016. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được hơn 1,3 tỷ USD từ các dự án đầu tư nước ngoài (trong đó, có 43 dự án đăng ký mới với tổng vốn là 793 triệu USD và 18 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm 551 triệu USD).

Đến nay, toàn tỉnh có 2.890 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký hơn 27,1 tỷ USD. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 43,8% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai đầu tư xây dựng một số khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương với tổng diện tích là 3.146 ha.

Trong quý I, Bình Dương cũng thu hút hơn 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (gồm 966 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn gần 5.400 tỷ đồng và 166 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn với tổng số tăng thêm hơn 3.700 tỷ đồng). Tính đến nay, toàn tỉnh có gần 26 nghìn 600 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 198 nghìn tỷ đồng.

* Giai đoạn từ năm 2017 - 2020, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai 74 dự án (với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng) xây mới phòng học, các hạng mục phụ trợ và đầu tư trang, thiết bị dạy và học tại các trường mầm non, tiểu học của 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Theo quyết định của UBND tỉnh Kon Tum, các dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ là 79 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện, thành phố.

Các dự án này nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, bảo đảm yêu cầu dạy và học cho học sinh, được triển khai chủ yếu tập trung ở các xã, huyện đặc biệt khó khăn, nơi điều kiện dạy và học gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cụ thể, thành phố Kon Tum có hai dự án với kinh phí hơn 2,290 tỷ đồng; huyện Sa Thầy có sáu dự án với kinh phí 13,1 tỷ đồng; huyện Đác Tô có 10 dự án với kinh phí 13,1 tỷ đồng; huyện Đác Hà có năm dự án với kinh phí 7,3 tỷ đồng; huyện Kon Plông có 11 dự án với kinh phí 10,3 tỷ đồng; huyện Đác Glây có 12 dự án với kinh phí 15,6 tỷ đồng; huyện nghèo 30A Tu Mơ Rông có tám dự án với kinh phí 13,5 tỷ đồng; huyện Kon Rẫy có bốn dự án với kinh phí 6,8 tỷ đồng; huyện Ngọc Hồi có sáu dự án với kinh phí 6,8 tỷ đồng và huyện mới Ia H'Drai có 10 dự án với kinh phí được phê duyệt 11 tỷ đồng.

PV và TTXVN

Báo Nhân dân