The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Dương: Tiếp tục cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập

Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, công khai, minh bạch; tập trung đầu tư hạ tầng, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn nữa để duy trì, nâng cao Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế và cải thiện thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI). Đây là các nội dung chính được đưa ra tại hội nghị bàn về đề án nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế và tình hình triển khai thực hiện đề án nâng cao PCI do UBND tỉnh tổ chức.
Phát huy năng lực hội nhập Năm 2013 vừa qua, Bình Dương đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành về Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế. Kết quả này được công bố từ Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế cho thấy, mặc dù tình hình kinh tế suy thoái và biến động nhưng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như người dân, doanh nghiệp (DN), tỉnh nhà vẫn đạt được thành quả khích lệ trong hội nhập kinh tế. Trong các yếu tố trụ cột (thương mại, đầu tư, du lịch, con người, cơ sở hạ tầng, văn hóa, thể chế, đặc điểm địa phương...) làm căn cứ để xếp hạng, nhiều yếu tố của địa phương có sự thăng hạng rất ngoạn mục, nhất là về thương mại và đầu tư.
Giám đốc Sở Công Thương Võ Văn Cư cho biết trên lĩnh vực thương mại, Bình Dương vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng xuất nhập khẩu bình quân khá cao; sức mua trên thị trường ổn định, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hình thành nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lưu thông hàng hóa. Yếu tố này của tỉnh đã từ vị trí thứ 13 năm 2010 vươn lên vị trí thứ 7 trong năm 2013. Cùng với đó là lĩnh vực đầu tư cũng là một yếu tố trụ cột thăng hạng rõ nét, từ vị trí 14 năm 2010, lên vị trí thứ 2 năm 2013. Trong những năm qua, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại địa phương luôn vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ vốn đăng ký/dự án và tỷ lệ vốn điều lệ/dự án không có quá nhiều khoảng cách, chứng tỏ lượng FDI vào tỉnh là tương đối thực chất và quan trọng hơn, tỷ lệ này gần như không thay đổi giữa các giai đoạn, cho thấy Bình Dương vẫn đang là một tâm điểm hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân cũng khá lớn, cho thấy năng lực hấp thu nguồn vốn của địa phương; môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút đông đảo các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Võ Văn Cư, để tiếp tục duy trì, nâng cao Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế, Bình Dương cần có một lộ trình cụ thể để nghiên cứu tiềm năng, hoạch định chiến lược, thực thi chiến lược, đánh giá và điều chỉnh. Một số giải pháp để giữ vững thứ hạng năng lực hội nhập cũng đã được đưa ra như tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy tăng trưởng về đầu tư, thương mại; tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm du lịch, khôi phục, phát triển các làng nghề, lễ hội truyền thống; thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn nhân lực; đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng; chủ động đề xuất các chính sách phù hợp với đặc điểm địa phương…
Cải thiện thứ hạng PCI
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Mai Hùng Dũng cũng đã đánh giá tình hình triển khai đề án nâng cao PCI năm 2013. Các nội dung chủ yếu của đề án như cải cách, nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế pháp lý; phát triển đa dạng các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ DN; nâng cao khả năng tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; giảm thiểu chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước; thực hiện các biện pháp giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo lao động; nâng cao tính minh bạch và tiếp cận thông tin; giảm thiểu chi phí không chính thức; phát huy tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh…
Cũng theo ông Dũng, tình hình triển khai đề án đã được các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung thực hiện nhằm nâng cao chỉ số PCI trong năm 2013. Đặc biệt, nhiều nội dung của đề án đã và đang được thực hiện với những kết quả khích lệ. “Hiện nay, các KCN đã tạo ra quỹ đất sạch với 2.300 ha để giúp các nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn; tỉnh cũng quy hoạch 300 ha trong KCN Bàu Bàng để thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ, các DN có nguy cơ ô nhiễm nhằm tăng cường thu hút đầu tư và chuẩn bị điều kiện tốt để đón nhận cơ hội khi Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết…”, ông Dũng cho hay. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính; áp dụng chữ ký số, thực hiện thông quan điện tử, sử dụng máy soi container kiểm tra hàng hóa; khai thuế qua mạng internet, nộp thuế qua ngân hàng… Đặc biệt, tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ tính tiên phong của lãnh đạo, thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung nhấn mạnh: Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế và Chỉ số PCI rất quan trọng. Năm 2013, Bình Dương đứng thứ 3 về Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế là một kết quả rất đáng trân trọng, đánh dấu sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, ban ngành, chính quyền các cấp. Chính vì thế, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục nỗ lực để giữ vững kết quả này. Riêng đối với chỉ số PCI, địa phương cũng thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, phát huy những mặt đã làm được; đồng thời rà soát, đánh giá những hạn chế, qua đó khắc phục nghiêm túc nhằm cải thiện, nâng cao thứ hạng chỉ số này. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần phải có cơ chế giám sát, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức dưới quyền, ngăn ngừa các hiện tượng nhũng nhiễu. Hiện Bình Dương đã thực hiện di dời các sở, ngành vào Trung tâm Hành chính tập trung sẽ giúp thực hiện các thủ tục hành chính thuận lợi, nhanh chóng hơn cho người dân và DN.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung, để tiếp tục hỗ trợ DN, chính quyền cũng sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với DN, trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng hơn nữa, thúc đẩy quá trình sản xuất - kinh doanh của cộng đồng DN trên địa bàn.
ĐÀM THANH