The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Phước: Chỉ số PCI có xu hướng tiến nhanh về vị trí trung vị của cả nước

Năm 2022, chỉ số PCI của Bình Phước tăng mạnh 2,15 điểm (từ 62,17 lên 64,32 điểm), tăng 7 bậc (từ vị trí 50 lên 43/63 tỉnh, thành) và có xu hướng tiến nhanh về vị trí trung vị của cả nước. Đây là thông tin được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi báo cáo tại hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số PCI tỉnh Bình Phước, chỉ số DDCI thuộc tỉnh Bình Phước năm 2022, phương hướng và giải pháp năm 2023 diễn ra sáng 30-8.
Trong những năm qua, UBND tỉnh, Tổ công tác PCI tỉnh đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao chỉ số PCI của tỉnh; cập nhật kịp thời các quy định pháp luật và yêu cầu mới của doanh nghiệp để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động với các giải pháp cụ thể và đôn đốc thực hiện. Từ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, thực chất hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, cũng như đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong năm 2022, trên cơ sở báo cáo của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ công tác PCI tỉnh đã họp phân tích, đánh giá 10 chỉ số thành phần của Chỉ số PCI với 142 chỉ tiêu con và 4 chỉ số thành phần của Chỉ số PGI (chỉ số xanh) với 41 chỉ tiêu con liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và xác định rõ những chỉ số thành phần, những chỉ tiêu con có điểm thấp, hoặc có sự sụt giảm liên quan đến lĩnh vực của từng cơ quan, đơn vị. Qua đó xác định các nội dung quan trọng cần phải tập trung cải thiện và đề xuất giải pháp khắc phục các điểm nghẽn, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông dòng vốn đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cho rằng chỉ số PCI của Bình Phước có xu hướng tiến nhanh về vị trí trung vị của cả nước
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi cho rằng, năm 2021 là lần đầu tiên Bình Phước triển khai thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (DDCI). Đây được xem là kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia đóng góp ý kiến nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Với kết quả chỉ số PCI Bình Phước năm 2022 tăng mạnh 2,15 điểm (từ 62,17 lên 64,32 điểm), tăng 7 bậc (từ vị trí 50 lên 43/63 tỉnh, thành), xu hướng tiến nhanh về vị trí trung vị của cả nước, đã thể hiện sự hiệu quả của việc thực hiện đánh giá chỉ số DDCI. Việc đánh giá chỉ số DDCI năm 2021 đã giúp từng cơ quan, đơn vị xác định rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm của ngành, đơn vị để từ đó đề ra giải pháp khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cải thiện chỉ số PCI của tỉnh năm 2022.

UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo và những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự chung tay, góp sức và vào cuộc của người dân, doanh nghiệp đã góp phần hỗ trợ tỉnh đạt được những kết quả quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI năm 2022.

Nhiều tín hiệu tích cực từ kết quả PCI

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI Phạm Ngọc Thạch đánh giá, phân tích kết quả PCI năm 2022 và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023.

Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI Phạm Ngọc Thạch cho biết: Năm 2021, bộ chỉ số PCI đã thay đổi nội dung, số lượng các chỉ tiêu thuộc 10 chỉ số thành phần PCI. Năm 2022, VCCI chính thức triển khai chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI như một hợp phần về môi trường được tích hợp trong báo cáo PCI.

Đánh giá chung về PCI năm 2022 của tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, ông Phạm Ngọc Thạch cho biết: Năm 2022, VCCI không công bố xếp hạng cụ thể chỉ số PCI gốc nhưng ghi nhận 6 xu hướng đáng chú ý về chất lượng điều hành cấp tỉnh. Ông Thạch nhận định năm 2022 khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong cả nước gặp phải trong hoạt động sản xuất - kinh doanh là tiếp cận vốn, tìm kiếm khách hàng, khó khăn của dịch Covid-19, biến động thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh…

Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI Phạm Ngọc Thạch có những đánh giá, phân tích kết quả PCI năm 2022 và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023

Đối với Bình Phước, năm 2022, chỉ số PCI tăng mạnh 2,15 điểm (từ 62,17 điểm lên 64,32 điểm), thứ hạng tăng 7 bậc từ vị trí 50/63 lên 43/63 tỉnh, thành, xu hướng tiến nhanh về vị trí trung vị của cả nước. Trong đó có 6 chỉ số thành phần tăng cả điểm số và xếp hạng, đó là: Chỉ số Gia nhập thị trường tăng 0,81 điểm và tăng 28 bậc, xếp hạng 25; chỉ số Chi phí thời gian tăng 0,28 điểm và tăng 7 bậc, xếp hạng 32; chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 0,06 điểm và tăng 1 bậc, xếp hạng 57; chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh tăng 0,20 điểm và tăng 14 bậc, xếp hạng 13; chỉ số Đào tạo lao động tăng 0,07 điểm và tăng 10 bậc, xếp hạng 46; chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự tăng mạnh 1,30 điểm và tăng 24 bậc, xếp hạng 35.

Đối với chỉ số Tiếp cận đất đai mặc dù điểm số có giảm nhưng thứ hạng tăng 6 bậc, xếp thứ 23 của cả nước. Chỉ số Chi phí không chính thức tăng 0,55 điểm nhưng vẫn giữ nguyên thứ hạng 59. Có 2 chỉ số thành phần giảm cả điểm số và xếp hạng, đó là chỉ số Tính minh bạch và chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, lần lượt giảm 0,07 điểm và 1,19 điểm, xếp thứ 13 và 26 của cả nước.

So sánh với khu vực Đông Nam Bộ, chỉ có Bình Phước cùng Bà Rịa - Vũng Tàu tăng điểm số và thứ hạng; còn lại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh cùng bị giảm điểm số và thứ hạng. Mặc dù vẫn xếp thứ 5/6 tỉnh, thành trong khu vực, nhưng trong năm qua Bình Phước có nhiều nỗ lực để rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh, thành còn lại.

Đối với chỉ số PGI được công bố lần đầu tiên từ năm 2022, Bình Phước đạt 14,36 điểm, xếp hạng 41/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Để đạt được kết quả này, trong 2022, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, chương trình hành động của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh. Tổ công tác PCI của tỉnh đẩy mạnh việc cải thiện chỉ số PCI kết hợp với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh; tham mưu UBND tỉnh giải quyết hiệu quả, kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư khi chưa có quy định, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể của Trung ương.

Tuy nhiên qua phân tích 142 chỉ tiêu con của 10 chỉ số thành phần PCI và 41 chỉ tiêu con của 4 chỉ số thành phần PGI năm 2022 cho thấy, các chỉ số đạt thấp. Nguyên nhân được cho doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc được hướng dẫn và thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện.

Một số doanh nghiệp lo ngại thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian, rủi ro bị thu hồi đất tăng và doanh nghiệp lớn thuận lợi hơn trong việc tiếp cận đất đai, giải quyết thủ tục hành chính và có được hợp đồng từ cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp cũng mong đợi thông tin hữu ích đối với doanh nghiệp về các quy định về thủ tục hành chính trên website của tỉnh được cung cấp nhiều hơn; thủ tục được giảm giá thuê mặt bằng tại khu/cụm công nghiệp dễ thực hiện và các vướng mắc trong thực thi các hiệp định thương mại tự do FTA được giải đáp hiệu quả. Dữ liệu Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường…

4 nhiệm vụ trọng tâm chinh phục chỉ số PCI thời gian tới

Trên cơ sở kết quả đạt được, Bình Phước sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh năm 2023, phấn đấu tăng chỉ số PCI từ 5 đến 7 bậc so với năm 2022.

Để hoàn thành mục tiêu này, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, có kế hoạch khắc phục ngay 10 nguyên nhân hạn chế chủ yếu trong năm 2022 liên quan đến công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời công khai tiến độ quy hoạch sử dụng đất trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang web của sở; tham mưu thực hiện phân cấp, phân quyền đảm bảo quy định pháp luật hiện hành để thời gian thực hiện xác định giá đất được nhanh chóng; tham mưu giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn về đất đai do những thủ tục, quy định về đất đai còn chưa rõ.

Chỉ số PCI tăng nhanh góp phần thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào Bình Phước. Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền dự lễ khánh thành Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam tại Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico (huyện Hớn Quản)

Ban Quản lý khu kinh tế nghiên cứu tham mưu các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thuận lợi trong việc giảm giá thuê mặt bằng tại khu/cụm công nghiệp đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành.

Sở Công Thương nghiên cứu các quy định của Trung ương, tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do FTA.

Cục Thuế tiếp tục thực hiện những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kê khai thuế, nộp thuế trên môi trường điện tử.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện sự nghiệp giáo dục, tăng cường hỗ trợ học sinh trung học phổ thông vùng sâu, vùng xa…

Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc kết nối Bình Phước và Tây Nguyên đến các cảng biển - cảng hàng không quốc tế và ga đường sắt. Bên cạnh đó, chú trọng đảm bảo năng lượng điện, tiếp tục phát triển các khu/cụm công nghiệp và các cơ sở hạ tầng khác, nhằm tăng cường thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI.

Thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, chương trình hành động của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh về cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Duy trì kết quả tốt của các chỉ số thành phần, các chỉ tiêu con đạt được trong năm qua của các bộ chỉ số PCI, PGI; các đơn vị cung cấp mẫu khảo sát để triển khai thực hiện Đề án DDCI năm 2023 đầy đủ hơn; tập trung cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng đạt còn thấp, đặc biệt là các chỉ số thành phần có trọng số cao.

Theo Báo Bình Phước