The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Phước: DDCI - tiếng nói của doanh nghiệp, trách nhiệm của chính quyền

Năm 2022, Bình Phước tiếp tục triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố (DDCI). Đây là một trong những công cụ hữu hiệu để đưa ra bức tranh chung về môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Việc đánh giá đúng DDCI sẽ góp phần nhận diện rõ những “nút thắt” trong chất lượng điều hành tại các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, từ đó giúp tỉnh đưa ra giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thực hiện DDCI cũng thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong minh bạch thông tin, nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu tư và đồng hành với doanh nghiệp (DN) trong quá trình phát triển.

Năm 2022, Bình Phước nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, giữ vững đà tăng trưởng. Cộng đồng DN, nhà đầu tư nhận được nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện để hồi phục và phát triển. Là năm thứ 2 triển khai chỉ số DDCI, Bình Phước xem đây là hoạt động phản ánh tiếng nói của cộng đồng DN và các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh khi trao quyền cho DN thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh.

Năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận thêm nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện để hồi phục và phát triển kinh tế. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Y&J, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, thị xã Chơn Thành tất bật hoàn thành đơn hàng cuối năm

Gửi gắm kỳ vọng của DN đến chính quyền

Năm 2021, Bình Phước triển khai bộ chỉ số DDCI trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn ghi nhận và đánh giá cao những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của các sở, ngành, địa phương. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến của tỉnh được cải thiện, nhiều DN bày tỏ hài lòng với sự quan tâm của chính quyền cũng như tính năng động của các sở, ngành, địa phương khi giải quyết vướng mắc cho DN. Đặc biệt, có những sở, ngành, địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, giải quyết kịp thời những điểm nghẽn để DN hoạt động.

Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả và chất lượng đánh giá của DN với chính quyền, qua đó cho phép DN đánh giá các TTHC cụ thể khi gặp khó khăn. Vì vậy, công tác thi đua cải cách của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đặt ra yêu cầu mới khi các đơn vị phải đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Bộ chỉ số DDCI Bình Phước sẽ tiếp tục được chuẩn hóa để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng DN về chất lượng phục vụ của các cơ quan chính quyền.

Anh Nguyễn Thế Tùng, Giám đốc Công ty TNHH tôn An Thái, thị xã Chơn Thành cho rằng, qua các chỉ số đánh giá DDCI, bắt buộc các sở, ngành, địa phương phải lắng nghe DN nhiều hơn, có trách nhiệm làm rõ hơn, cụ thể hơn với tỉnh những vấn đề liên quan đến DN. Anh Tùng kỳ vọng: “Điều này giúp các sở, ngành, địa phương hình thành thói quen thường xuyên rà soát, đánh giá và nhìn lại chất lượng điều hành của mình, nhất là trong giải quyết nhu cầu chính đáng của DN, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút DN tốt hơn”.

Trao quyền “chấm điểm” cho DN

Bộ chỉ số DDCI qua 1 năm triển khai khẳng định là một trong những giải pháp quyết liệt, sáng tạo của tỉnh, qua đó tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành trong tỉnh. Sự đổi mới liên tục trong cách tiếp cận DN đã giúp Bình Phước ngày càng nhận được thiện cảm, niềm tin của cộng đồng DN.

Ông Cho Won Sang, Giám đốc hành chính nhân sự Công ty TNHH Yakjin Sài Gòn, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú cho rằng: “Trong quá trình hoạt động sản xuất, công ty gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giấy tờ, thủ tục pháp lý. Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng được sự hướng dẫn và hỗ trợ tận tâm của các ban, ngành giúp DN có thể hoàn thành thủ tục một cách nhanh chóng. Chúng tôi đánh giá môi trường đầu tư tại Bình Phước là rất tiềm năng. Ngoài sự hỗ trợ tận tình của các cơ quan, ban, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư và phát triển thì tiềm lực về con người và kinh tế mở cũng là lợi thế đáng chú ý cho các DN đầu tư vào Bình Phước”.

Kết quả DDCI được đo lường dựa trên tổng hợp ý kiến của DN, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh. Sự đánh giá, cảm nhận của cộng đồng DN qua “lá phiếu” DDCI có ý nghĩa quan trọng đối với từng sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; vì qua đây DN có thể đề xuất, tham mưu các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN, hợp tác xã phát triển. DDCI rất quan trọng đối với thứ hạng PCI của Bình Phước. Nếu DDCI cải thiện thực chất thì PCI sẽ được tăng lên.

Anh Phạm Thanh Chung, Giám đốc Hợp tác xã Hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh kỳ vọng các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp tục lắng nghe, tạo cơ chế, chính sách để hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn, khoa học - công nghệ đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường.

Bằng tinh thần cầu thị, chỉ số của DDCI Bình Phước liên tục được cập nhật, điều chỉnh để bám sát những vấn đề mà cộng đồng DN quan tâm, không tránh né những vấn đề nhạy cảm, cũng như luôn lắng nghe cộng đồng DN. Không chỉ thông qua bộ chỉ số DDCI, Bình Phước đã không ngừng tìm kiếm, chủ động mở nhiều kênh để lắng nghe, tạo không gian mở, gần gũi giữa chính quyền các cấp, sở, ngành với nhà đầu tư và DN. Sự đổi mới liên tục trong cách tiếp cận đã giúp chính quyền hiểu, chia sẻ và giải quyết kịp thời vướng mắc của DN.

Đánh giá đúng DDCI góp phần thực hiện khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước trong việc đồng hành với DN, xóa bỏ rào cản, xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ tốt nhất người dân và DN, vì một Bình Phước phát triển xứng tầm.

Theo Báo Bình Phước