The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Bình Phước lấy PCI làm chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp

Với khát vọng mạnh mẽ đưa Bình Phước phát triển nhanh, bền vững, chính quyền tỉnh Bình Phước đã và đang nỗ lực tạo ra một khí thế mới, động lực mới và cơ hội mới cho doanh nghiệp phát triển.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Bình Phước là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, từ những hoạt động cụ thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Cải thiện môi trường đi từ cơ sở
Để xây dựng hình ảnh về một Bình Phước năng động và chủ động hội nhập, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các nghị quyết, kế hoạch về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, qua công bố bảng xếp hạng chỉ số PCI, tỉnh cũng kịp thời nắm bắt, phân tích kỹ nguyên nhân dẫn đến điểm số ở mức thấp của một số chỉ số thành phần và có các giải pháp cụ thể, quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại tỉnh.
Ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tập trung một số giải pháp trọng tâm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để cải thiện từng chỉ số thành phần, nâng cao chỉ số PCI. Trong đó, tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng; công bố công khai, minh bạch các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong năm; không đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định. Đồng thời, tỉnh cũng xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu không thực hiện đúng, đầy đủ quy định mới về điều kiện kinh doanh, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Bình Phước cũng đã triển khai Đề án Xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2021-2025 (DDCI). Trong đó, vai trò người đứng đầu là một trong các chỉ số thành phần quan trọng trong bộ chỉ số này. Người đứng đầu các cấp, ngành, đặc biệt là các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét về tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở cơ quan, đơn vị; quán triệt cho công chức, viên chức thuộc quyền về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp.
Với sự quyết tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ cảm nhận, đánh giá tích cực hơn về những nỗ lực của tỉnh. Từ đó, cải thiện chỉ số PCI và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Bình Phước sẽ tạo cơ chế tốt nhất để “đại bàng” về làm tổ.
Ứng dụng công nghệ cải cách thủ tục hành chính
Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bình Phước chính thức ra mắt ngày 19/5/2020 đánh dấu một bước chuyển mới trong việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ trực tuyến điện tử. Với việc ra mắt cổng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đi lại để nộp hồ sơ, đồng thời hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng được lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhấn mạnh thực hiện nhằm bứt phá cải cách thủ tục hành chính. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đạt 98,2%. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ tại 100% UBND cấp xã, huyện. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được nâng cao, có ngày đạt 99%. Đây là hướng đi đúng đắn thể hiện tầm nhìn xa và khát vọng vươn lên của Bình Phước.
Đặc biệt, năm 2021, Bình Phước đã có bứt phá, vươn lên đứng đầu cả nước ở 3 nhóm công việc: Dịch vụ công trực tuyến, từ vị trí 47/63 tỉnh, thành đã vươn lên xếp thứ nhất cả nước, với 1.450 dịch vụ công được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Về chứng thực điện tử, có hơn 35.000 hồ sơ chứng thực điện tử thành công; Thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai, các loại phí, lệ phí trực tuyến, tính đến ngày 31/12/2021 có trên 35.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với tổng số tiền hơn 222 tỷ đồng, xếp thứ 1/63 tỉnh, thành cả về tổng số giao dịch và số tiền thanh toán trực tuyến.