The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

BÌNH PHƯỚC NỖ LỰC VƯỢT LÊN TỪ VỊ TRÍ BẤT LỢI

Thời gian gần đây, tỉnh Bình Phước đang có những bước chuyển tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính cũng như tạo quỹ đất sạch; gia tăng trách nhiệm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các cơ quan chức năng trong việc cùng đồng hành với doanh nghiệp (DN). Với 10 giải pháp mà Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tham mưu cùng thái độ cầu thị, luôn lắng nghe và sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh, tin rằng môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số PCI của tỉnh Bình Phước ngày càng được cải thiện.

Công tác cải cách hành chính tại Bình Phước đang có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Báo Bình Phước

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết mặc dù tỉnh Bình Phước có xuất phát điểm thấp, vị trí địa lý không thuận lợi bằng các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ, tuy nhiên thời gian qua, tận dụng các lợi thế, tiềm năng ít ỏi mà tỉnh có được, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, công tác thu hút đầu tư của Bình Phước đã đạt được những kết quả nhất định.

Khi mới tái lập, toàn tỉnh chỉ có 181 DN đăng ký với số vốn 35 tỷ đồng, đến nay số DN đã phát triển lên 5.857 (tăng gấp 32 lần) và số vốn đăng ký khoảng 46.041 tỷ đồng (tăng gấp 1.300 lần); riêng trong năm 2017 đã có 982 DN đăng ký hoạt động với vốn đăng ký 10.465 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài, ban đầu chỉ có 1 dự án với vốn đăng ký 20,58 triệu USD, đến nay đã có 165 dự án với vốn đăng ký 1,524 tỷ USD, riêng trong năm 2017 tỉnh đã thu hút được 22 dự án với số vốn đăng ký 105,4 triệu USD; trong đó, có 122 dự án đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút khoảng 45.000 lao động.

Vị trí địa lý kém thuận lợi và khâu đột phá

Thực hiện quyết tâm của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động để phục vụ người dân và DN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định công tác cải cách TTHC là khâu đột phá, là điều kiện tiên quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Trong năm 2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 31 về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó, ngoài việc quy định các chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh còn cam kết rút ngắn thời gian giải quyết TTHC về đầu tư ở các khâu xuống còn bằng 1/3 thời gian so với quy định của Trung ương. Tỉnh cũng đã thành lập và đưa trung tâm hành chính đi vào hoạt động để thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ tại một đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong thực hiện thủ tục.

Và ngay từ đầu năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 246 thành lập tổ thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho DN, đặt dưới sự chỉ đạo chung của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, Giám đốc Sở KH-ĐT là Tổ phó Thường trực; lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã là thành viên. Tổ sẽ họp định kỳ hoặc đột xuất để xem xét giải quyết ngay những kiến nghị, đề xuất và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm, là tỉnh có vị trí địa lý không được thuận lợi như các tỉnh khác trong khu vực, cách xa trung tâm kinh tế lớn là TPHCM, không có cảng hàng không và cảng đường thủy, đường sắt nên việc đi lại và vận chuyển hàng hóa chỉ bằng con đường duy nhất là đường bộ. Đây là điểm bất lợi, ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư.

Để xóa dần điểm bất lợi về vị trí địa lý, tạo lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, tỉnh xác định phải thực hiện tốt các công tác sau: Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương, kết hợp với nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các DN theo hình thức đối tác công tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông để rút ngắn thời gian và chi phí đi lại cho DN; đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp; chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn; tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch.

Đặc biệt, Bình Phước có khí hậu ôn hòa, đất đai rộng lớn và màu mỡ, đây là điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao, dự kiến quy hoạch làm 4 khu với tổng diện tích khoảng 800ha tại địa bàn 4 huyện, thị xã gồm: huyện Lộc Ninh (200ha), huyện Hớn Quản (500ha), thị xã Đồng Xoài (50ha), huyện Đồng Phú (50ha). Đất đai tại đây hầu hết là đất sạch, do vậy DN khi đầu tư vào đây sẽ không phải tốn thời gian và chi phí cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, tại Nghị quyết số 31 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư cũng đưa ra nhiều ưu đãi về tiền thuê đất và thuế thu nhập DN.

Ông Nguyễn Văn Trăm cho biết thêm, hiện tại đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất tỉnh xem xét đầu tư dự án tại các khu nông nghiệp công nghệ cao; tuy nhiên, do tỉnh đang trong quá trình xây dựng đề án, chưa trình Chính phủ phê duyệt nên tạm thời tỉnh ghi nhận thiện chí của nhà đầu tư. Sau khi đề án được phê duyệt, với chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn của tỉnh, chắc chắn việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ gặt hái nhiều kết quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

10 giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong khi đó, ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước thẳng thắn cho rằng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm qua cho thấy đánh giá của doanh nghiệp trong tỉnh về chất lượng giải quyết công việc của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp còn chưa tốt, TTHC còn phức tạp, niềm tin của doanh nghiệp đối với hệ thống dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa đáp ứng như mong đợi.

Ông Võ Sá cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân như: Nhận thức về nội dung, vai trò của PCI cũng như trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành, huyện/thị chưa đầy đủ và đồng bộ; sự điều hành, phối hợp giữa các ngành cấp tỉnh; giữa cấp tỉnh với các huyện/thị xã chưa được tốt, nên chưa phát huy hết được các nguồn lực, giải quyết tốt được các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp; một bộ phận cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ còn gây phiền hà, nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để có thể cải thiện PCI và quan trọng hơn là tạo môi trường kinh doanh ngày một thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, ông Võ Sá cho biết, trong thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, điều hành và triển khai thực hiện các giải pháp để cải thiện các chỉ số.

Cụ thể, về chi phí gia nhập thị trường, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh nhằm rút ngắn thời gian, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, giải quyết kịp thời vướng mắc cho các doanh nghiệp đồng thời tăng cường công tác phúc kiểm sau đăng ký kinh doanh.

Về Chỉ số Tiếp cận đất đai, sẽ tiếp tục cải thiện và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông các TTHC về đất đai. Đảm bảo ổn định về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, giá thuê đất, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, quỹ đất sạch… để nhà đầu tư an tâm trong việc lựa chọn mặt bằng kinh doanh.

Về Chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tăng cường công khai, minh bạch các chính sách pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, dự án…của Nhà nước bằng nhiều hình thức. Nâng cao chất lượng và thường xuyên cập nhật thông tin trên website của UBND tỉnh và các sở ngành, huyện thị.

Cùng với đó, giảm chi phí về thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước; minh bạch trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước…; đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế, triển khai các giải pháp đào tạo lao động…

Về chi phí không chính thức, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát vào các lĩnh vực như thanh tra trách nhiệm về tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện tốt các quy định về đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, về chỉ số Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, tỉnh sẽ chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành phù hợp với khuôn khổ pháp luật, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh và những vấn đề chưa rõ trong các quyết định, chính sách của Nhà nước. Các ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ kịp thời những chủ trương, chính sách, quyết định của Nhà nước đã ban hành; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước.

Về Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường phối hợp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Từng bước xã hội hóa, tư nhân hóa các dịch vụ công theo quy định. Nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Sắp xếp hợp lý các đơn vị sự nghiệp công lập để hoạt động hiệu quả hơn.

Với 10 giải pháp mà Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tham mưu cùng thái độ cầu thị, luôn lắng nghe và sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh, tin rằng môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số PCI của tỉnh Bình Phước ngày càng được cải thiện.

Thanh Hằng

Báo Chính Phủ